Làm thế nào để bằng Đại học chính quy và tại chức ‘bình đẳng’?

Quốc hội vừa chính thức chốt không phân biệt giá trị văn bằng chính quy hay tại chức. Đây sẽ là một nội dung mới trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi. Thông tin này đã tạo một hiệu ứng không nhỏ trong dư luận. Có khá nhiều ý kiến trái chiều, không đồng thuận với quyết định trên. Vậy vì sao vẫn còn nhiều người không ủng hộ quan điểm cần đối xử bình đẳng với hai hình thức đào tạo đại học này?

Giáo dục, đào tạo là lĩnh vực dịch vụ đặc thù có nhiều đặc điểm chuyên biệt. Với chức năng trang bị kiến thức, kĩ năng, đảm bảo sự hòa nhập và phát triển bản thân cho con người. Giáo dục đào tạo phải đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học. Bên cạnh hình thức đào tạo chính quy thường tập trung tại một thiết chế ổn định, gắn với niên hạn, còn có các hình thức đào tạo khác như: Đào tạo từ xa, đào tạo vừa làm vừa học (Tại chức). Các hình thức đó gắn liền với chương trình đào tạo đại học.

Sự khác biệt về hình thức đào tạo cơ bản không tạo nên sự khác biệt về mục tiêu và nội dung, chương trình đào tạo. Tính ưu việt của các hình thức đào tạo phi chính quy cho phép người học được lựa chọn hình thức đào tạo phù hợp nhất với bản thân mình.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các hình thức đào tạo phi chính quy cũng bộc lộ những mặt trái của nó. Trong bối cảnh hiện nay, khi bằng cấp vẫn là một “tiêu chí cứng” trong tuyển dụng nhân sự cả trong và ngoài khu vực công, đã nảy sinh một lượng lớn nguồn “cầu phi chính thức” .

Hiểu một cách bản chất, “cầu phi chính thức” là cầu không xuất phát từ chuẩn giá trị của hoạt động đào tạo. Nghĩa là người học không vì mục đích nâng cao trình độ, bổ sung kiến thức, tăng cường sự hiểu biết, mà mục đích cuối cùng là lấy được một tấm bằng đại học để tìm kiếm cơ hội việc làm, hoặc thỏa mãn yêu cầu, đòi hỏi của cơ quan tuyển dụng.

Với mục đích đó người học cũng không cần phải lên lớp thường xuyên để nghe giảng bài, không cần phải cố gắng tìm tòi, khám phá, nghiên cứu. Việc của họ là “đánh trống, ghi tên”, quan hệ tốt với giáo viên quản lý lớp để an toàn trong việc đánh giá tính chuyên cần và cải thiện điểm số.

“Cầu phi chính thức” sẽ hình thành nguồn “cung phi chính thức”. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học sẽ tìm cách chạy theo thị hiếu xã hội về ngành nghề đào tạo và nhu cầu của người học để thu hút học viên. Trong quan niệm chung, các cơ sở đào tạo đại học đều cho rằng: Đào tạo phi chính quy là hình thức đào tạo đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho mình. Làm sao để có được nhiều chỉ tiêu tuyển sinh, mở được nhiều lớp và thu hút được nhiều học viên nhất luôn là mục tiêu hàng đầu của nhiều trường đại học.

Một trong những biện pháp được áp dụng thường xuyên đó là tạo “cơ chế thoáng” cho người học. Nghĩa là sẽ không xiết chặt kỉ luật học tập, không đòi hỏi chất lượng nghiêm túc, dễ dãi trong đánh giá. Một số quy trình đào tạo có thể được bỏ qua, hoặc nếu có thực hiện thì cũng làm chiếu lệ (việc kiến tập, thực tập…).

Chưa kể, một bộ phận giáo viên quản lý đào tạo và ngay cả giảng viên sẵn sàng tham gia vào việc “mua bằng, bán điểm” một cách hợp pháp. Việc này làm sai lệch giá trị đào tạo đại học vốn gắn với tính khoa học và tính pháp lý cao, biến hoạt động đào tạo tại chức thành thương mại hóa, biến sản phẩm đào tạo thành sản phẩm hàng hóa thông thường.

Hệ quả là mặc dù được cấp bằng đại học, nhưng khá nhiều người sau khi tốt nghiệp không cải thiện được năng lực, trình độ và sự hiểu biết. Khi ứng dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn công việc, họ lúng túng và bất lực.

Đào tạo tại chức do đó đã gắn với một định kiến là không đảm bảo chất lượng. Nhiều cơ sở tuyển dụng đã loại ngay từ đầu những hồ sơ có tấm bằng “Đại học tại chức”. Cá biệt, có địa phương còn ban hành hẳn một chủ trương: Không tuyển dụng người tốt nghiệp đại học tại chức vào các cơ quan nhà nước của tỉnh. Mặc dù chính sách này đã bị “tuýt còi” vì bị coi là vi hiến, nhưng hiệu ứng lan truyền vẫn xảy ra.

Nhiều địa phương khác cũng không ngại ngần ban hành chủ trương tương tự. Định kiến xã hội ngày càng nặng nề trong phân biệt giữa bằng đại học chính quy và đại học tại chức. Nhưng sự thực, thái độ phân biệt đối xử giữa tấm bằng chính quy hay tại chức không nằm có nguyên nhân từ hình thức đào tạo mà ở chính chất lượng đào tạo.

Nay Quốc hội bấm nút, chính thức đưa vào Luật Giáo dục đại học nội dung: Không phân biệt bằng chính quy hay tại chức. Như vậy, hệ thống văn bản pháp lý đã xác định rõ ràng, không có sự khác biệt về yêu cầu chất lượng giữa hai hình thức đào tạo. Vấn đề nằm ở chính việc thực hiện quá trình đào tạo.

Để làm thay đổi định kiến và tâm lý xã hội về vấn đề này, điều cốt lõi là phải thay đổi tiêu chí tuyển dụng. Theo đó văn bằng tốt nghiệp đại học chỉ nên coi là tiêu chí thứ yếu bên cạnh tiêu chí chính yếu là năng lực đáp ứng yêu cầu của vị trí tuyển dụng. Theo đó việc tuyển dụng sẽ phải tăng cường các tình huống để ứng viên xây dựng phương án làm cơ sở đánh giá.

Mặt khác cũng cần phải xiết chặt việc kiểm tra, thanh tra quy trình đào tạo và xử lý nghiêm khắc với những sai phạm. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cũng cần phải có kết quả khảo sát, đánh giá chất lượng đào tạo tại chức, trên cơ sở đó quyết định cho phép hay không cho phép các cơ sở đào tạo đại học thực hiện hình thức đào tạo này.

Có như vậy những quy định pháp luật và chính sách của nhà nước trong đào tạo đại học tại chức mới thực sự đi vào cuộc sống, đem lại sự tin tưởng cho người dân và các nhà tuyển dụng nhân sự.

TS. Nguyễn Thị Hường vietnamnet

Để lại một bình luận