Sau khi Mỹ không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tehran đứng trước nhiều lựa chọn để đáp trả Washington, từ các cuộc tấn công nhỏ lẻ của lực lượng ủy nhiệm, cho tới đòn trả đũa trực diện vốn có thể châm ngòi cho chiến tranh quy mô lớn giữa hai nước.
Iran cuối cùng lựa chọn phương án phóng nhiều tên lửa đạn đạo tập kích hai căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq vào rạng sáng 8/1. Giới chuyên gia quân sự cho rằng đây là phương án khả dĩ nhất của Iran, sau nhiều năm tập trung các nguồn lực để xây dựng năng lực tác chiến phi đối xứng, giúp nước này đối phó với các quân đội lớn và hiện đại gấp nhiều lần.
Các lực lượng vũ trang Iran hiện có 500.000 binh sĩ chính quy, gồm 125.000 lính IRGC. Tuy nhiên, quân số đông không phải là lợi thế trong cuộc đối đầu với những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, đặc biệt khi Iran không sở hữu những khí tài quân sự hiện đại vì các lệnh trừng phạt kinh tế và hạn chế mua bán vũ khí trong nhiều năm qua.
Để bù lại chênh lệch này, Iran đã theo đuổi giải pháp xây dựng năng lực tác chiến phi đối xứng, tập trung vào những vũ khí tiến công tầm xa khó đánh chặn cùng mạng lưới dân quân ủy nhiệm khắp Trung Đông, cho phép họ gây thiệt hại nặng với đối phương mà không phải sa lầy vào chiến tranh truyền thống.
“Iran sẽ bị đè bẹp nếu xét trên quan điểm quân đội thông thường. Quân đội thường trực của họ khá lạc hậu và cũng không đủ sức mạnh chiến đấu. Tehran đã đầu tư toàn bộ nguồn lực vào năng lực tấn công phi đối xứng, họ đã chuẩn bị rất kỹ về mặt này”, một cựu quan chức quân đội Anh giấu tên nhận xét.
Chiến lược này giúp Iran tránh xung đột trực diện với Mỹ cho tới khi căng thẳng leo thang vì vụ không kích hạ sát tướng Soleimani.
Trong hàng chục năm qua, Tehran đã mạnh tay đầu tư xây dựng năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) nhằm răn đe, ngăn chặn các chiến dịch quân sự của Washington ở vịnh Ba Tư. Nòng cốt của chiến lược này là hàng nghìn tên lửa đạn đạo và hành trình được Iran chế tạo với sự hỗ trợ từ Libya, Triều Tiên và Trung Quốc.
Trụ cột của lực lượng tên lửa Iran là dòng Shahab với ba biến thể được nâng cấp liên tục. Phiên bản nổi bật nhất là tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3 được phát triển từ nền tảng tên lửa Nodong-1 của Triều Tiên. Mỗi quả đạn đạt tầm bắn 1.000-2.000 km tùy phiên bản và có thể mang đầu đạn hạt nhân với tải trọng 1,2 tấn. Shahab-3 cho phép Iran đe dọa toàn bộ căn cứ Mỹ ở Trung Đông, lãnh thổ Israel và một phần khu vực tây nam châu Âu.
Iran cũng biên chế tên lửa hành trình tầm xa Soumar được phát triển từ mẫu Kh-55 dành cho oanh tạc cơ chiến lược Liên Xô. Iran mua được một số tên lửa Kh-55 vào đầu thập niên 2000, sau đó tháo rời chúng để nghiên cứu và cho ra đời biến thể Soumar sử dụng đầu nổ thông thường, đặt trên bệ phóng mặt đất và đạt tầm bắn 2.500 km.
Tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) Iran được cho là vũ khí được sử dụng trong vụ tập kích hai cơ sở lọc dầu của Arab Saudi hồi tháng 9 năm ngoái. Vụ tấn công khiến Riyadh mất 50% sản lượng dầu thô, ảnh hưởng tới 5% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Mỹ và Arab Saudi cáo buộc Iran đứng sau vụ tập kích, nhưng Tehran bác bỏ mọi liên hệ.
