Áo vỏ cây của người Pa Kô

Người Pa Kô dùng vỏ cây a mưng dệt thành áo, giữ ấm cơ thể, đồng thời là áo giáp trong công cuộc chống lại thiên nhiên khắc nghiệt.

Hội chợ nông sản vùng cao huyện Hướng Hoá trong tuần qua đã thu hút đông đảo du khách tham quan. Trong đó nhiều người quan tâm đến chiếc áo và tấm chăn làm từ vỏ cây a mưng của người Pa Kô, được trưng bày tại gian bảo tàng dân tộc thiểu số của ông Hồ Văn Phương (46 tuổi, trú thị trấn Krông Klang, huyện Đăkrông). 

Từng công tác tại Phòng văn hoá huyện Đăkrông, nên ông Phương nhiều lần được nghe các già làng kể về chiếc áo vỏ cây người Pa Kô sử dụng khi còn sống trong rừng. Năm 2015, ông Phương quyết định bỏ tiền túi thuê người địa phương dẫn vào rừng tìm cây a mưng để phục dựng lại chiếc áo vỏ cây này.

Ông Kray Sức mang lại chiếc áo a mưng của dân tộc Pa Kô. Ảnh: Hoàng Táo
Ông Kray Sức mang lại chiếc áo a mưng của dân tộc Pa Kô. Ảnh: Hoàng Táo

Theo đúng phong tục truyền thông của người Pa Kô, trước lúc vào rừng, ông Phương làm nghi lễ Pa Rôông cầu có sức khỏe, tìm được cây tốt, chất liệu bền đẹp.

May mắn chọn được cây a mưng thân to trong rừng sâu, ông Phương cùng các nghệ nhân cẩn thận tách vỏ ra khỏi thân, cắt thành từng đoạn, phơi khô và đập dập lớp vỏ cứng bên ngoài, làm mềm lớp vỏ lụa bên trong. Sau đó họ ngâm nước nhiều ngày để tạo độ xốp của vật liệu. Vỏ a mưng tiếp tục được đem phơi sương từ một đến hai đêm, đem ra đập lại lần nữa rồi phơi khô và dùng chỉ may thành áo hoàn chỉnh.

“Vỏ cây nhẹ, chống mối mọt, giữ được nhiệt vào mùa đông, lại bền chắc để mang như áo giáp khi vào rừng săn bắn, hay lao động sản xuất”, ông Phương nói.

Sau khi phục dựng được chiếc áo, ông Phương đem về nhà, bổ sung vào bộ sưu tập những dụng cụ, nhạc cụ và đồ dùng độc đáo của đồng bào Pa Cô. Mới đây, ông Phương còn phục dựng thêm tấm chăn a mưng làm cùng chất liệu.

Tại hội chợ, nhiều người dân Pa Kô bất ngờ khi được nhìn thấy chiếc áo mà thế hệ trẻ bây giờ chỉ được nghe kể. Già làng Hồ Văn Dương (70 tuổi, trú thôn Tà Rẹc, xã Ba Nang, huyện Đakrông) nói, ông từng xem ông nội làm áo a mưng cho một dòng họ ở xã Tà Rụt để dùng vào lễ hội Ariêu Ping (lễ bốc mả) và sau hàng chục năm mới lại nhìn thấy áo vỏ cây.  

“Cây a mưng mọc giữa rừng già, thân thẳng, ít cành, vỏ láng màu xanh, ngày trước mọc rất nhiều còn bây giờ khó tìm thấy”, già làng Dương cho hay.

Anh Hồ Văn Phương bên tấm chăn làm từ vỏ cây a mưng vừa được anh này dày công thuê người vào rừng làm lại. Ảnh: Hoàng Táo
Anh Hồ Văn Phương bên tấm chăn làm từ vỏ cây a mưng. Ảnh: Hoàng Táo

Theo nghệ nhân Kray Sức (56 tuổi, cán bộ văn hoá xã Tà Rụt, huyện Đăkrông), trước đây người Pa Kô mang áo a mưng trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt là các lễ hội truyền thống như mừng lúa mới, cầu mùa hay Ariêu Ping, người Pa Kô bắt buộc phải có áo a mưng.

“Khoác lên người chiếc áo a mưng, người Pa Kô thể hiện sự ngưỡng vọng về tổ tiên, thần linh”, ông Kray Sức nói và cho biết hiện số người còn làm được áo a mưng không còn nhiều. Ông Kray Sức và anh Hồ Văn Phương đang tìm cách để bảo tồn chiếc áo này. “Chúng tôi dạy lại thế thế hệ trẻ cách làm áo và tìm giống cây a mưng để khoanh vùng bảo vệ”, ông Kray Sức cho hay.