Ông Lê Phước Vũ: Hoa Sen giờ không phụ thuộc tôi

Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ giờ chủ yếu theo dõi công việc từ xa, mỗi tháng chỉ đến công ty một ngày.

Chia sẻ tại phiên họp thường niên sáng 13/1 sau một năm không xuất hiện, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HSG nhận định, quý IV niên độ trước và quý đầu niên độ này khó khăn tương đương như đợt khủng hoảng năm 2010, kéo cổ phiếu xuống vùng đáy 5.000 đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã cơ bản vượt qua giai đoạn khắc nghiệt nhất của thị trường. Hoa Sen làm được hai việc lớn là tái cơ cấu toàn bộ hệ thống phân phối và bộ máy nhân sự nhờ công lớn của ban điều hành hiện tại.

“Ba năm qua tôi ít xuất hiện ở công ty vì thường ở trên núi, hoặc thỉnh thoảng ra nước ngoài thăm vợ con. Những tháng thị trường nhạy cảm thì ngày nào tôi cũng gọi anh Trí, anh Chu (Tổng giám đốc và Phó Chủ tịch HĐQT thường trực – PV) để cập nhật tình hình, còn không thì 2-3 ngày một lần. Đội ngũ điều hành bây giờ thực sự trưởng thành, không còn lệ thuộc vào Lê Phước Vũ. Một công ty đại chúng hơn 20.000 cổ đông nếu cứ tiếp tục trông chờ vào tôi thì thực sự sai lầm”, người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen nói.

Ông Vũ cho rằng, Hoa Sen luôn “tấn công” từ khi thành lập nên quy mô vốn mới tăng từ 30 tỷ đồng lên hơn 4.200 tỷ đồng như hiện nay. Điều này cũng khiến công ty đối diện nhiều rủi ro trong bối cảnh thị trường chưa hết khó khăn. Trong thời gian tới, ông cho biết sẽ yêu cầu ban lãnh đạo chuyển sang chế độ “phòng thủ”, ưu tiên sự lành mạnh trên báo cáo tài chính. Các dự án đầu tư mới phải được cân nhắc thận trọng, không ồ ạt như trước để tránh lún sâu vào mất cân đối tài chính.

Ban lãnh đạo Hoa Sen tại phiên họp sáng 13/1. Ảnh: HSG.
Ban lãnh đạo Hoa Sen tại phiên họp sáng 13/1. Ảnh: HSG.

Theo báo cáo cuối niên độ 2018-2019, tổng nợ phải trả của Hoa Sen hơn 7.700 tỷ đồng và vượt vốn chủ sở hữu khoảng 1.700 tỷ đồng. Các chỉ tiêu kinh doanh như sản lượng, doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế… không hoàn thành kế hoạch vì hai yếu tố chính là thị trường bất ổn và công ty đang trong giai đoạn điều chỉnh chiến lược.

“Các cuộc xung đột thương mại leo thang kéo theo sự trỗi dậy của chính sách bảo hộ sản xuất. Điều này khiến giá nguyên liệu biến động mạnh và tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu. Mức độ cạnh tranh trong nước cũng ngày càng khốc liệt khi thép giá rẻ, kém chất lượng vẫn được nhập khẩu ồ ạt”, lãnh đạo Hoa Sen phân tích thực trạng thị trường niên độ trước.

Người đứng đầu công ty cho rằng, không có dự báo nào là chắc chắn trong bối cảnh hiện tại. Các chỉ tiêu kinh doanh năm nay vì thế được đề ra tương đối thận trọng, theo đó doanh thu đạt 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý đầu niên độ, công ty ước tính doanh thu đạt hơn 6.540 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ vì giá thép cán nóng biến động theo hướng bất lợi. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế lại tăng trưởng hơn 180% lên 170 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện nhờ công ty tăng thêm số lượng cửa hàng và chủ trương không theo đuổi cạnh tranh về giá với các nhà sản xuất khác.

“Kế hoạch 400 tỷ lợi nhuận là khiêm tốn, xem như chắc chắn đạt được. Cổ phiếu HSG cũng sẽ sớm trở lại vùng giá 20.000 đồng, thậm chí lên 30.000 đồng với điều kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump không có thêm “ý tưởng” áp thuế nào khác”, ông Vũ chia sẻ.

Phương Đông – Vnexpress