Sau khi Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tập kích tên lửa vào căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq rạng sáng 8/1, nhiều người lo ngại về nguy cơ chiến tranh quy mô lớn nổ ra ở Trung Đông. Nhưng Tehran thể hiện rằng động thái này là phản ứng có tính toán, thỏa mãn được dư luận trong nước sôi sục đòi trả thù cho tướng Qassem Soleimani, nhưng không gây ra chiến tranh toàn diện với Washington.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết trên Twitter sau đòn tập kích rằng Tehran đã “hoàn thành cuộc trả đũa” nhằm mục đích tự vệ theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và “không tìm kiếm sự leo thang hay chiến tranh, nhưng sẽ tự bảo vệ mình trước mọi cuộc xâm lược”.
Phát biểu trước những người ủng hộ, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei mô tả cuộc tập kích là “cú tát vào mặt” chính quyền Trump, đồng thời yêu cầu lực lượng Mỹ rời khỏi Trung Đông. Nhưng ông không đưa ra thêm đe dọa hành động quân sự.
Thay vào đó, Khamenei ca ngợi Soleimani là người “dũng cảm, suy nghĩ thấu đáo, thận trọng” trong cả chính trị và quân sự. Giới phân tích cho rằng Khamenei nhắc đến những điều này để “hợp lý hóa” việc Iran không tung thêm các đòn trả đũa nhằm vào Mỹ.
Iran còn liên lạc với Mỹ thông qua ít nhất ba kênh, bao gồm Thụy Sĩ và các quốc gia khác, để truyền đạt họ đã “trả đũa xong” và chờ xem Mỹ sẽ phản ứng thế nào.
Yếu tố được Mỹ chú ý nhiều nhất là không có thương vong trong cuộc tập kích. Điều này, cùng với thông điệp “đã xong việc” của Tehran khiến Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 8/1 rằng Iran đã “xuống nước”. Thay vì tuyên bố tung ra bất kỳ hành động quân sự nào, Trump thông báo ông sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran.
Phát biểu của Trump được coi là động thái xuống thang căng thẳng và tháo ngòi nổ xung đột. “Trump không muốn một cuộc chiến không hồi kết”, thượng nghị sĩ Rand Paul viết trên Twitter. “Tôi hy vọng tình hình sẽ tiếp tục xuống thang và có thêm các nỗ lực ngoại giao”.
Cả Mỹ và Iran đều không muốn chiến tranh xảy ra. Các chuyên gia quân sự và an ninh nói rằng một cuộc chiến với Iran sẽ đe dọa những tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz, các trạm xăng ở Kansas, các khách sạn và trung tâm thương mại ở Paris cho đến những nhà thờ Hồi giáo ở UAE.
Mặc dù Mỹ có sức mạnh quân sự chính quy vượt trội so với Iran, Tehran có nhiều phương án đáp trả trong trường hợp xung đột nổ ra. Họ có thể tấn công các nhà máy dầu của Arab Saudi hoặc đóng cửa eo biển Hormuz, đánh chìm một hoặc hai tàu chở dầu. Kịch bản đó sẽ khiến giá dầu và khí đốt thế giới tăng vọt, làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu.
“Chúng tôi có nhiều phương án giáng đòn”, Derek Chollet, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời Obama nói. “Tuy nhiên, họ cũng vậy, đặc biệt bằng cách nhắm mục tiêu vào các cơ sở của chúng tôi ở Vùng Vịnh hoặc Iraq”.
Emile Hokayem, chuyên gia an ninh Trung Đông thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cảnh báo rằng việc cả Tehran và Washington đều quyết định xuống thang căng thẳng không có nghĩa là thế đối đầu giữa hai bên sẽ chấm dứt.
Theo ông, Iran chỉ thể hiện họ đã hoàn thành đòn trả đũa trực tiếp từ lực lượng vũ trang của mình. Iran hậu thuẫn cho mạng lưới dân quân rộng lớn ở khắp Iraq, Syria, Lebanon, Yemen và những lực lượng ủy nhiệm này có thể trả đũa thêm Mỹ trong tương lai. Iran cũng có thể ra các đòn tấn công bất đối xứng, đặc biệt là tấn công mạng, chống lại lợi ích của phương Tây.
“Đây có thể mới chỉ là màn mở đầu. Phản ứng thực sự của Iran có thể sẽ đến trong thời gian tới và dựa nhiều hơn vào lực lượng ủy nhiệm”, Hokayem nói.
Phương Vũ (Theo FT/CNN) – Vnexpress