Nga mở cửa cảng biển Ukraine, Poroshenko ngồi trên đống lửa

Cảng Mariupol của Ukraine

Một quan chức cấp cao của Kiev cho biết phía Nga đã mở cửa eo biển Kerch và nối lại hoạt động cho các cảng biển của Ukraine trên biển Azov

Thông tin trên Reuters, ngày 4.12, Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Ukraine Volodymyr Omelyan cho rằng Nga đã mở lại một phần các cảng biển của Ukraine trên biển Azov.

“Các cảng Berdyansk và Mariupol đã được mở lại. Các tàu đã được phép đi quan eo biển Kerch hướng tới các cảng của Ukraine. Tuyến đường biển này đã được khôi phục một phần” – Bộ trưởng Omelyan thông báo.

Đây là hành động giảm nhiệt đầu tiên mà phía Nga thực hiện được sự xác nhận của chính quyền Kiev sau khi vụ việc nổ súng và bắt giữ các tàu hải quân Ukraine diễn ra hôm 25.11.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, quân đội Nga đã có những động thái mang tính phong tỏa biển Azov khi đưa một tàu vận tải cỡ lớn chắn ngang cửa khẩu ra vào tại eo biển Kerch.

Sau đó, Nga đã có động thái cứng rắn hơn khi phong tỏa hai cảng biển Berdyansk và Mariupol nói trên bằng cách không cho các tàu từ bên ngoài tiếp cận.

35 tàu đã bị cấm tiến hành các hoạt động bình thường tại 2 cảng này, theo thông tin từ Bộ trưởng Omelyan hôm 29.11. Chỉ có các tàu cập cảng của Nga và Cirmea mới có thể đi qua eo biển Kerch.

Nga điều tàu vận tải chắn ngang lối vào biển Azov qua cầu Crimea trong khi máy bay quân sự tầm soát trên không
Nga điều tàu vận tải chắn ngang lối vào biển Azov qua cầu Crimea trong khi máy bay quân sự tầm soát trên không

Phía Ukraine đã lập tức đưa ra các cáo buộc rằng Nga đang lợi dụng căng thẳng ở khu vực này nhằm hạn chế hàng hải của Ukraine trên phần biển chủ quyền và có mưu đồ thâu tóm toàn bộ biển Azov vào trong tay.

Tuy nhiên, Điện Kremlin đã gọi những cáo buộc này là “lố bịch”. Người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov khẳng định Moscow chỉ muốn kiểm soát an ninh của mình và đề phòng các động thái leo thang, gây phức tạp trong khu vực từ phía Ukraine. Việc mở cửa lại eo biển Kerch ngày 4.12 cho thấy Nga đã thực hiện đúng theo những gì họ tuyên bố.

Việc Nga mở cửa eo biển Kerch và thông thương cho các cảng biển của Ukraine ở khu vực này được diễn ra ngay sau khi Nga thống nhất với Đức về việc tổ chức một hội đàm 4 bên với Nga, Đức, Pháp, Ukraine để giải quyết các diễn biến căng thẳng ở Azov.

Đồng thời, phía Đức cũng lên tiếng sẽ cam kết không để xảy ra các diễn biến leo thang đến mức đụng độ quân sự nào ở khu vực này.

Điều này cho thấy Nga tiếp tục chủ động trong cuộc khủng hoảng ở Azov, họ đang làm những động thái cần thiết để bảo vệ an toàn lãnh thổ, lãnh hải của họ. Trong khi đó, hành động mở cửa thông thương cho các cảng biển này sẽ khiến một nhân vật không hề yên tâm: Tổng thống Poroshenko.

Cần chú ý rằng, trong những yêu sách mà ông Petro Poroshenko đưa ra hôm 3/12 để chấm dứt tình trạng thiết quân luật bao gồm 3 điểm: Nga trao trả tự do cho các tàu Ukraine và quân nhân nước này; Nga mở cửa thông thương cho các cảng biển; và Nga rút các đội quân đang tập trung tại khu vực biên giới với Ukraine về sâu trong lãnh thổ.

Cảng Mariupol của Ukraine
Cảng Mariupol của Ukraine

Thực tế, trong vụ việc này Nga đang chờ đợi những tín hiệu của phương Tây hơn là các thông điệp từ Ukraine.

Gần nhất, Thủ tướng Đức đã lên tiếng đảm bảo cho một tình trạng bình ổn, không leo thang chiến tranh, ngay lập tức Moscow mở cửa cảng biển. Ngày 4.12, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lên tiếng từ chối mọi đề nghị gia tăng hỗ trợ cho Kiev để tránh leo thang chiến tranh.

Với tuyên bố này, dự đoán rằng Nga sẽ sớm rút bỏ những đội quân mà nước này đã triển khai tới biên giới để đề phòng một cuộc đụng độ quy mô lớn với không chỉ Ukraine mà cả NATO.

Như vậy, các điểm trong yêu sách của Tổng thống Poroshenko đều từng bước được Nga thực hiện, nhưng không phải để thỏa lòng người đứng đầu Ukraine mà để đáp trả những thiện chí của phương Tây trong cục diện này.

Như vậy, Nga dựa vào sự đảm bảo và tích cực của phương Tây để giải quyết từng thách thức.

Yếu tố cuối cùng, trao trả tự do cho các thủy thủ Ukraine. Cần nhớ rằng đây là những người thừa lệnh trực tiếp gây hấn với lãnh thổ Nga.

Vì thế, nếu muốn Nga trả tự do cho những thủy thủ này thì Kiev – người chỉ đạo họ thực hiện hành động phải chịu trách nhiệm và thừa nhận sai lầm.

Đến lúc đó, uy tín chính trị của chính ông Poroshenko sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng chứ không phải phía Nga. Và Quốc hội Ukraine hoàn toàn có thể gây sức ép để chấm dứt tình trạng thiết quân luật này nhằm bảo vệ tiến độ cho các hoạt động phục vụ cuộc bầu cử tháng 3.2019.

Như vậy, Nga từng bước lật tẩy chiêu trò của ông Poroshenko trong việc làm căng thẳng vùng biển Azov. Đến bây giờ, người ngồi trên đống lửa phải là Tổng thống Ukraine.

Theo Đỗ Tú (Báo Đất Việt)

Để lại một bình luận