Chuyện tình Trịnh Công Sơn và cô gái Nhật lên màn ảnh rộng

Mối tình dở dang của nhạc sĩ “Diễm xưa” với Michiko Yoshii gợi cảm hứng cho phim điện ảnh.

Ông Trung Trực – chồng ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái Trịnh Công Sơn) – cho biết Phan Gia Nhật Linh là đạo diễn phim. Nhật Linh từng thực hiện Em là bà nội của anhCô gái đến từ hôm qua. Hiện phim trong quá trình hoàn thiện kịch bản. Đoàn phim dự kiến họp báo ra mắt vào tháng 4/2019, đồng thời tuyển hai diễn viên đóng nhân vật chính. Tác phẩm dự kiến ra rạp vào ngày 1/4/2021 – ngày giỗ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Michiko Yoshii thời trẻ.
Michiko Yoshii thời trẻ.

Chuyện tình giữa Trịnh Công Sơn và Michiko Yoshii là một trong những giai thoại gây xôn xao làng nhạc. Cuối thập niên 1980, khi đang là sinh viên đại học tại Paris (Pháp), Michiko Yoshii dành tình yêu lớn với văn hóa, ngôn ngữ và con người Việt – trong đó có nhạc Trịnh. Dù có bằng cao học về văn hóa Nhật Bản, bà vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài cao học nghiên cứu về âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn.

Michiko đến Việt Nam để gặp gỡ tác giả mình ngưỡng mộ. Luận án cao học và âm nhạc Trịnh Công Sơn là cầu nối cho cuộc tình của họ. Tình cảm sâu đậm hơn, cả hai quyết định làm đám cưới. Michiko kể lúc đó, bố mẹ của bà đã rất già, không thể sang Việt Nam nên muốn nhờ ông bà đại sứ người Nhật tại Việt Nam đại diện nhà gái khi hai bên gặp gỡ. Theo phong tục cưới của người Nhật, Trịnh Công Sơn và Michiko quỳ gối xuống lạy tạ bố mẹ. Trịnh Công Sơn không đồng ý. Ông nói người mẹ sinh ra mình cả đời còn chưa quỳ lạy bao giờ thì sẽ không quỳ gối trước ông bà đại sứ Nhật. Đám cưới sau đó bị hủy.

Michiko Yoshii bên ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh ở nhà riêng của Trịnh Công Sơn. Trên tường treo bức tranh cố nhạc sĩ từng vẽ bà (giữa).
Michiko Yoshii bên ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh ở nhà riêng của Trịnh Công Sơn. Trên tường treo bức tranh cố nhạc sĩ từng vẽ bà (giữa).

Cuộc tình dở dang nhưng âm nhạc vẫn gắn kết họ. Tháng 7/1991, tại Paris, Michiko Yoshii đã bảo vệ thành công luận án cao học về ảnh hưởng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong xã hội Việt Nam thời chiến. Luận án này được giám khảo của Đại học Paris VII xếp loại tối ưu. Sau ngày Trịnh Công Sơn mất, Michiko cũng thường về thắp hương cho ông. Hiện Michiko Yoshii là giáo sư giảng dạy tại Trung tâm nghiên cứu giáo dục quốc tế tại Đại học Mie, miền Trung nước Nhật.

Michiko Yoshii bên tượng khắc chân dung Trịnh Công Sơn.
Michiko Yoshii bên tượng khắc chân dung Trịnh Công Sơn.

Ngoài dự án điện ảnh, trong năm 2019, gia đình Trịnh Công Sơn sẽ tổ chức một tuần lễ mang tên ông nhân lần giỗ thứ 18. Ba đêm nhạc Trịnh sẽ diễn ra. Trong đó, đêm ở sân vận động Quân khu 7 diễn ra vào ngày 30/3, với các ca, nhạc sĩ: Bằng Kiều. Đức Tuấn. Hồng Nhung. Lệ Quyên, Trần Mạnh Tuấn…, dự kiến thu hút 20.000 khán giả. Một chương trình ở đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1) sẽ diễn ra vào chiều 1/4.

Hai đêm tại Nhà hát TP HCM ngày 2 và 3/4 có sự tham gia của danh ca Nhật Bản Tokiko Kato – người từng sang Việt Nam gặp Trịnh Công Sơn năm 1997. Các đêm nhạc đều không bán vé. Gia đình cũng tổ chức sự kiện vẽ tranh về cố nhạc sĩ  – Trịnh Công Sơn trong tôi, diễn ra trước Nhà hát TP HCM, đồng thời trao học bổng mang tên ông.

Trịnh Công Sơn – một trong những tên tuổi lớn nhất của nền âm nhạc Việt Nam – qua đời ngày 1/4/2001. 17 năm qua, những ca khúc của ông vẫn vang vọng khắp nơi, là dòng suối tinh thần tắm tưới tâm hồn cho nhiều người Việt.

Mai Nhật (VnExpress)

Để lại một bình luận