“Khi tôi nói mình là Việt kiều, họ tưởng tôi lừa họ”, Mimi Vũ, một người Mỹ gốc Việt hoạt động chống buôn người, nói về trải nghiệm trong 13 năm lập nghiệp ở Việt Nam trong một sự kiện do Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP. HCM tổ chức hôm 15/1.
Mimi hiện là nhà sáng lập MV Consulting, công ty tư vấn đặt trụ sở tại Việt Nam, hỗ trợ hợp tác giữa chính phủ, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp để thực hiện trách nhiệm xã hội. Cô sinh ra và lớn lên trong một khu đông người Việt sinh sống tại thành phố Flint, bang Michigan, Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, Mimi làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tại thành phố New York. 13 năm trước, khi cô cân nhắc đến châu Phi để lấy kinh nghiệm quốc tế cho khóa tiến sĩ chính sách quốc tế, gia đình khuyên Mimi nên đến Việt Nam.
“Bố mẹ nói tôi nên về nước để giúp xây dựng đất nước từ kiến thức đã học”, Mimi nói, thêm rằng gia đình cô luôn tự hào về nguồn cội. Nghe lời khuyên gia đình, Mimi nộp hồ sơ và sớm được nhận vào làm tại East Meets West Foundation, tổ chức phi chính phủ về y tế và giáo dục ở Đà Nẵng.
6 tuần sau, Mimi đến Đà Nẵng. Sau 13 năm, Mimi đã trải qua nhiều vị trí ở các công ty, tổ chức tại Việt Nam trong lĩnh vực chống buôn người, nô lệ hiện đại, di cư bất thường, bình đẳng giới, sức khỏe cộng đồng… Cô bỏ lỡ tấm bằng tiến sĩ tại Mỹ cho đến nay.
Khi mới đến Đà Nẵng, Mimi tự tin sẽ không gặp vấn đề gì với vốn tiếng Việt sẵn có. Nhưng rồi cô nhận ra mọi thứ thật khác biệt.
“Tôi không hiểu hết phương ngữ ở đây, trong khi đồng nghiệp đến từ các tỉnh khác nhau. Từ vựng khác lạ, mỗi lần hỏi họ về cái ‘bowl’, tôi không biết nói thế nào, phải hỏi rằng ‘chị ơi cho xin một cái chén, bát, tô nhé’, với hy vọng họ sẽ hiểu”, Mimi kể trải nghiệm trong thời gian đầu đến Việt Nam.
Nhà hoạt động chống buôn người quan niệm rời Mỹ để đón nhận thách thức, điều cô cho là cách để phát triển bản thân. “Thách thức lớn nhất là dù lớn lên trong gia đình giàu văn hóa Việt Nam, đến đây làm việc với người Việt, tôi lại phát hiện ra bản thân mất kết nối với họ”, Mimi trăn trở, cho rằng ngôn ngữ và văn hóa giữa người trong nước và Việt kiều vẫn có nhiều khác biệt dù chung nguồn cội.
Đôi lúc Mimi bị xem là người nước ngoài. “Mọi người nghĩ tôi là người Nhật. Tôi nói mình là Việt kiều. Họ lại hỏi bố tôi là lính Mỹ phải không, rằng có phải tôi đến đây để làm từ thiện như nhiều người khác. Thật khó để họ tin tôi rời bỏ nước Mỹ giàu có để đến Việt Nam làm việc”, Mimi kể.
Việt Nam dường như là miền đất mới trong mắt Mimi, nhưng với nhà văn Andrew Lâm, người theo gia đình đến Mỹ năm 11 tuổi, ông không nghĩ sẽ có ngày trở về quê hương.
Andrew Lâm là tác giả ba quyển sách Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora, East eats West: Writing in Two Hemispheres và Birds of Paradise Lost. Andrew định cư ở San Francisco, nơi ông đồng sáng lập New America Media, tổ chức liên kết 1.000 hãng truyền thông của cộng đồng thiểu số ở Mỹ, trước khi về Việt Nam. Tên tuổi và tác phẩm của ông xuất hiện trên nhiều tờ báo Mỹ.
“10 năm trước, có người hỏi tôi muốn đến Việt Nam sống không, câu trả lời luôn là không vì điều kiện lúc ấy không đầy màu hồng cho những người như tôi”, nhà văn kể trong buổi tọa đàm.
