“Ôm” trăm tỷ bỏ trốn
Từ năm 2014, tỉnh An Giang cho triển khai dự án “chuỗi liên kết dọc trong sản xuất cá tra” với sự tham gia của 3 bên: nông dân, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (gọi tắt Công ty Thuận An), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh An Giang (gọi tắt Agribank CN An Giang).
Khi tham gia chuỗi, các hộ không nhận tiền, mà chỉ nhận thức ăn nuôi cá, được ngân hàng trả tiền thay, rồi ký nhận nợ với ngân hàng. Khi cá thu hoạch sẽ được bán “độc quyền” cho Công ty Thuận An. Sau đó, công ty này có trách nhiệm tất toán khoản vay của nông dân với ngân hàng, còn bà con sẽ nhận phần chênh lệch còn lại.
Cuối tháng 10-2016, Tổng giám đốc Công ty Thuận An Nguyễn Thị Huệ Trinh đi công tác nước ngoài, rồi không trở về, ôm theo số tiền hơn 62 tỷ đồng bán cá của nông dân. Ngoài ra, Công ty Thuận An còn nợ Agribank CN An Giang khoảng 495 tỷ đồng. Từ đó chuỗi liên kết cá tra đổ vỡ.
Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cận kề, thế nhưng nhiều nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất cá tra ở An Giang vẫn đang trong cảnh nợ nần.
Ông Nguyễn Văn Tấn (ngụ xã Vĩnh Thạnh Trung, H.Châu Phú) kể: Cách nay khoảng 6 năm, khi tỉnh An Giang và các ngành chức năng triển khai liên kết sản xuất và xuất khẩu cá tra theo chuỗi giá trị, ông là một trong hàng chục hộ tham gia đầu tiên.
Khi đó, ông thiết kế lại 5 ao cá với 2,8 héc-ta mặt nước, đồng thời thế chấp tài sản hơn 2 tỷ đồng cho Agribank CN An Giang để nuôi cá tra mô hình chuỗi liên kết dọc.
“Tết tới nơi mà trong nhà còn nợ các đại lý thức ăn hơn 2,7 tỷ đồng, không biết phải tính sao, trong khi vụ nuôi cá tra vừa rồi lại tiếp tục thua lỗ” – ông Tấn chua xót nói.
Cùng cảnh ngộ, ông Lê Quang Vinh (ngụ TT.An Châu, H.Châu Thành) bức xúc: “Ngay từ đầu tham gia đến thời điểm lãnh đạo Công ty Thuận An bỏ trốn, nông dân làm rất tốt từ việc vay vốn mua thức ăn, chăm sóc cá và giao cá đúng hẹn, đạt chất lượng cho doanh nghiệp. Gia đình tôi vay chi phí thức ăn 9,6 tỷ đồng nhưng đã giao cá hơn 9,7 tỷ đồng, còn dư hơn 100 triệu đồng.
Thế nhưng ngân hàng không chịu trả cho tôi số tiền dư ra, không giao lại tài sản thế chấp hơn 2,7 tỷ đồng, mà còn yêu cầu tôi trả nợ gốc là không chấp nhận được. Ngân hàng còn đưa tôi vào nợ xấu khiến gia đình kiệt quệ vì không còn vốn làm ăn”.
Đến nay đã hơn 3 năm kể từ khi chuỗi liên kết cá tra đầu tiên ở An Giang đổ vỡ, các ngành chức năng An Giang có rất nhiều cuộc họp, tìm nhiều hướng giải quyết nhưng mọi việc vẫn… “giậm chân tại chỗ”.
Ai chịu trách nhiệm?
Ông Nguyễn Văn Nghiệp (ngụ TP.Long Xuyên) cho biết: “Cần thấy rằng, Công ty Thuận An là do tỉnh An Giang và ngân hàng chọn để làm đầu mối thực hiện. Còn nông dân tham gia chuỗi chỉ vay vốn bằng thức ăn, sau đó “trả nợ” bằng việc giao cá cho Công ty Thuận An.
