Nhật Bản là nước châu Á quy định nghiêm ngặt về lái xe say xỉn với nồng độ cồn giới hạn là 30 mg cồn trên 100 ml máu. Điều 117-2-2 Luật Giao thông đường bộ nước này quy định, người nào khi điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn từ 30 mg tới dưới 50 mg trên 100 ml máu sẽ bị phạt tối đa ba năm tù hoặc 500.000 yên, tạm giữ bằng lái trong 90 ngày. Theo Japan Times, thu nhập trung bình hàng tháng của người Nhật Bản là hơn 350.000 yên.
Nếu nồng độ cồn vượt mức 50 mg trên 100 ml máu, người vi phạm đối diện với mức phạt tối đa 5 năm tù hoặc một triệu yên, tước bằng lái ít nhất hai năm.
Đặc biệt, không chỉ trừng phạt người trực tiếp cầm lái, pháp luật Nhật Bản còn xử phạt người giao phương tiện cho tài xế với mức phạt tương tự. Hơn nữa, người biết rõ tài xế có nồng độ cồn nhưng vẫn yêu cầu hoặc để người đó chở đi cũng có thể bị phạt vì cho phép hành vi vô trách nhiệm diễn ra.
Trung Quốc là nước có pháp luật nghiêm khắc với hành vi điều khiển xe có động cơ (ôtô, xe máy…) khi trong máu có nồng độ cồn. Điều 91 Luật An toàn giao thông đường bộ quy định nếu nồng độ cồn từ 20 mg tới 80mg trên 100 ml máu, người vi phạm bị coi là lái xe khi đã uống rượu.
Mức phạt trong trường hợp này là tạm giữ bằng lái trong 6 tháng, phạt tiền 1.000-2.000 nhân dân tệ. Nếu tái phạm, người vi phạm sẽ bị tạm giữ hành chính tối đa 10 ngày, tước bằng lái xe, phạt tiền 1.000-2.000 nhân dân tệ. Mức phạt “đánh nặng vào túi tiền” bởi thu nhập bình quân tháng của người Trung Quốc vào năm 2018 là 2.352 nhân dân tệ.
Cũng theo điều 91, nếu nồng độ cồn trong máu bằng 80 mg trên 100 ml máu hoặc lớn hơn, hành vi này sẽ bị coi là lái xe khi say rượu. Ngoài phạt tiền, người vi phạm sẽ bị công an giao thông tạm giữ cho tới khi tỉnh rượu, bị tước bằng lái xe và không được cấp bằng lái mới trong vòng 5 năm.
Nếu lái xe sau khi uống rượu và gây ra tai nạn nghiêm trọng, người vi phạm còn bị tước bằng lái suốt đời.
Đặc biệt từ năm 2011, Luật hình sự Trung Quốc được bổ sung điều 133 (I), theo đó quy định hành vi lái xe khi có nồng độ cồn từ 80 mg trở lên trên 100 ml máu, dù chưa gây tai nạn, vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lái xe nguy hiểm, đối diện với phạt tù và phạt tiền.
Theo Xinhua, việc hình sự hóa hành vi lái xe khi say rượu đã có tác dụng tích cực. Khoảng 5 năm trước khi bổ sung điều 133 (I), mỗi năm Trung Quốc xảy ra hơn 6.500 vụ tai nạn giao thông do bia rượu gây ra. Sau 7 năm thực hiện, số vụ tai nạn giao thông do bia rượu mỗi năm đã giảm 8,9%, xuống còn hơn 5.900 vụ.
Giới hạn nồng độ cồn của Singapore là 80 mg cồn trên 100 ml máu, thấp hơn Trung Quốc, nhưng nơi đây vẫn nổi tiếng vì có quy định nghiêm ngặt về hành vi lái xe có động cơ khi có nồng độ cồn.
Cụ thể, nếu bị kết tội Lái xe say xỉn, người vi phạm lần đầu sẽ bị phạt tiền 2.000-10.000 SGD, tối đa một năm tù, và bị tước bằng lái ít nhất hai năm. Trong khi đó, tổng thu nhập bình quân hàng tháng của người dân Singapore vào năm 2019 là hơn 4.500 SGD.
Người tái phạm đối diện mức phạt 5.000-20.000 SGD, tối đa hai năm tù, bị tước bằng trong ít nhất 5 năm. Đặc biệt, những người tái phạm nhiều lần về tội Lái xe say xỉn, tòa án được phép tuyên án gấp 3 lần mức phạt tương ứng quy định trong luật, tối đa là 10 năm.
Ngoài ra, hành vi ngoan cố không thổi vào máy đo khi được cảnh sát yêu cầu cũng sẽ bị phạt 1.000-5.000 SGD và phạt tù tối đa 6 tháng. Mức phạt này được gấp đôi nếu tái phạm.
Những quy định trên, cùng với chi phí đắt đỏ đi kèm việc sở hữu ôtô tại Singapore, sẽ khiến tài xế uống rượu phải nghĩ kỹ trước khi lái xe.
Quốc Đạt (Theo Xinhua, Singapore Legal Advice, Japan Times) – Vnexpress