Phim Việt về người Quảng Trị thời hậu chiến thắng giải ở Singapore

Phạm Thu Hằng nhận giải “Đạo diễn xuất sắc” tại LHP Quốc tế Singapore 2018 với tác phẩm tài liệu “The Future Cries Beneath Our Soil”.

Lễ bế mạc sự kiện diễn ra tối 8/12. Nhận giải, đạo diễn Việt Nam cho biết hạnh phúc và cảm ơn ê-kíp. The Future Cries Beneath Our Soil xoay quanh bốn người dân thời hậu chiến ở tỉnh Quảng Trị – nơi diễn ra những cuộc đụng độ khốc liệt nhất trong chiến tranh. Họ làm việc trong mỏ vàng, đào mìn còn sót lại để mưu sinh, đồng thời ám ảnh với cảnh bom nổ.

Phạm Thu Hằng (giữa) nhận giải.
Phạm Thu Hằng (giữa) nhận giải.

Phạm Thu Hằng từng là nhà nghiên cứu ở Việt Nam, sau đó tốt nghiệp một chương trình học thạc sĩ phim tài liệu ở Bồ Đào Nha, Hungary và Bỉ. “Khi ở nước ngoài, tôi nghĩ đến chuyện làm một phim gắn liền với nguồn cội – cụ thể là về chiến tranh Việt Nam. Dự án tài liệu được bắt đầu từ năm 2014 và quay rải rác trong bốn năm”, đạo diễn nói. Chị đang chuẩn bị phim tiếp theo kể về những người bị bệnh phong.

Đào Thị Minh Trang (giữa).
Đào Thị Minh Trang (giữa).

Một người Việt Nam khác thắng giải là Đào Thị Minh Trang ở hạng mục “Dự án triển vọng”. Nhà làm phim trẻ nhận hơn 2.000 USD để phát triển dự án Never Been Kissed – kể về hai cô gái bạn thân, trong đó một người chưa từng nếm trải hương vị tình yêu.

Giải quan trọng nhất – “Phim châu Á xuất sắc” – thuộc về A Land Imagined của đạo diễn Singapore Yeo Siew Hua. Câu chuyện xoay quanh một cảnh sát mất ngủ điều tra vụ mất tích của một công nhân cũng mắc chứng này. Tác phẩm có yếu tố ly kỳ, đồng thời phơi bày nhiều góc khuất trong xã hội Singapore. Đây là lần đầu tiên phim chủ nhà thắng giải này tại LHP Quốc tế Singapore từ năm 1991.

Đạo diễn Yeo Siew Hua (giữa) nhận giải.
Đạo diễn Yeo Siew Hua (giữa) nhận giải.

“Tôi từng là khán giả ở liên hoan và giờ có phim trình chiếu. Nhận được phần thưởng là khoảnh khắc rất đặc biệt”, Yeo Siew Hua nói. Đạo diễn cũng cảm ơn ê-kíp và cho biết dự kiến công chiếu A Land Imagined năm sau. Cách đây ba năm, Yeo Siew Hua từng đoạt giải cao nhất ở Gặp gỡ mùa thu khi trình bày dự án này.

Giải “Diễn xuất xuất sắc” thuộc về Manoranjan Das của Bulbul Can Sing – phim kể về ba người bạn đang tuổi dậy thì, bắt đầu khám phá cuộc sống và khiến dân làng khó chịu do hành vi của mình. A Million Years của đạo diễn Danech San (Campuchia) đoạt giải “Phim ngắn xuất sắc”. Tác phẩm có màu sắc kỳ ảo, xoay quanh hai người lạ bàn về nỗi sợ. Giải “Đạo diễn phim ngắn xuất sắc” được trao cho Aditya Ahmad của Indonesia với phim A Gift có nhân vật chính là thiếu niên mâu thuẫn với gia đình theo Hồi giáo.

Năm 2017, Rithy Panh còn là nhà sản xuất cho phim "First They Killed My Father" do Angelina Jolie đạo diễn.
Năm 2017, Rithy Panh còn là nhà sản xuất cho phim “First They Killed My Father” do Angelina Jolie đạo diễn.

Rithy Panh – nhà làm phim kỳ cựu Campuchia – nhận giải Danh dự với hơn ba thập niên cống hiến cho điện ảnh Campuchia và châu Á. Ông sinh năm 1964, sống sót qua thời Khmer Đỏ và gây chú ý với các phim về giai đoạn này. Tác phẩm The Missing Picture do Panh đạo diễn thắng giải Un Certain Regard ở Liên hoan phim Cannes năm 2013 và nhận đề cử Oscar “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc” năm 2014. Trên sân khấu, ông cho rằng sứ mệnh của mình là khôi phục nền nghệ thuật quốc gia và nuôi dưỡng những thế hệ tiếp theo.

Joan Chen là một trong số sao nữ gốc Á thành công ở cả lĩnh vực diễn xuất và đạo diễn. Cô sinh năm 1961, là người Mỹ gốc Hoa.
Joan Chen là một trong số sao nữ gốc Á thành công ở cả lĩnh vực diễn xuất và đạo diễn. Cô sinh năm 1961, là người Mỹ gốc Hoa.

Minh tinh Joan Chen được trao giải Huyền thoại với nhiều thành tích trên màn bạc. Cô đóng các phim The Last Emperor (1987) và Lust, Caution (2007), đồng thời thắng giải Kim Mã với vai trò đạo diễn Xiu Xiu: The Sent Down Girl (1998). Joan cho biết đam mê điện ảnh từ năm 14 tuổi và gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp. “Tôi là kẻ nhút nhát, hướng nội và say mê ngành này như con gấu sa vào hũ mật ong”, cô nói.

Liên hoan phim Quốc tế Singapore (SGIFF) lần thứ 29 diễn ra từ ngày 28/11 đến ngày 9/12. Ngoài giải thưởng, sự kiện còn nhiều chương trình bên lề như trình chiếu phim, lớp học và tọa đàm điện ảnh. Sau lễ trao giải, hoạt động chiếu phim vẫn tiếp tục vào ngày mai.

 Ân Nguyễn (VnExpress)

Để lại một bình luận