Benny Liu, Chủ tịch văn phòng Trung Quốc của hãng kiểm toán nổi tiếng thế giới KPMG, trụ sở ở Hà Lan từng đánh giá đây “là thành phố cốt lõi ở miền trung Trung Quốc”.
“Vũ Hán phục vụ như một cơ sở giáo dục, nghiên cứu và hoạt động công nghiệp quan trọng, tích hợp trung tâm vận tải của cả quốc gia”, ông nói.
Thành phố 11 triệu dân này là một trong những trung tâm công nghiệp khổng lồ, bao gồm sản xuất thép. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), 50% số cây cầu dài trên thế giới và 60% đường cao tốc Trung Quốc được thiết kế bởi các kiến trúc sư Vũ Hán.
SCMP dẫn báo cáo cho thấy tăng trưởng GDP của Vũ Hán là 7,8% trong năm 2019, cao hơn 1,7% so với mức tăng trưởng trung bình của quốc gia. Năm ngoái, tổng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu đạt 244 tỷ tệ (35,3 tỷ USD), đây là mức tăng trưởng kỷ lục, vượt 13,7% so với năm trước và chiếm 61,9% tổng giá trị ngoại thương của tỉnh Hồ Bắc.
Là thành phố công nghiệp lâu đời ở quốc gia đông dân nhất thế giới, Vũ Hán thu hút lượng lớn người di cư, tìm việc làm. Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng cho hay, khoảng 5 triệu dân thành phố là người di cư.
Thành phố cũng là một trong những tuyến giao thông quan trọng ở miền trung Trung Quốc trên cả ba lĩnh vực gồm đường sắt, đường thủy và hàng không. Đây là một trong những bến quan trọng của tuyến du lịch sông Dương Tử.
Một số quốc gia đặt lãnh sự quán ở thành phố, gồm Mỹ và Pháp. Cả hai đều đang lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Vũ Hán do virus corona. Theo phòng Thương mại Nhật Bản tại Vũ Hán, khoảng 160 công ty Nhật thuộc các ngành công nghiệp ôtô và điện tử có văn phòng ở Vũ Hán.
Thành phố cũng được xem là trung tâm tổ chức các sự kiện thể thao, văn hóa của đất nước. Hội thao quân sự nhà nước Trung Quốc tổ chức tại đây tháng 10/2019. Thành phố cho xây dựng làng vận động viên có sức chứa khoảng 10.000 binh sĩ, huấn luyện viên và các quan chức quân đội tham gia hội thao.
Vũ Hán còn là quê hương của các giải vô địch quần vợt, gồm cả giải Trung Quốc mở rộng. Vòng loại giải bóng đá nữ tại Thế vận hội mùa hè năm nay dự kiến tổ chức tại thành phố vào tháng 2 tới phải rời địa điểm sang Nam Kinh do dịch viêm phổi bùng phát.
Vũ Hán đã và đang du nhập các ngành công nghệ cao. Báo cáo năm ngoái của Viện Milken, nhóm nghiên cứu tư duy kinh tế độc lập có trụ sở ở California, Mỹ xếp Vũ Hán đứng thứ 9 trong số các thành phố hoạt động kinh tế tốt nhất Trung Quốc, tăng 7 bậc so với báo cáo thường niên trước đó của tổ chức này. Khu phát triển công nghệ cao Đông Hồ Vũ Hán được mệnh danh là “Thung lũng Quang học” của Trung Quốc, thu hút một số công ty công nghệ nổi tiếng, trong đó có Xiaomi.
Công nghiệp ôtô Vũ Hán tập trung tới 5 doanh nghiệp lớn, hơn 10 nhà máy sản xuất ôtô chở khách và hơn 500 doanh nghiệp phụ tùng ôtô. Một số nhà sản xuất nước ngoài gồm General Motors và Renault liên doanh với các công ty Trung Quốc để sản xuất xe hơi tại Vũ Hán.
Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung đang phải vật lộn với dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới họ Corona (nCoV) gây ra. Dịch bệnh đến nay đã khiến 106 người thiệt mạng cùng hơn 4.500 trường hợp nhiễm bệnh.
Trung Quốc buộc phải phong tỏa Vũ Hán cùng nhiều thành phố khác do lo ngại dịch bệnh lan rộng. Giới chức y tế Trung Quốc cho hay khả năng nCoV sẽ lây lan ngày càng mạnh hơn và virus có thể lây cả trong thời gian ủ bệnh. Song các quan chức ở Bắc Kinh trấn an thế giới rằng Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp thỏa đáng để ngăn chặn virus và nhấn mạnh tình hình đang được kiểm soát.
- Nhà ga Vũ Hán hoang vắng trước đêm giao thừa
- Viêm phổi Vũ Hán – bài kiểm tra với ông Tập
- Trung Quốc xây bệnh viện đối phó viêm phổi
Mai Lâm (Theo Dailystar/SCMP) – Vnexpress