Chỉ một ngày sau khi trở về, mắt Edwards đã bị kích ứng, lồng ngực ngột ngạt, đầu đau và họng luôn cảm thấy ngứa ngáy khiến cô ho dai dẳng không dứt. Ba đám cháy rừng lớn vẫn cuồn cuộn lửa cách đó 100 km. Chất lượng không khí của Canberra dịp năm mới vừa qua thuộc hàng tệ nhất trong các thành phố lớn trên thế giới.
Các đám cháy rừng đã làm ô nhiễm một khu vực rộng lớn của Australia, gây ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn người. Những cuộc gọi khẩn cấp, xe cứu thương và phòng cấp cứu tại bệnh viện đã tăng đáng kể hoạt động thời gian gần đây. Một số cơ quan chính quyền thậm chí đã phải đóng cửa.
Hàng loạt siêu thị, cửa hàng không còn mặt nạ phòng khói để bán và chính quyền gần đây đã bắt đầu phân phát khẩu trang tới những người đặc biệt dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, người già, người mắc bệnh tim và bệnh phổi.
Trên Facebook, người dân thi nhau đăng hình ảnh họ dùng băng dính dán kín cửa ra vào và cửa sổ để ngăn khói lọt vào nhà.
Một câu hỏi đặt ra trước tình trạng cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử Australia kéo dài từ năm ngoái tới nay là: Sức khỏe của người dân sẽ bị ảnh hưởng như thế nào về lâu dài khi họ phải tiếp xúc quá nhiều với khói.
Theo các nhà nghiên cứu, khói cháy rừng không chỉ ảnh hưởng tới da và mắt người, nó còn đi vào tâm trí, ám ảnh suy nghĩ của họ, gây tác động tới sức khỏe tinh thần. Đây là nghiên cứu tại Victoria sau thảm họa cháy rừng “Ngày thứ 7 Đen tối” hồi năm 2009.
“Tôi dự đoán ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều so với trước đây bởi các đám cháy đã kéo dài quá lâu”, Mirella Di Benedetto, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học RMIT ở Melbourne, cho hay.
Các vụ cháy năm 2009 khiến bang Victoria bị cô lập, nhưng những đám cháy hiện nay xảy ra trên cả nước, gần những thành phố lớn nhất của Australia. “Khói thậm chí còn lan tới cả những nơi không có cháy”, Di Benedetto nói. “Chất lượng không khí ở Sydney thực sự tồi tệ. Tôi nghĩ tác động về sức khỏe tinh thần và thể chất sẽ rất khủng khiếp trong những tháng tới”.
Ở Australia, khói ảnh hưởng tới các thành phố theo những cách không ai ngờ tới. Tại một bệnh viện công của Canberra, các nhân viên phải đóng hết cửa nhằm ngăn khói lọt vào hành lang và phòng bệnh, bác sĩ trực phòng cấp cứu David Caldicott cho biết.
Một số y tá phải đeo mặt nạ dưỡng khí và khói đã làm nhiều máy chụp cộng hưởng từ MRI tê liệt. Ở nhà của Caldicott, cảm biến cảnh báo khói liên tục kích hoạt báo động cháy, buộc anh phải dùng khăn che nó lại.
Tại bang New South Wales, nơi có thành phố Sydney, giới chức y tế cho hay số người được chuyển tới phòng cấp cứu vì bệnh hen suyễn và các vấn đề hô hấp đã tăng 34% từ ngày 30/12 đến 5/1 so với cùng kỳ năm ngoái. Số cuộc gọi cấp cứu vì vấn đề hô hấp cũng cao, khoảng 2.500 cuộc so với mức trung bình 5 năm là 1.900. Số ca nhập viện tăng lên trên 430, trong khi mức trung bình 5 năm là 361.
4 trong 5 trung tâm dân số lớn nhất Australia đang chịu tác động nặng nề từ cháy rừng. Ít nhất 25 người đã thiệt mạng, gần 2.000 ngôi nhà bị phá hủy và hơn 5,6 triệu hecta rừng bị thiêu rụi. Khói được sinh ra nhiều tới mức nó đã lan tới Nam Mỹ.
Cháy rừng là nguyên nhân chính gây ra các cơn hen suyễn, Bruce Thompson, trưởng khoa Khoa học Sức khỏe tại Đại học Công nghệ Swinburne ở Melbourne, lưu ý. “Đây là vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng”, ông nói.
Các hạt bụi mịn kích thước 5 micromet sẽ “bám vào mũi bạn, khiến bạn bị sổ mũi kèm ngứa mắt khi thức dậy”, Thompson cho biết. “Những hạt mịn kích cỡ 2,5 micromet hay PM 2.5 còn đáng sợ hơn. Chúng có thể đi tới tận cùng phổi. Chúng tôi từng chứng kiến một vụ cháy mỏ than và rồi 4 năm sau, phổi của những đứa trẻ sống gần nơi cháy bị suy yếu rất nhiều.
Theo Thompson, phổi đang phát triển ở trẻ em có thể bị tổn thương vĩnh viễn ở các mức độ khác nhau.
“Lá phổi sẽ bị viêm và khiến bạn ho”, Thompson nói. “Phổi rất tệ trong khâu tự chữa lành. Nó sẽ cố loại bỏ các hạt mịn bằng cách khiến bạn ho, nhưng điều này sẽ tạo ra mô sẹo và bạn không muốn có sẹo trong phổi mình bởi nó làm giảm hiệu quả hoạt động của phổi”.
Fay Johnston, giáo sư sức khỏe môi trường tại Viện Nghiên cứu Y học thuộc Đại học Tasmania, cho rằng hầu hết những người tiếp xúc với khói sẽ không bị tổn hại nếu những đám cháy sớm tắt. “Nếu khói tan, người khỏe mạnh có thể chịu đựng”, Johnston cho hay. “Người khỏe mạnh sẽ vượt qua mà không phải chịu tổn thương lâu dài nào”.
Tuy nhiên, mùa mưa ở Australia sẽ không bắt đầu trước tháng hai. Như nhiều nhà nghiên cứu khác, Johnston lo ngại về những tác động khó lường đối với người già và người mắc bệnh hen suyễn nếu hỏa hoạn tiếp tục kéo dài. “Chúng ta thực sự không thể biết di chứng lâu dài của nó là gì”, bà nói.
Trong lúc đó, ở Bowral, phía nam Sydney, Peggy Stone cho hay cô đang đấu tranh từng ngày để chống lại cảm giác chán nản, bi quan. “Chúng tôi suốt nhiều tuần nay chưa nhìn thấy Mặt trời”, Stone nói. Bầu trời lúc có màu da cam, khi chuyển sang màu xám xịt.
Xa hơn về phía nam ở Canberra, Jenny Edwards, người mắc chứng hen suyễn, đã đặt lịch khám bác sĩ.
“Tôi rất lo lắng về tương lai trong vài tháng tới”, cô chia sẻ. “Rất khó đoán chất lượng không khí sẽ ra sao khi mà vẫn còn nhiều đám cháy lớn trong khu vực của chúng tôi và có khả năng đám cháy mới sẽ bùng phát”. Edwards đang tính rời khỏi Canberra, nhưng cô biết lựa chọn này vô cùng rui ro bởi lửa có thể lan tới bất cứ đâu.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post) – Vnexpress