Không lâu sau khi loạt tên lửa đạn đạo đầu tiên của Iran đánh xuống căn cứ không quân Ain al-Asad ở ngoại ô Baghdad, Iraq lúc 1h30 ngày 8/1, binh sĩ Mỹ tại đây đã mất liên lạc với hàng loạt máy bay không người lái (UAV) được ví như “mắt thần trên không”.
Vào thời điểm đó, quân đội Mỹ đang triển khai 7 UAV trên không phận Iraq để giám sát các căn cứ liên quân, trong đó có những máy bay MQ-1C Gray Eagles với chi phí hơn 7 triệu USD/chiếc.
“Chúng tôi nghĩ rằng đợt không kích có thể mở màn cho các cuộc tấn công trên mặt đất nên số UAV này vẫn tiếp tục hoạt động trên không”, trung sĩ Costin Herwig, một phi công điều khiển UAV MQ-1C tại căn cứ Ain al-Asad, cho hay.
Phần lớn trong số 1.500 lính Mỹ tại căn cứ này đã trú ẩn trong hầm ngầm nhờ cảnh báo sớm từ chỉ huy về đòn tập kích tên lửa của Iran. Tuy nhiên, 14 phi công vẫn bám trụ tại trung tâm kiểm soát đặt trong một container để điều khiển phi đội UAV. Quả tên lửa đầu tiên của Iran phát nổ gần đó và thổi khói bụi vào trong khoang điều khiển.
“Những quả đạn sau đó rơi ngày càng gần và tôi đã chấp nhận số phận. Chúng tôi nghĩ mình đã tiêu đời”, Herwig nhớ lại. Dù vậy, đó chưa phải khủng hoảng thật sự tại Ain al-Asad. Đợt tấn công kéo dài khoảng 3 tiếng, trong đó nhiều tên lửa đạn đạo Iran đánh trúng khu vực nghỉ ngơi của binh sĩ Mỹ, ngay cạnh khoang điều khiển phi đội UAV.
“Chưa đầy một phút sau khi tên lửa cuối cùng phát nổ, tôi chạy đến khu nghỉ ngơi và thấy ngọn lửa đã đốt cháy toàn bộ cáp quang”, trung sĩ Wesley Kilpatrick cho hay. Đây là những tuyến cáp kết nối khoang điều khiển với ăng ten liên lạc vệ tinh để điều khiển và nhận dữ liệu từ phi đội UAV.
“Chúng tôi mất kiểm soát hoàn toàn UAV khi những đoạn cáp đó bị phá hủy”, Kilpatrick nói. Đường truyền dữ liệu đứt khiến các UAV này bị lạc và lính Mỹ “mù hoàn toàn” trước các sự kiện đang diễn ra trên lãnh thổ Iraq. Họ thậm chí còn không thể biết liệu những phi cơ trinh sát có nguyên vẹn sau đợt tấn công hay không.
“Đó là vấn đề lớn. Những chiếc UAV rất đắt tiền và có nhiều thiết bị tuyệt mật mà chúng tôi không muốn rơi vào tay người khác”, Herwig nói, cho biết các binh sĩ sớm phải chui xuống hầm trú ẩn sau khi mất kết nối với phi đội UAV.
Ngay khi đợt tấn công kết thúc, binh sĩ Mỹ lao lên về buồng điều khiển để nhanh chóng khôi phục cơ sở hạ tầng và tìm lại những chiếc UAV bị mất tích. Họ thay thế tổng cộng 500 m dây cáp và lập trình lại kết nối với vệ tinh.
Tên lửa đạn đạo Iran đã phá hủy nhiều khu vực tại sân bay Ain al-Asad, trong đó có đường băng. Đài kiểm soát không lưu hoàn toàn trống trải và lực lượng Mỹ không thể điều phối hoạt động ở không phận quanh căn cứ. “Sân bay bị đóng cửa và chúng tôi phải cho máy bay hạ cánh mà không biết những phi cơ khác ở đâu. Đó là quá trình rất căng thẳng”, Herwig nhớ lại.
Ưu tiên hàng đầu của họ là kết nối lại với những chiếc Gray Eagle dự định hạ cánh xuống Ain al-Asad ngay khi đợt tấn công tên lửa bắt đầu. Chúng phải bay vòng liên tục trên không trong nhiều tiếng và gần cạn nhiên liệu.
Các binh sĩ Mỹ sau đó làm việc không ngừng để bảo đảm toàn bộ số UAV bị lạc trở về an toàn và đánh giá thiệt hại với từng chiếc. Chiếc UAV cuối cùng đáp xuống Ain al-Asad lúc 9h ngày 8/1. “Chúng tôi thu hồi toàn bộ phi cơ không người lái. Đó là một thành tích đáng nể”, Kilpatrick khẳng định.
Vũ Anh (Theo AFP) – Vnexpress