Cầm bức tranh tự vẽ là hình ảnh một bé ngồi khóc một mình trên lớp, Hoài Phương – cô bé lớp 5 được biết đến qua chương trình Tiếu Lâm Tứ Trụ muốn thổ lộ điều bí mật của mình, rằng em đã âm thầm chịu đựng sự cô lập của bạn bè suốt 3 năm. Hoài Phương kể rằng các bạn trong lớp chơi với nhau rất vui vẻ nhưng không cho em chơi cùng. Những lúc ấy, em thường mang theo sách để đọc dù em rất muốn chơi cùng các bạn. Tuy nhiên, sự việc không dừng ở đó, một số bạn còn cô lập, lôi kéo những người muốn chơi cùng Hoài Phương về “phe” của mình.
Lý giải cho việc này, cô bé lớp 5 giải thích rằng các bạn tỏ thái độ vì em “nổi tiếng hơn, đi diễn kịch, thi gameshow trên truyền hình”. Em thường phải nhận những lời khó nghe từ bạn bè như: “Cậu đừng tưởng tham gia những trò chơi như vậy là hay. Cậu hãy nhìn lại bản thân, tụi tớ có bạn chơi, còn cậu thì không có”.
Thậm chí, bạn bè mang việc Hoài Phương “không có ba” ra trêu chọc. Rồi những người bạn này còn xem em như một người sai vặt, em từ chối thì các bạn bắt đầu la mắng, bắt nạt.
“Từ nhỏ con không có ba, con nghĩ một mình mẹ sinh ra con. Một lần về quê, ngoại mới nói cho con biết rằng con cũng có ba. Hồi nhỏ, ba có lần tìm và đưa con đi chơi, 3-4 năm rồi con không gặp ba nhưng con vẫn cảm thấy bản thân vui vì có mẹ ở bên cạnh như một người bạn thân thiết”, Hoài Phương chia sẻ.
Trong suốt buổi nói chuyện, Hoài Phương vẫn nở nụ cười, cùng thái độ mạnh mẽ, điềm tĩnh trên gương mặt buồn bã. Câu chuyện em kể, xuyên suốt không có dáng dấp, sự can thiệp của mẹ bởi em sợ nếu biết chuyện mẹ sẽ “buồn lây”.
Ngồi một góc lắng nghe tâm sự của con gái, chị Liên Hoan nghẹn ngào và hứa sẽ quan tâm, chia sẻ cùng con gái nhiều hơn về tinh thần. Chị sẽ không so sánh con với các bé khác về việc học, mà để con tự phấn đấu. Và chính chủ nhân câu chuyện, cô bé Hoài Phương cũng đã thoải mái để đối diện với những khó khăn, mở lòng chia sẻ cùng mẹ và mọi người.
Câu chuyện của Hoài Phương cũng chính câu chuyện đau lòng về mức độ ngày càng biến tướng của nạn bạo lực học đường. Không chỉ đơn giản là đánh đập về mặt thể xác, bạo lực học đường giờ đây còn về mặt tinh thần như cô lập, chỉ trích, body shaming (miệt thị ngoại hình), bị ép buộc theo những gì các bé không muốn làm. Biểu hiện chung của nạn nhân là sẽ dần trở nên chai lỳ, ít nói, kết quả học tập giảm sút, và cũng không muốn chia sẻ với gia đình. Sau một thời gian dài không có sự phát hiện, chữa trị kịp thời, trẻ sẽ rất dễ rơi vào tự kỷ. Khi đó, việc chữa trị càng trở nên khó khăn. Vì thế, bố mẹ (gia đình) hãy luôn quan tâm, sẻ chia với con cái nhiều hơn để lắng nghe và trang bị cho con những kỹ năng cơ bản, cũng như có hành động kịp thời, kết hợp với nhà trường giúp trẻ thoát khỏi bạo lực học đường.
Hà Nhi – Ngoisao.net