Khi lãnh đạo Công ty Thuận An ôm tiền bỏ trốn, kéo theo chuỗi đổ vỡ thì trách nhiệm này là của ngành chức năng và ngân hàng. Tuy nhiên ngân hàng đẩy cho nông dân chịu bằng cách buộc trả nợ thức ăn. Điều này dẫn đến nông dân phải trả nợ 2 lần, vì trước đó đã giao cá cho công ty”.
Cơ quan chức năng xác định các hộ nuôi cá trong chuỗi liên kết không có lỗi, bởi họ thực hiện theo đúng quy định của chuỗi. Ông Lê Quang Vinh mong mỏi: “Nguyện vọng của tôi là ngân hàng phải gỡ cái nợ xấu cho tụi tôi. Nợ xấu nhóm 5 gỡ thì 5 năm sau tôi mới được vay lại. Ngoài ra, phải giải chấp tài sản và cơ quan chức năng có trách nhiệm hỗ trợ khó khăn cho tụi tôi thiệt hại trong 3 năm vừa qua”.
Ông Nguyễn Văn Học (ngụ TP.Châu Đốc) cho rằng việc thí điểm liên kết thành công sẽ góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế. Ở đây thấy sự liên kết này trên cơ sở tự nguyện, với chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước cho nên nông dân tham gia.
“Nguyên nhân đổ vỡ là chọn doanh nghiệp không đủ tâm, không đủ năng lực tài chính. Vậy ai chọn doanh nghiệp này?” – ông Học nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Nưng – Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, chuỗi liên kết được hình thành rất sớm. Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND An Giang mong muốn đưa con cá tra đi xa, tạo thế mạnh cho tỉnh và ĐBSCL. Trong quá trình vận hành thì giai đoạn 1 rất ổn, đến giai đoạn 2 rắc rối xảy ra, tranh chấp kéo dài đến bây giờ là do chủ doanh nghiệp Thuận An bỏ trốn.
“Chủ trương xây dựng chuỗi này là đúng đắn. Quá trình đưa vô ngân hàng sẽ giải ngân theo quy định, chứ UBND tỉnh An Giang không chỉ định phải giải ngân bao nhiêu tỷ hay thời điểm nào. Người nông dân không có lỗi nhưng họ lại phải chịu thiệt thòi” – ông Nưng cho biết thêm.
Theo ông Nưng, lãnh đạo tỉnh, Agribank có làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị xử lý theo ý kiến người dân nhưng không được chấp thuận. Giấy tờ thế chấp của nông dân đến nay Agribank CN An Giang vẫn giữ.
“Đây là chuyện xung đột pháp lý. Trong việc này có lỗi quản lý của nhà nước. Quan trọng nhất là Agribank có chủ trương nhưng giải ngân lúc nào, có đúng hay không? Nếu ngân hàng giải ngân đúng, mà bà Trinh lừa cả ngân hàng, cả nông dân thì nếu bắt được cơ quan điều tra sẽ làm rõ” – ông Nưng nói.
Trung tá Trần Văn Tiến – Phó đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang: Vụ án này trước đây là của Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra, khởi tố rồi chuyển cho cơ quan điều tra Công an tỉnh An Giang thụ lý. Hai đối tượng chính trong vụ án là bà Nguyễn Thị Huệ Trinh và ông Nguyễn Thái Sơn. Sau khi khởi tố bị can, tiến hành khám xét, bắt giữ thì 2 đối tượng đã trốn. Do đó Bộ Công an cũng làm thủ tục để tiến hành truy nã đối với 2 người này. Ngoài ra, 2 kế toán của Công ty Thuận An cũng bị khởi tố.
Cơ quan CSĐT của An Giang đã thực hiện các biện pháp giám định tư pháp về ngân hàng tiền tệ, giám định tư pháp về lĩnh vực tài chính kế toán, định giá tài sản trong thủ tục hình sự liên quan đến tài sản của Công ty Thuận An vay. Tài sản này đang nằm rải rác tại An Giang và TPHCM. Do thời hạn giám định tư pháp quá kéo dài, đến nay vẫn chưa có kết quả nên cơ quan điều tra phải tạm đình chỉ điều tra, chờ kết quả giám định.
(Theo Công an TP.HCM)