Thức đêm đánh cây cảnh bán dịp Tết

Khuya 21/1 (27 Tết), cánh đồng trồng quất, cam, bưởi cảnh ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang vẫn sáng đèn, người dân đánh cây cảnh đưa lên ôtô.  
Thương lái về Hưng Yên bốc cây cảnh trong đêm
Thương lái bốc quất cảnh. Video: Gia Chính

Về đêm, nhiệt độ ngoài trời chỉ 15 độ C, nhưng anh Đỗ Văn Tuyên, 44 tuổi, chỉ mặc mỗi cái áo cộc. Anh đang dùng xẻng đánh 20 gốc cam cảnh cuối cùng trong vườn cho khách.

Năm nay, anh Tuyên trồng 300 gốc cam và hơn 3.000 gốc quất cảnh. “Xưa tôi cấy lúa, trồng màu. 10 năm nay tôi chuyển sang trồng cây cảnh, thu nhập ổn định, cuộc sống khấm khá hơn hẳn”, anh Tuyên nói.

Anh Đỗ Văn Tuyên chuẩn bị bốc cam cho thương lái. Ảnh: Gia Chính
Anh Đỗ Văn Tuyên chuẩn bị bốc cam cho thương lái. Ảnh: Gia Chính

Đánh hết 20 gốc cam, anh Tuyên thông báo cho năm người trong gia đình đang bốc cây cảnh ở khu vườn khác tới để bốc cam cho vườn nhà. Những hộ trồng cây cảnh ở Văn Giang thường lập thành nhóm để hỗ trợ nhau những lúc có khách.

Cam cảnh được anh Tuyên trồng trực tiếp vào bồn sứ, chăm sóc trong hai năm. So với quất cảnh, cam chăm vất vả hơn vì háo nước. Những ngày hè anh phải tưới hai lần trong khi quất vài ngày mới phải tưới.

Anh Tuyên cho biết, từ tháng 9/2019, nhiều người đã đến đặt cây cảnh. Mỗi cây cam hai năm tuổi được bán tại vườn giá 450.000-500.000 đồng.

Thương lái tranh thủ bốc cây cảnh đêm để kịp về bán Tết. Ảnh: Gia Chính
Thương lái tranh thủ bốc cây cảnh đêm để kịp về bán Tết. Ảnh: Gia Chính

Thường thương lái sẽ đặt 30% giá trị cây. Sau đó anh Tuyên vẫn phải chăm sóc cẩn thận vì chỉ khi cây được đánh lên xe chuyển đi thì người mua mới trả phần tiền còn lại. “Có khi khách không ưng ý bỏ lại cây, với tiền đặt cọc như vậy tôi vẫn lỗ”, anh Tuyên nói. 

Cách vườn anh Tuyên hơn 400 m là vườn 200 gốc cam, 2.000 gốc quất của anh Thiều Văn Chiến, 47 tuổi. Anh Chiến cho biết, toàn bộ cây cảnh đã bán hết, chỉ chờ người chuyển đi. Tối qua, anh đánh 50 gốc cam cho thương lái ở Hải Dương. Khách ở Hà Tĩnh, Điện Biên do đường xa sẽ đến bốc cây muộn hơn.

“Số cam cảnh tôi trồng hơn 3 năm nên bán tại vườn giá 800.000 đồng mỗi gốc. Mỗi năm, tôi thu về khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ công chăm sóc từ việc trồng quất, cam cảnh phục vụ người dân chơi Tết”, anh Chiến chia sẻ.

Nghề bốc cây cảnh dịp Tết kiếm nửa triệu mỗi ngày. Ảnh: Gia Chính
Nghề bốc cây cảnh dịp Tết kiếm nửa triệu mỗi ngày. Ảnh: Gia Chính

Bốc cây cho vườn anh Chiến là nhóm thợ sáu người do anh Chu Quốc Thưởng, 41 tuổi, là trưởng nhóm. Anh Thưởng chia sẻ nhóm mình mỗi ngày làm việc từ 4h, đôi khi kết thúc vào lúc nửa đêm, bốc được hơn 500 gốc cây.

Gia đình anh Thưởng trồng ít quất nên công việc chính dịp này là bốc quất thuê. “Những ngày này tôi không sợ thiếu việc. Ngoài bốc cho vườn của một số hộ trồng nhiều, nhóm tôi nhận của cả những hộ nhỏ lẻ”, anh Thưởng nói và cho biết thu nhập mỗi ngày khoảng 500.000 đồng.

Gần 10 năm buôn cây cảnh dịp Tết, anh Nguyễn Xuân Tuynh (38 tuổi, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nói năm nay chọn buôn mỗi cam cảnh thay vì cả quất. “Điều kiện kinh tế khá giả nên người dân chọn chơi cam, dù giá cao gấp đôi, gấp ba”, anh Tuynh nói.

Năm 2019, huyện Văn Giang có hơn 350 ha trồng các loại cam, quýt, bưởi, quất cảnh phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Khoảng 1,2 đến 1,5 triệu cây cảnh các loại, tập trung tại các xã Liên Nghĩa, Mễ Sở, Thắng Lợi, Tân Tiến và thị trấn Văn Giang sẽ được xuất ra thị trường.