Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu nêu ý tưởng hạ sát Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), vào mùa xuân năm 2017, sau khi phiến quân Yemen do Iran hậu thuẫn phóng tên lửa đạn đạo vào thủ đô Riyadh, Arab Saudi ngay trước chuyến thăm của Trump, nguồn tin cho hay.
Tuy nhiên, James Mattis, bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi đó, đã phản đối. Quân đội Mỹ đã không ra tay, dù ý tưởng hạ sát tướng Iran tiếp tục được đưa ra tranh luận trong chính quyền Trump nhiều lần sau đó, một cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc giấu tên kể lại.
Trước những hành động mà Mỹ coi là gây hấn của Iran ở Trung Đông gần đây, cùng với “mối đe dọa tiềm tàng” sắp xảy ra, Trump đã quyết định “xuống tay” với Soleimani, khi ra lệnh không kích ông bên ngoài sân bay Baghdad, Iraq hôm 3/1.
Một số cựu quan chức Nhà Trắng đánh giá sự thiếu vắng Mattis trong chính quyền Trump là một trong những lý do giúp kế hoạch hạ sát Soleimani được thông qua. Họ cho rằng nếu Mattis còn tại nhiệm, ông sẽ phản đối vụ không kích, hoặc không đề xuất ý tưởng đó với Trump. Mattis từ chối bình luận về cuộc tấn công Soleimani.
Khi còn tại nhiệm, sự thận trọng của Mattis thường được củng cố nhờ tướng Joseph Dunford, cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và John Kelly, cựu chánh văn phòng Nhà Trắng. Bộ ba này từng cùng phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến nhiều thập kỷ và đều lo ngại những hậu quả tiềm tàng từ leo thang căng thẳng tại Trung Đông.
Dù nổi tiếng là người có quan điểm “diều hâu” với Iran, Mattis vẫn ưu tiên cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Về tầm nhìn xa hơn, ông chú trọng vào việc chuẩn bị cho quân đội đối phó những nguy cơ xung đột với các cường quốc lớn, như Trung Quốc hay Nga.
Nhưng Mattis đã từ chức cuối năm 2018 để phản đối quyết định rút quân khỏi Syria của Trump, và Lầu Năm Góc có ông chủ mới là Mark Esper. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, chánh văn phòng Nhà Trắng và chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), cơ quan giám sát các hoạt động của quân đội ở Trung Đông, cũng là những người khác.
Giới quan sát nhận định vụ không kích Soleimani cho thấy Trump ngày càng dễ dàng thực hiện những điều ông muốn. Đội ngũ quan chức an ninh quốc gia Mỹ hiện nay cũng sẵn sàng cung cấp cho Trump những lựa chọn quyết liệt hơn và có xu hướng không tính tới suy nghĩ của Tổng thống.
Các nguồn tin ở Nhà Trắng cho biết giới chức Lầu Năm Góc đã “thòng” phương án hạ sát Soleimani vào danh sách biện pháp đối phó với Iran, với suy nghĩ rằng điều này sẽ giúp các phương án khác dễ dàng được Tổng thống chấp nhận hơn. Nhưng họ không ngờ rằng Trump đã lựa chọn cách “cực đoan” nhất, trong khi không có tiếng nói phản biện nào đủ mạnh để ngăn cản quyết định của ông.
Mối đe dọa từ IS tại Iraq và Syria giảm dần càng tạo điều kiện cho họ hướng “mũi dùi” về phía Iran.
Tướng Joseph Votel, cựu tư lệnh CENTCOM, từng là “kiến trúc sư trưởng” trong kế hoạch tiêu diệt IS của chính quyền Trump. Ông kiên quyết thúc đẩy duy trì binh sĩ Mỹ ở phía bắc Syria để hỗ trợ dân quân người Kurd, đảm bảo tàn quân IS không trở lại. Tuy nhiên, Trump năm ngoái quyết định rút một số lính Mỹ về và tuyên bố IS đã bị đánh bại.
Tướng Kenneth McKenzie, tư lệnh hiện nay của CENTCOM, đã thay đổi ưu tiên so với người tiền nhiệm khi biến Iran thành tâm điểm trong chính sách chỉ huy của ông.
Sự thay đổi còn thể hiện rất rõ trong đội ngũ cố vấn quân sự của Trump. Tướng Mark Milley, người kế nhiệm Dunford làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho thấy sự bảo thủ khi công khai bảo vệ chính sách của chính quyền Trump.
Sau vụ không kích Soleimani, Milley đã lên tiếng ủng hộ quyết định của Tổng thống. “Chúng tôi sẽ gây ra sự cẩu thả đáng trách với người dân Mỹ nếu không thực hiện quyết định mà chúng tôi vừa tiến hành”, tướng Mỹ cho hay, đề cập tới mối đe dọa tấn công trong tương lai từ Soleimani.