Andrew cho rằng nhiều người nhìn thấy cơ hội kinh tế ở Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ sau này, trong mắt họ Việt Nam là mảnh đất giàu tiềm năng. “Những người lớn tuổi có nhiều ký ức đau buồn thời chiến, phải vượt qua điều đó mới có thể trở về, nhưng không phải ai cũng làm được”, Andrew nói.
45 năm sau ngày rời đi, Andrew đang sống ở Việt Nam, ông nhận ra mọi thứ thay đổi rất nhiều. “Nơi này không còn là ký ức mà là một đất nước mới, nhiều người trẻ và doanh nhân, cực kỳ năng động và hướng về phía trước”.
Andrew cho rằng những người ở thế hệ di cư đầu tiên như ông trở về có thể thấy lạ lẫm. Thách thức với ông là tìm kiếm nền tảng, xây dựng mối quan hệ ngoài Việt kiều. Để hòa nhập vào cuộc sống Việt Nam, Andrew nghĩ ông cần kết nối với người Việt nhiều hơn.
“Cuối tuần này bạn bè Việt kiều của tôi tụ hội ăn Tết nhưng chúng tôi thực sự không biết cách ăn Tết thế nào, không có quê để về, không có bàn thờ để đốt nhang, chúng tôi cố né tránh trở thành người Việt giữa bạn bè Việt kiều”, Andrew nói, cho biết họ từng thách ông ở đây và kết nối với người Việt, nhìn theo cách người Việt, cảm nhận kiểu Việt Nam. “Khi không chung cách nói, cách nghĩ, chúng ta khó kết nối, ngay cả khi tôi nói tiếng Việt rất sõi”.
Với Andy Nguyễn, người sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng vẫn giữ sợi dây liên kết với Việt Nam từ nhỏ, việc lập nghiệp và hòa nhập cuộc sống trong nước dường như ít khó khăn hơn.
Mùa hè năm 1997, trong chuyến trở về Việt Nam, anh tham gia đóng vai phụ trong phim truyền hình Đất phương Nam của chính bác mình, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Trải nghiệm đó, cùng truyền thống làm phim của gia đình, đưa Andy vào nghiệp làm phim.
Quay lại Mỹ, Andy tập tành làm phim bằng máy quay của gia đình. Năm 2013, anh tốt nghiệp ngành Phim tại Đại học Columbia, New York. Nhiều phim của Andy được chiếu trong các liên hoan thế giới và giành một số giải thưởng. Đến Việt Nam, anh tham gia dựng phim cho bom tấn Em là bà nội của anh của Phan Gia Nhật Linh, người theo học làm phim ở Mỹ, và Người bất tử của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ. Giờ đây, Andy đang thực hiện dự án phim mới tại Việt Nam.
“Sau khi tốt nghiệp Columbia, tôi có thể đến Hollywood khởi nghiệp, nơi có nhiều nhà làm phim tụ hội, hoặc quay về TP. HCM, nơi tôi có thể tìm thấy con đường riêng. Và điều làm tôi thích thú nhất để trở về là khám phá nền văn hóa ở đây”, Andy nói.
Có không ít thách thức với Andy khi theo đuổi nghiệp đạo diễn ở Việt Nam, trong đó lớn nhất là sự kiên nhẫn và cách làm việc khác biệt. “Tôi biết phải làm theo tiêu chuẩn trong ngành nhưng đôi khi mọi người làm việc không hết mình. May mắn là tôi được làm việc với nhiều người trẻ, những người rất sáng tạo và nỗ lực trong công việc, tôi thấy mọi thứ lạc quan phía trước”.
Mimi cũng thấy mình hạnh phúc ở Việt Nam và không có kế hoạch quay về Mỹ. “Tôi thích tận hưởng sự đổi thay ở Việt Nam. Tôi muốn giúp Việt Nam phát triển nhất có thể và đang làm điều đó”, cô nói. Năm 2018, tổ chức The Evening Standard của Anh công nhận Mimi là Người hùng chống nạn nô lệ.
“Thế hệ trẻ có thể không hiểu những gì thế hệ trước cảm nhận. Thế hệ Việt kiều bây giờ trở về nước làm mọi thứ tôi không tưởng tượng được, thật kỳ diệu”, Andy bày tỏ.
Nhật Duy – Vnexpress