Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump với Bắc Kinh đã giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vào năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn so với chiều ngược lại.
Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc hôm thứ ba cho thấy nước này có thặng dư thương mại với Mỹ là 295,8 tỷ USD vào năm 2019, so với mức kỷ lục là 323,3 tỷ USD vào năm 2018. Đây là lần đầu tiên dữ liệu thương mại đầy đủ được công bố chính thức kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 12,5% năm ngoái, giúp thu hẹp thâm hụt cho Mỹ. Nhưng vấn đề là, nhập khẩu hàng Mỹ của nước này còn giảm mạnh hơn, với gần 21%. Bởi lẽ, Bắc Kinh đã trả đũa Washington bằng cách chỉ đạo các công ty nhà nước mua ít hàng của Mỹ hơn.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc ngày càng tăng là lý do chính quyền Trump áp hết vòng thuế này đến vòng thuế khác lên Bắc Kinh, nhằm sửa đổi cái mà Mỹ gọi là hoạt động thương mại không công bằng.
Xu hướng này sẽ đảo ngược, khi hai nước ký thỏa thuận sơ bộ dù nhiều nhà kinh tế vẫn còn tranh cãi về quan điểm của Trump rằng thâm hụt thương mại là xấu. Trung Quốc giờ đã hứa mua nhiều hàng Mỹ hơn. Dù lời hứa không được định lượng chính xác nhưng các nhà kinh tế cho rằng thâm hụt thương mại với Mỹ cần phải thu hẹp hơn nữa.
Về phần mình, Washington đồng ý xóa bỏ một số thuế quan đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, 25% thuế áp với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc, tức khoảng một nửa kim ngạch mỗi năm, vẫn được giữ nguyên. Điều đó có thể tiếp tục kiềm chế nhu cầu của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc.
“Phần được giảm thuế khá nhỏ so với phần thuế được giữ nguyên”, ông Julian Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế tại Capital Economics, đánh giá nhượng bộ của Mỹ. “Về phía nhập khẩu, Trung Quốc đang cam kết tiến một bước lớn”, ông nói thêm.
Một mối lo đang nổi lên từ các đối tác thương mại khác của Trung Quốc là Bắc Kinh sẽ cần phải chuyển hướng mua hàng từ một số quốc gia sang Mỹ để đạt được mức mua mà Washington yêu cầu.
Tuy nhiên, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Zou Zhiwu nói rằng, Trung Quốc hứa sẽ mua nhiều hàng Mỹ không nhất thiết có nghĩa là hàng nhập khẩu từ nước khác sẽ giảm vì thị trường Trung Quốc rất lớn.
Các nhà kinh tế vẫn kỳ vọng rất khiêm tốn cho thương mại Trung Quốc trong năm nay. Những người theo dõi tranh chấp thương mại Mỹ – Trung nói rằng căng thẳng có thể leo thang, nếu hai bên không làm tốt hiệp định giai đoạn đầu, hoặc nếu các vấn đề khác cản trở họ thực hiện. Ngân hàng Thế giới dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 2,5%, cao hơn một chút so với 2,4% của năm 2019.
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sang các khu vực khác ngoài Mỹ đã giảm xuống còn 3,6% trong năm ngoái, ít hơn so với mức giảm 12,5% trong xuất khẩu sang Mỹ. “Xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2020 sẽ không thể phục hồi đáng kể”, Lu Ting, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Nomura nói.
Trung Quốc còn có những vấn kề kinh tế nội tại khác cần vượt qua. Năm 2019, nhu cầu người tiêu dùng yếu đi. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong khoảng ba thập kỷ. CNY đã mạnh lên so với USD kể từ khi phá xuống dưới mốc 7 CNY đổi 1 USD hồi tháng 8/2019. Điều này khiến lợi nhuận xuất khẩu giảm.
Phiên An (theo Wall Street Journal) – Vnexpress