‘Doanh nghiệp vẫn chưa cảm nhận được cải cách ở các bộ, ngành’

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch VBF 2019. Ảnh: HT

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng có khoảng cách giữa các báo cáo “nhiều số liệu đẹp” của các bộ và cảm nhận thực tế của doanh nghiệp.

Chia sẻ tại cuộc họp báo trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2018) chiều 3/12, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & doanh nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF cho rằng, giấy phép con và những điều kiện kinh doanh… vẫn là lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp.

So với chia sẻ cách đây 6 tháng, ông Lộc nói “những nỗi lo vẫn còn đó”. Thậm chí, theo ông, giữa những con số đẹp nêu trong báo cáo của các Bộ, ngành về tiến trình cải cách với thực tế cảm nhận của doanh nghiệp có nhiều khoảng cách.

Là thành viên Tổ công tác cải cách hành chính của Chính phủ, Chủ tịch VCCI có dịp làm việc trực tiếp với một số Bộ, ngành. Một câu hỏi được ông nêu ra với hầu hết cơ quan là họ đã cải cách hành chính, điều kiện kinh doanh tới đâu. Điều đáng ngạc nhiên, theo ông, gần như có một mẫu số chung cho câu trả lời, rằng “chúng tôi đã cố gắng hết sức”.

Thế nhưng, cộng đồng doanh nghiệp, những đối tượng chịu tác động của cải cách này lại khẳng định, “không cảm nhận được sự chuyển động ấy, hoặc nếu có thì rất ít”.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch VBF 2019. Ảnh: HT
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch VBF 2019. Ảnh: HT

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sắp có hiệu lực với Việt Nam từ giữa tháng 1 năm sau. Theo ông Lộc, nếu không cởi trói, không xóa bỏ giấy phép con thì các hiệp định không phải là cơ hội mà còn là thách thức. “Tưởng nói hội nhập là vấn đề bên ngoài biên giới nhưng lại là nội tại bên trong”, ông khẳng định.

Quan trọng hơn, Việt Nam đang cố gắng thoát bẫy thu nhập trung bình, nhưng nếu chất lượng thể chế vẫn ở mức trung bình thì những cải cách đạt được vừa qua chỉ có giá trị khi “ta so với ta, nhưng là tụt hậu so với thế giới”.

Vì thế, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, chìa khoá để tận dụng xu thế dịch chuyển vốn, đầu tư trong thương mại toàn cầu vẫn phụ thuộc vào nỗ lực cải cách thể chế trong nước.

Trong khi đó, ông Tomaso Andreatta – Phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu, đồng Chủ tịch VBF nhận xét, Việt Nam đang trong quá trình làm thế nào để thích nghi với những thay đổi thương mại đang diễn ra trên thế giới. Ông nhắc tới một số những nội dung đáng lưu ý đối với Việt Nam, gồm nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, logistic, vấn đề môi trường, đào tạo nhân lực, chính sách và môi trường kinh doanh trong thời đại công nghiệp số…

Theo ông Tomaso, Việt Nam đang có những điểm sáng trong giải quyết vấn đề tham nhũng. “Chúng phủ đang làm rất tốt với nhiều chế tài, biện pháp để xử lý”, ông nói.

Sáng 4/12 Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 được tổ chức tại Hà Nội. Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu là chủ đề của VBF lần này. Theo chương trình nghị sự dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu tại diễn đàn.

Như thường lệ, VBF là kênh đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước, quốc tế nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh cần thiết, thúc đẩy sự phát triển khối doanh nghiệp tư nhân…

Anh Minh Vietnamnet

Để lại một bình luận