Đợt tấn công nhà máy dầu Aramco và căn cứ Mỹ tại Iraq cho thấy tên lửa Iran có độ chính xác cao, đủ sức phá hủy cơ sở hạ tầng mà không gây thương vong cho binh sĩ gần đó. “Họ sử dụng vũ khí dẫn đường. Iran không muốn người Mỹ đổ máu”, Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
IRGC cũng đầu tư xây dựng hạm đội 2.000 xuồng cao tốc trang bị tên lửa và tàu ngầm cỡ nhỏ. Chúng có thể xuất hiện ở mọi vị trí tại eo biển Hormuz chỉ trong vòng vài phút. Không chỉ trang bị súng máy hạng nặng, chúng có thể mang cả tên lửa chống hạm có khả năng bắn chìm những chiến hạm hiện đại.
Ngay cả các chiến hạm hiện đại cũng khó có thể tự bảo vệ trước cuộc vây hãm của một đội hình xuồng vũ trang đông đảo, đặc biệt nếu chúng nhận được sự yểm trợ từ các tàu ngầm mini mang tên lửa diệt hạm và ngư lôi. Giới phân tích tin rằng Iran đã phát triển thành công tàu cao tốc không người lái mang tên Ya Mahdi. Chúng có thể được chất đầy thuốc nổ và triển khai trong những cuộc tấn công chớp nhoáng, rất khó phát hiện qua hệ thống radar.
“Tehran không cần tàu chiến cỡ lớn như hộ vệ hạm và khu trục hạm ở vịnh Ba Tư. Xuồng cao tốc, tàu pháo và tàu tên lửa có thể khóa chết khu vực này”, Hossein Aryan, nhà phân tích từng phục vụ 18 năm trong hải quân Iran, nhận xét.
Iran còn sở hữu nhiều loại UAV hiện đại, giúp nước này trở thành cường quốc về máy bay không người lái. “Iran đang bí mật đẩy mạnh chế tạo UAV nội địa và chuyển cho các đồng minh nhằm kiểm nghiệm khả năng thực chiến với các đối thủ ở Iraq, Israel và Arab Saudi”, Seth J. Frantzman, giám đốc điều hành Trung tâm Báo cáo và Phân tích Trung Đông (MECRA) của Mỹ, nhận xét.
UAV Iran không chỉ hoạt động ở vịnh Ba Tư hay trên không phận các nước láng giềng. Chúng đang dần mở rộng địa bàn tác chiến, có khả năng đe dọa Mỹ và đồng minh ở nhiều mặt trận khác nhau. Dân quân Hezbollah đã triển khai và cải tiến UAV để tập kích lãnh thổ Israel trong nhiều năm qua. Phiến quân Houthi ở Yemen cũng thường xuyên dùng UAV tấn công cơ sở hạ tầng của Arab Saudi gần biên giới.
“Quân đội Iran có vẻ rất yếu nếu nhìn vào số lượng và chủng loại tàu chiến, xe tăng, tiêm kích. Tuy nhiên, họ là đối thủ rất đáng gờm nếu xét tới tên lửa diệt hạm, tên lửa đạn đạo và UAV”, Jeremy Binnie, biên tập viên về Trung Đông và châu Phi tại tạp chí quân sự Jane’s Defence Weekly, nêu quan điểm.
Các lực lượng dân quân ủy nhiệm tại Lebanon, Syria, Iraq, Yemen và Dải Gaza đã giúp Iran mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng trong khu vực suốt 10 năm qua. Đây là những lực lượng có thể được triển khai nếu nổ ra xung đột quân sự Mỹ – Iran, mở rộng quy mô chiến trường nhằm gây thiệt hại tối đa cho Washington.
Nòng cốt của chiến lược này là đặc nhiệm Quds của IRGC, lực lượng được mệnh danh là “cánh tay nối dài giúp Iran tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông”.
Đặc nhiệm Quds áp dụng triệt để hình thức chiến tranh phi truyền thống và bất đối xứng, do Tehran không đủ khả năng xây dựng lực lượng chính quy đối đầu trực diện với Washington. Sự hiện diện của họ giúp Iran duy trì khả năng răn đe với Israel và Mỹ, những quốc gia có quan điểm thù địch với Tehran từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Các vụ tập kích bằng rocket và đạn cối nhằm vào căn cứ Mỹ tại Iraq là minh chứng rõ ràng nhất cho hoạt động của lực lượng ủy nhiệm do Iran xây dựng. “Iran sẽ không đơn độc nếu bị Mỹ tấn công, vì số phận cả khu vực Trung Đông gắn chặt với Cộng hòa Hồi giáo”, Hassan Nasrallah, thủ lĩnh nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon, phát biểu hồi tháng 2/2019.
Vũ Anh (Theo Reuters) – Vnexpress