Tái bản tiểu thuyết ‘Áo trắng’

“Áo trắng” – tiểu thuyết về kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, từng được tái bản 35 lần ở Hàn – lần đầu ra mắt sau hơn 40 năm.

Nhà xuất bản Trẻ ra mắt tiểu thuyết Áo trắng của nhà văn Nguyễn Văn Bổng nhân 70 năm ngày truyền thống sinh viên – học sinh (9/1/1950 – 9/1/2020). Tác phẩm lấy bối cảnh đô thị miền Nam giai đoạn đầu kháng chiến chống Mỹ – Diệm. Những nhân vật, câu chuyện trong tác phẩm đều được lấy từ nguyên mẫu đời thực: nữ sinh Nguyễn Thị Châu Biên Hòa và anh Lê Hồng Tư. Họ từ Biên Hòa, Tiền Giang lên Sài Gòn học, cùng bạn bè tham gia phong trào đấu tranh.

Ông
Ông Lê Hồng Tư – nguyên mẫu của nhân vật chính trong tiểu thuyết “Áo trắng” – tại buổi giao lưu hôm 9/1 ở đường sách TP HCM. Ảnh: M.N.

Nguyễn Thị Châu và Lê Hồng Tư đều bị địch bắt, chịu cảnh tù đày. Anh bị giam Côn Đảo, chị tù ở trại Lê Văn Duyệt, Thủ Đức, Phú Lợi… Chị Châu còn là tác giả bài thơ Áo trắng nổi tiếng khắc trên vách trại giam: “Áo trắng em chưa vướng bụi đời/ Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi/ Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót/ Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi…”.

Lấy nguyên mẫu hai nhân vật Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã viết Áo trắng với đôi bạn nhân vật chính tiêu biểu cho lớp học sinh trung học phổ thông thời bấy giờ: Hoàng và Phượng. Hoàng ước được tự do làm khoa học, Phượng mơ trở thành cô giáo, y tá. Sau khi được giác ngộ cách mạng, bên cạnh việc học, họ còn ra sức hoạt động đấu tranh vì đất nước, dân tộc. Phượng trở thành một cán bộ hoạt động nội thành gan dạ, lập nhiều chiến công, Hoàng là người phụ trách của cô.

Ông Lê Hồng Tư kể kỷ niệm về chuyện tình với bà Châu
Ông Lê Hồng Tư kể kỷ niệm về chuyện tình với bà Châu tại buổi giao lưu. Video: M.N.

Sách còn vẽ nên cuộc sống muôn màu của lớp thanh niên đô thị miền Nam thập niên 1960 – 1970, từ tiểu thư, cậu trai nghèo đến bất kỳ ai thuộc giới trẻ tiểu tư sản lúc đó. Điểm chung của họ là những con người can trường, hết lòng vì đất nước. Khi bị bắt giam, trải qua bao cuộc tra tấn, cực hình chốn lao tù, Phượng, Hoàng, Thanh… vẫn giữ được niềm tin.

Trước năm 1975, tác phẩm do NXB Văn Nghệ Giải phóng in. Tiểu thuyết từng được dịch sang tiếng Hàn Quốc từ năm 1987, là sách gối đầu giường của sinh viên Hàn Quốc trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài Jeon Du Hwan. Trong 20 năm (1987 – 2007), tác phẩm được tái bản 35 lần tại Hàn Quốc. Các bản dịch trước đó đều được dịch từ tiếng Anh và tiếng Nga.

Tháng 7/2006, tiểu thuyết này mới được dịch giả Bae Yang Soo dịch từ nguyên bản tiếng Việt. Tác phẩm lôi cuốn độc giả Hàn Quốc nhờ sự tái hiện sinh động của tác giả về phong trào yêu nước, phản kháng chính quyền Ngô Đình Diệm của giới tri thức đô thị miền Nam Việt Nam trong những năm 1959 – 1961. Bối cảnh này có nét tương đồng với phong trào đấu tranh dân chủ ở Hàn Quốc những năm 1980.

Tiểu thuyết Áo trắng. Ảnh: NXB Trẻ.
Tiểu thuyết “Áo trắng”. Ảnh: NXB Trẻ.

Nguyễn Văn Bổng (1921 – 2001) là một trong những nhà văn hàng đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm nổi tiếng của ông là Cửu Long cuộn sóng, Con Trâu, Rừng U Minh, Tiểu thuyết Cuộc Đời, Sài Gòn ta đó

Tam Kỳ – Vnexpress