Bộ trưởng Quốc phòng Esper cũng ngày càng trở thành “tiếng nói” cho Trump, khi nhiều lần xuất hiện trên truyền hình và trả lời báo chí tại Lầu Năm Góc. Trong các bài phát biểu, Esper bảo vệ quyết định hạ sát tướng Iran, đồng thời tìm cách giải thích một số tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống.
Sau khi Trump dọa tấn công các địa điểm văn hóa của Iran, Esper khẳng định quân đội Mỹ sẽ tuân thủ luật xung đột vũ trang, ám chỉ những cuộc tấn công như vậy sẽ không xảy ra. Vài ngày sau, Trump tuyên bố lại rằng ông sẽ không tấn công “nếu đó là luật”. Esper còn nói “không thấy bằng chứng cụ thể” về kế hoạch tấn công 4 đại sứ quán Mỹ của Iran, khác với thông tin từ Trump, nhưng bổ sung ông “có cùng quan điểm với Tổng thống rằng Iran sẽ nhắm vào các sứ quán”.
Người phục vụ lâu nhất và có ảnh hưởng nhất trong nhóm cố vấn của Trump là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người từ lâu đã thúc đẩy quan điểm “diều hâu” hơn với Iran. Esper, bạn học cũ của Pompeo tại học viện quân sự West Point, đã phối hợp chặt chẽ với ông để thực hiện mục tiêu này.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cũng có cách hoạt động khác với người tiền nhiệm John Bolton. Theo một nguồn tin giấu tên, Bolton thường xuyên đưa quan điểm riêng của ông vào quá trình ra quyết định và gây khó dễ cho các thành viên nội các khi không tiết lộ thông tin cho họ.
Trong khi đó, giới chức cho rằng O’Brien, một cựu luật sư và nhà đàm phán con tin, coi bản thân là điều phối viên và có nhiệm vụ hỗ trợ. Ông chưa từng tranh cãi với Trump như Bolton hay cựu cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster. Trump thường xuyên phàn nàn McMaster hay lên mặt hoặc cố chứng minh rằng Tổng thống sai.
Tương tự O’Brien, quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney cũng có xu hướng tránh đụng độ hoặc cố gắng kiềm chế sự bốc đồng của Trump, đặc biệt trong các quyết định về an ninh quốc gia. Do xuất thân từ luật sư, Mulvaney cũng có kinh nghiệm hạn chế trong vấn đề này.
Ngược lại, John Kelly, người tiền nhiệm của Mulvaney, thường xuyên nói với các quan chức quân sự rằng ông muốn thảo luận với Trump trước khi họ thực hiện mệnh lệnh của Tổng thống, đôi khi thuyết phục họ trì hoãn hành động.
Khi Trump đề nghị rút Mỹ khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay rút lính Mỹ khỏi Trung Đông hồi cuối năm 2017, Kelly đã nỗ lực thuyết phục các quan chức quân sự và tình báo cấp cao tìm cách thay đổi suy nghĩ của Trump. “Tổng thống quá vội vàng. Việc kéo dài thời gian có thể khiến ông ấy bình tĩnh lại, sau đó họ sẽ giải thích cho ông ấy về những hệ quả”, một nguồn tin cho hay.
Theo giới quan sát, sự tự tin của Trump được củng cố thêm sau ba năm nắm quyền. Ông dường như còn có cảm giác rằng dự đoán của giới chuyên gia về những hậu quả thảm khốc ở Trung Đông không phải lúc nào cũng đúng. Các quan chức cấp cao từng cảnh báo Trump rằng việc chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem sẽ làm gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào quân đội Mỹ trên khắp Trung Đông, nhưng hậu quả này chưa từng xảy ra.
Một cựu quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết khi Trump đề xuất hạ sát Soleimani, “nhiều người cũng khuyên ông ấy đừng làm vậy”, nhưng ông chủ Nhà Trắng cho rằng hậu quả sẽ không tồi tệ như dự đoán.
Trump còn được cổ vũ bởi đội ngũ cố vấn an ninh có lập trường khá thống nhất, đặc biệt trong quan điểm “diều hâu” với Iran. “Kết quả là sự việc không được xem xét thấu đáo, ít tranh luận và hành động nhanh chóng hơn. Đó là một nhóm nhỏ cùng chí hướng và có khả năng đi đến quyết định gọn lẹ”, một cựu quan chức khác nói.
Những người ủng hộ chính sách “diều hâu” với Iran cảm thấy vui mừng với nhóm cố vấn an ninh mới đồng hành cùng Trump. Tuy nhiên, các nghị sĩ Dân chủ bày tỏ lo ngại rằng Tổng thống có thể vô tình lao vào một cuộc chiến lớn hơn với Iran.
“Mattis nổi tiếng với quan điểm diều hâu với Iran, nhưng cuối cùng trở thành một trong những người có đầu óc tỉnh táo nhất trong nội các”, thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy nhận xét, lưu ý rằng rất ít người trong đội ngũ an ninh hiện tại của Trump “có bất kỳ kinh nghiệm ngoại giao thực sự nào”.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post) – Vnexpress