Bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump ngày 8/1 nhằm phản ứng trước cuộc tập kích tên lửa từ Iran nhằm vào hai căn cứ ở Iraq có quân đội Mỹ đồn trú cho thấy ông muốn tránh kịch bản chiến tranh toàn diện với Tehran. Tuy nhiên, chiến lược tương lai mà ông chủ Nhà Trắng muốn theo đuổi để đối phó với Iran vẫn chưa được thể hiện rõ ràng, theo giới chuyên gia.
Trong bài phát biểu, Trump xác nhận không có binh sĩ Mỹ nào thương vong trong cuộc tấn công, vốn được Iran thực hiện để báo thù vụ Mỹ không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani tại Baghdad, Iraq hôm 3/1. Lời xác nhận của Trump giúp nhiều người thở phào, khi nó dường như là dấu hiệu Mỹ sẽ không đáp trả quân sự với Iran và làm bùng lên ngọn lửa xung đột ở Trung Đông.
Ông cho biết Mỹ sẽ “áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung với Iran và chúng sẽ được duy trì cho tới bao giờ Iran thay đổi hành vi”. Trump đồng thời khẳng định việc Iran theo đuổi mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân “đe dọa nền văn minh thế giới” và Mỹ “không bao giờ để điều đó xảy ra”.
Theo Andrew J. Bacevich, giáo sư về quan hệ quốc tế và lịch sử tại Đại học Boston, Mỹ, bài phát biểu của Trump không cho thấy bất cứ sự cam đoan nào về việc Iran sẽ không tiếp tục tiến hành các đòn tập kích tương tự trong tương lai.
“Chúng ta không thể chắc chắn”, Bacevich cho hay. “Cả hai bên đều coi cuộc tập kích tên lửa ở Iraq là thắng lợi lớn. Truyền thông nhà nước Iran tuyên bố đòn tấn công đã giết 80 lính Mỹ, trong khi Trump lại khẳng định không người Mỹ nào thiệt mạng. Nếu cả đôi bên đều vui vì ‘chiến thắng’, có khả năng họ sẽ kiềm chế leo thang căng thẳng”.
Tuy nhiên, lời lẽ của Trump về chương trình hạt nhân Iran lại gây lo ngại. Deina Abdelkader, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Massachusetts Lowell, cho rằng việc Trump liên tục nhắc đến “thế giới văn minh” đối nghịch với tham vọng hạt nhân của Tehran có thể khiến người dân Iran giận dữ.
“Chúng ta đã rất lâu rồi chưa nghe cách sử dụng ngôn ngữ như vậy”, Abdelkader nói. “Nó gây liên tưởng tới một cách nhận thức thiên vị về các nước đang phát triển, trong đó có Iran. Vậy nên, tôi không nghĩ bài diễn văn sẽ được đón nhận”.
Theo Abdelkader, ý tưởng Trump nêu ra trong bài phát biểu rằng “chỉ những quốc gia văn minh mới đủ khả năng phát triển năng lực hạt nhân” sẽ gây khó chịu cho nhiều người.
“Phản ứng được điều chỉnh cẩn thận từ phía Iran cho thấy họ đang cố gắng thoát khỏi tình huống này”, Gil Barndollar, chuyên gia cấp cao tại viện chính sách Defense Priorities, nhận xét, song lưu ý chính sách “gây áp lực tối đa” của Trump đối với Iran có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm.
“Tổng thống Trump thể hiện ông cũng muốn tránh một cuộc chiến tranh toàn diện nhưng ‘gây áp lực tối đa’ là một chiến lược leo thang hoàn toàn có thể dẫn tới chiến tranh. Vẫn tiếp tục gây áp lực tối đa trong khi nói bạn không muốn chiến tranh với Iran giống như chơi trò mạo hiểm tính mạng nhưng tuyên bố bạn không muốn tự sát”, Barndollar bình luận.
Ông nhấn mạnh một cuộc chiến tranh với Iran sẽ là thảm họa. “Chiến tranh ở Vịnh Ba Tư sẽ mang đến những hậu quả tàn khốc đối với tất cả các nước liên quan, hầu hết là những đối tác của Mỹ, đồng thời làm suy yếu Mỹ”, Barndollar nói. “Cách giải quyết đã rõ. Mỹ nên xuống thang căng thẳng bằng cách từ bỏ chiến lược gây sức ép tối đa và đối thoại với Iran. Bóng đang trong chân chúng ta”.
Juliette Kayyem, cựu quan chức hàng đầu thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ dưới thời chính quyền Barack Obama, hiện giảng dạy tại Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard, đưa ra một đánh giá thẳng thắn hơn về bài phát biểu của Trump trên mạng xã hội Twitter.
Theo bà, phần đầu, bài phát biểu của Trump khá “tiết chế” nhưng đến phần cuối, ông lại trình bày một “kế hoạch hành động” gây bối rối. Kết quả là “không có chiến tranh, không có kế hoạch mới nào, Soleimani đã chết và được thay thế, đồng minh hoang mang, chiến lược IS đổ vỡ, Iraq thành con tốt và JCPOA (thỏa thuận hạt nhân Iran) suy yếu”, Kayyem viết.
Theo Lawrence Ward, đối tác tại công ty luật Dorsey & Whitney chuyên phụ trách các vụ án thương mại quốc tế, những biện pháp trừng phạt mà Trump tuyên bố sẽ áp đặt thêm với Iran cũng đặt ra nhiều câu hỏi vì nó thiếu rõ ràng.
Nicholas Burns, cựu đại sứ Mỹ, giảng viên Trường Kennedy, nhận định bài phát biểu của Trump đã gửi đi những tín hiệu nhiễu loạn.
“Kế hoạch của ông ấy là gì?”, Burns đặt câu hỏi. “Bài phát biểu của ông gây khó hiểu về việc liệu Mỹ nên kiềm chế hay tìm kiếm một chiến dịch thay đổi chế độ ở Iran. Nếu chúng ta hoang mang thì Iran cũng vậy. Ở vào thời điểm khủng hoảng, điều tốt nhất nên làm là khiến đối thủ hiểu rõ ý định và lằn ranh đỏ của ta”, ông cho hay.
Burns còn hoài nghi về thông điệp của Trump kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) “tham gia nhiều hơn” vào tiến trình hòa bình ở Trung Đông.
“NATO hoạt động tốt nhất khi Mỹ tham vấn đồng minh trước một quyết định quan trọng và khi chúng ta có một kế hoạch rõ ràng, thuyết phục dẫn tới thành công”, Burns viết. “Mức độ khó khăn được phóng đại khi Tổng thống Mỹ không có cả hai điều trên và là Tổng thống phản đối NATO nhất trong lịch sử”.
Vũ Hoàng (Theo Boston Globe)