Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2019 ngày 10/1, nhóm công tác Điện và năng lượng kiến nghị, Chính phủ cần đưa ra biểu giá FIT rõ ràng hơn cho năng lượng tái tạo.
Nhóm Điện và năng lượng cho rằng, cơ chế giá FIT cho điện mặt trời sau ngày 30/6/2019 (thời điểm Quyết định 11/2017 hết hiệu lực), vẫn chưa được nhà chức trách quyết định. Điều này khiến các nhà đầu tư điện mặt trời, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài “chưa cảm thấy yên tâm đầu tư”.
Theo tính toán, Việt Nam sẽ cần khoảng 130 tỷ USD đầu tư năng lượng mới cho đến năm 2030, trung bình khoảng 12 tỷ USD mỗi năm, trong đó khoảng 9 tỷ USD cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ USD đầu tư cho lưới điện. Con số dự báo có phần cao hơn thực tế, nhưng nhu cầu về điện là cấp thiết.
“Chính phủ cần ưu tiên năng lượng tái tạo trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, tăng sử dụng khí ga tự nhiên như “phụ tải nền phù hợp nhất” cho năng lượng tái tạo”, đại diện Nhóm công tác Điện và năng lượng kiến nghị.
Cụ thể hơn, nhóm này đề xuất, Chính phủ cần minh bạch hoá các thay đổi về biểu giá FIT và tháo gỡ các quy định chưa hợp lý trong quy hoạch tổng thể điện lực.
Theo nhóm này, minh bạch hoá giá mua điện mặt trời sẽ giúp giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư và giảm giá FIT khi các dự án phát điện năng lượng tái tạo trở nên đơn giản, mang lại nhiều lợi nhuận hơn, trong lúc chờ cơ chế đấu thầu giá được nhà chức trách hoàn thiện.
Tại bản dự thảo mới nhất về cơ chế giá khuyến khích cho điện mặt trời đang được Bộ Công Thương trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt, giá FIT sẽ chỉ còn một vùng và mức giá cũng giảm so với trước.
Theo đó, các dự án điện mặt trời nối lưới đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) đã và đang triển khai thi công xây dựng trước ngày 23/11/2019 và vận hành thương mại giai đoạn 1/7/2019 đến hết năm 2020, sẽ được áp dụng giá điện cố định 7,09 cent một kWh, tương đương 1.620 đồng một kWh. Các dự án khác có thời gian thi công, vận hành thương mại ngoài mốc thời gian trên sẽ áp dụng theo cơ chế giá đấu thầu.
Điện mặt trời áp mái sẽ có giá FIT là 8,38 cent một kWh (khoảng 1.916 đồng). Còn điện mặt trời nổi là 7,69 cent một kWh (1.758 đồng). Các mức giá này sẽ được áp dụng trong 20 năm, chưa gồm thuế VAT, chênh lệch tỷ giá…
Cũng tại diễn đàn, nhóm công tác Điện và năng lượng cũng kiến nghị, Bộ Công Thương cần công bố lộ trình áp dụng biểu giá bán lẻ điện ở Việt Nam đến năm 2025, tập trung vào các đối tượng thương mại và công nghiệp.
Mức sử dụng năng lượng bình quân đầu người của Việt Nam thuộc hàng cao nhất trong khu vực – trong giai đoạn 2009 – 2013, cao hơn mọi quốc gia trong khu vực, đặc biệt cao hơn các quốc gia có mức GDP bình quân đầu người tương đương.
Vì thế, Việt Nam cũng cần tiến hành một chiến dịch tuyên truyền nhằm giáo dục cho các bên có liên quan về nhu cầu và lợi ích của việc sử dụng năng lượng hiệu quả. “Nâng cao ý thức cộng đồng, hiện đại hóa quy định về sử dụng năng lượng hiệu quả và tăng cường thực thi là những việc cần thực hiện trong thời gian tới”, nhóm công tác Điện và năng lượng nhấn mạnh.
Anh Minh – Vnexpress