STEAM là phương pháp giáo dục cung cấp kiến thức trong năm lĩnh vực gồm: Khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering), nghệ thuật (Art) và toán học (Math). Đặc điểm của STEAM là hướng đến kết nối, liên hệ kiến thức trong sách vở và hoạt động thực tế, từ đó đảm bảo người học có thể vận dụng thành thạo kiến thức trong công việc và cuộc sống tương lai.
Mô hình giáo dục STEAM hiện nay rất phổ biến ở một số quốc gia như Mỹ, Singapore, Canada. Dưới đây là bảy phương pháp giúp trẻ tiếp cận STEAM và khơi dậy niềm hứng thú với phương pháp học này.
1. Nấu ăn tại nhà
Việc nấu ăn giúp trẻ có cơ hội tìm hiểu về khoa học thực phẩm, thực hiện thí nghiệm hóa học, thực hành kỹ năng toán học, giải phẫu. Cha mẹ có thể đưa kiến thức này vào trả lời câu hỏi bao gồm: Tại sao nước sôi, tại sao bánh mì nướng có thể bị cháy, tại sao nên làm tan chảy bơ hoặc học cách đo lường gia vị khi nêm nếm thức ăn.
Bên cạnh đó, trẻ có thể khám phá những nền văn hóa khác thông qua thực phẩm và hiểu được tác động lan tỏa văn hóa toàn cầu nhờ vào ẩm thực. Ví dụ, bánh pizza là đặc trưng của nền văn hóa Italy, rất được người dân thế giới ưa chuộng.
2. Đồ chơi và game về STEAM
Phụ huynh thường lo lắng trẻ sa đà vào trò chơi điện tử như Minecraft hoặc nghiện chơi xếp hình Lego nhưng những trò chơi này có thể giúp phát triển tư duy của kỹ sư, lập trình viên. Bên cạnh đó, trên Internet hiện nay có nhiều ứng dụng, trò chơi dạy trẻ cách lập trình, viết code từ đơn giản đến khó, có thể giúp trẻ làm quen và khơi dậy hứng thú với công nghệ.
Với những bé còn nhỏ tuổi, cha mẹ có thể cùng con thưởng thức những video thí nghiệm khoa học như hướng dẫn cách làm đèn dung nham hoặc phản ứng xảy ra khi trộn bột baking soda và dấm.
3. Xem chương trình khoa học công nghệ
Sau khi đã làm quen video thí nghiệm khoa học, các chương trình khoa học công nghệ sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa sở thích, sự tò mò và niềm đam mê của trẻ với STEAM. Một số chương trình khoa học cha mẹ và con có thể cùng thưởng thức là chương trình khoa học cho trẻ “Bill Nye, the Science Guy” (hiện có mặt trên ứng dụng xem phim trực tuyến Netflix), “Đội khám phá bí ẩn Mythbusters”.
Ngoài ra, trang web Common Sense Media cung cấp hàng loạt chương trình hoặc phim khoa học bổ ích, thú vị dành cho trẻ em mọi lứa tuổi.
4. Biến trẻ thành chuyên gia công nghệ thông tin tại nhà
Khi mua sản phẩm công nghệ, chúng thường đi kèm những tờ hướng dẫn sử dụng. Phụ huynh hãy cho trẻ đọc hướng dẫn, cùng cha mẹ tham gia vào việc lắp đặt thiết bị mới hoặc khắc phục sự cố của sản phẩm. Những hoạt động như vậy giúp trẻ nâng cao kiến thức về công nghệ, trau dồi kinh nghiệm thực tế và kỹ năng giải quyết vấn đề.
5. Quan sát khi đi dạo
Khi đi dạo trên đường phố, chúng ta rất dễ bắt gặp kiến trúc nhà ở, văn phòng ấn tượng hoặc sự thay đổi của thời tiết, cảnh vật. Tất cả điều nhỏ nhặt đang diễn ra mỗi ngày trên đường phố đều liên quan đến công nghệ, kỹ thuật hay sinh học, những môn học nằm trong STEAM. Vì vậy, phụ huynh có thể chỉ cho con thấy sự khác biệt của các mô hình kiến trúc, sự thay đổi màu sắc của lá cây hoặc động vật theo mùa hay cách con người vận dụng công nghệ trong đời sống thường ngày. Trẻ sẽ nhận ra rằng STEAM không chỉ là những môn học trong sách vở mà được áp dụng rất nhiều trong thực tế và việc học STEAM sẽ có giá trị.
6. Quan sát sở thích của trẻ
Phụ huynh hãy tìm hiểu về những điều trẻ quan tâm và tận dụng cơ hội này để giải thích về tính khoa học, công nghệ đằng sau sở thích của trẻ. Từ đó, khuyến khích trẻ duy trì đam mê và theo đuổi chúng trong thực tế. Nếu trẻ thích nghệ thuật, bạn có thể dạy con về những loại hình nghệ thuật, những tác nổi tiếng.
7. Dạy về tiền bạc
Tiền bạc là cơ hội để dạy trẻ về cách tính toán, tính nhẩm nhanh hoặc cách so sánh (giá tiền, giá trị sản phẩm). Những hoạt động này là một phần mục đích của toán học, dạy con người cách tính toán và xử lý vấn đề tiền tệ, kinh doanh. Dạy con cách sử dụng tiền bạc thông minh, khoa học có thể giúp khả năng toán học của trẻ tốt hơn, biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế và khả năng tự quản lý tài chính cá nhân trong tương lai.
Tú Anh (Theo Forbes, Lifehack) – Vnexpress