Trump chỉ trích Apple vì từ chối mở khóa iPhone

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Apple vì từ chối mở khóa iPhone của nghi phạm vụ xả súng tại căn cứ Hải quân ở Pensacola hồi tháng 12/2019.

“Chúng tôi luôn hỗ trợ Apple trong vấn đề thương mại, cũng như nhiều vấn đề khác, nhưng họ từ chối mở khóa chiếc điện thoại của một tội phạm, kẻ sát nhân và buôn ma túy. Họ ngay lập tức phải có trách nhiệm giúp đỡ đất nước, giúp nước Mỹ trở nên vĩ đại”, Trump viết trên Twitter hôm nay (15/1).

Ngày 13/1, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, William Barr tuyên bố Apple vẫn chưa đưa ra “sự trợ giúp đáng kể” nào để mở khóa hai chiếc iPhone của Mohammed Saeed Alshamrani, nghi phạm trong vụ xả súng ở thành phố Pensacola, bang California. “Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã được lệnh điều tra cả hai chiếc điện thoại nhằm xác định nghi phạm đã liên lạc với ai trước khi bị tiêu diệt”, Barr nói. “Chúng tôi kêu gọi Apple và các công ty công nghệ khác hợp tác tìm ra giải pháp tốt hơn để bảo vệ cuộc sống của người dân Mỹ, cũng như ngăn chặn những cuộc tấn công khác trong tương lai”.

Phản hồi trên CNBC, Apple khẳng định đã cung cấp hàng gigabyte thông tin liên quan đến vụ xả súng nói trên. Tuy nhiên, công ty sẽ không tạo ra “cổng hậu” hay phần mềm bẻ khóa chuyên dụng cho cơ quan hành pháp. “Chúng tôi phản đối luận điểm cá nhân cho rằng Apple không trợ giúp đáng kể cho cuộc điều tra ở Pensacola. Chúng tôi đã đưa ra phản ứng cẩn trọng, kịp thời và đang tích cực hỗ trợ họ”.

Các chuyên gia nhận định, động thái này có thể làm tổn thương nhà sản xuất iPhone do phần lớn các sản phẩm của công ty được lắp ráp tại Trung Quốc.

CEO Apple Tim Cook và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến tham quan nhà máy Flextronics, nơi lắp ráp MacBook Pro, ở thành phố Austin, bang Texas. Ảnh: CNBC.
CEO Apple Tim Cook và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến tham quan nhà máy Flextronics, nơi lắp ráp MacBook Pro, ở thành phố Austin, bang Texas. Ảnh: CNBC.

Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, đã mất nhiều năm để xây dựng mối quan hệ mật thiết với Tổng thống Mỹ Donald Trump, giúp công ty có trụ sở ở Cupertino thoát hàng rào thuế quan của Mỹ đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Cuối năm ngoái, công ty đã tránh được mức thuế cao trên nhiều dòng sản phẩm gồm iPhone, iPad và MacBook, khi Trump công bố thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một.

Năm 2016, FBI đã kiện Apple lên Bộ Tư pháp Mỹ vì từ chối yêu cầu mở khóa iPhone của Syed Farook, thủ phạm vụ xả súng khiến 14 người thiệt mạng ở thành phố San Bernardino, bang California. Cuộc chiến pháp lý giữa hai bên chỉ kết thúc khi FBI tìm được một nhà cung cấp phần mềm bẻ khóa bên thứ ba. “Tôi hoàn toàn đồng ý với quyết định của tòa án. Trong trường hợp này, chúng ta nên mở khóa iPhone”, Trump phát biểu trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ.

Apple đã lập luận rằng công ty không thể mở khóa iPhone, trừ khi phát triển phần mềm chuyên dụng hay còn gọi là “cổng hậu”. Trong tuyên bố ngày 13/1, công ty phản đối việc sử dụng “cổng hậu” vì tiềm ẩn rủi ro bảo mật.

Apple thường xuyên cung cấp dữ liệu từ máy chủ công ty cho các nhà chức trách Mỹ. Công ty cho biết đã đáp ứng 127.000 yêu cầu hỗ trợ thông tin của cơ quan hành pháp kể từ năm 2013. Đầu tháng này, một quan chức bảo mật của Apple tiết lộ, công ty có các nhóm làm việc ngày đêm để trợ giúp các cơ quan thực thi pháp luật tại Mỹ.

Việt Anh (theo CNBC) – Vnexpress