Phe Dân chủ nỗ lực trói ‘quyền chiến tranh’ của Trump

Hạ viện Mỹ đang chuẩn bị bỏ phiếu về Nghị quyết Quyền lực Chiến tranh nhằm giới hạn khả năng hành động quân sự của Trump đối với Iran.

Căng thẳng Mỹ và Iran leo thang nhanh chóng từ tuần trước sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh không kích hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani ở Baghdad, Iraq, ngày 3/1. Iran thề báo thù và đã tập kích tên lửa nhằm vào hai căn cứ đồn trú Mỹ tại Iraq rạng sáng 8/1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 10/2018. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 10/2018. Ảnh: Reuters.

Trump trước đó đe dọa “đáp trả đầy đủ” nếu Iran tấn công bất kỳ công dân Mỹ hay các vị trí nào thuộc về nước Mỹ. Ông chưa đưa ra biện pháp đáp trả vụ tập kích của Iran sau cuộc họp với các quan chức hàng đầu tại Nhà Trắng.

Tức giận vì không được tham vấn trước cuộc không kích nhắm vào Soleimani, các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã lên kế hoạch bỏ phiếu về Nghị quyết Quyền Chiến tranh nhằm “giới hạn những hành động quân sự của Tổng thống liên quan tới Iran” vào cuối tuần này.

Theo hiến pháp Mỹ, thẩm quyền chỉ đạo hành động quân sự được phân chia giữa quốc hội và tổng thống. Quốc hội có quyền tuyên chiến, trong khi tổng thống, với tư cách tổng tư lệnh, có quyền sử dụng quân đội để bảo vệ nước Mỹ.

Ngay từ những ngày đầu, các tổng thống Mỹ và quốc hội đã tranh cãi về việc liệu người đứng đầu Nhà Trắng có thẩm quyền lập pháp đưa quân ra nước ngoài mà không cần sự ủy quyền của quốc hội hay không.

Những tranh cãi như vậy mở đường cho sự ra đời của Nghị quyết Quyền lực Chiến tranh, hay còn được biết với tên gọi Đạo luật Quyền lực Chiến tranh, vào năm 1973.

Đạo luật đặt ra các quy chuẩn để quốc hội và tổng thống Mỹ tuân theo khi điều quân đội tham chiến. Luật yêu cầu tổng thống phải tham vấn “trong mọi trường hợp có thể” với quốc hội trước khi điều quân rồi nộp báo cáo cho quốc hội bất cứ khi nào quân đội Mỹ được triển khai tới vùng đang hoặc sắp xảy ra xung đột. Tổng thống cũng phải báo cáo cho quốc hội trong vòng 48 giờ kể từ thời điểm các lực lượng Mỹ được điều tham gia chiến sự.

Khi lực lượng đã được triển khai, đạo luật yêu cầu Lầu Năm Góc rút quân trong vòng 60 ngày (90 ngày ở một số trường hợp) nếu quốc hội không phê chuẩn sử dụng vũ lực hoặc gia hạn thời gian.

Vấn đề quyền lực chiến tranh của tổng thống Mỹ nóng trở lại sau khi Trump ra lệnh không kích tướng Iran mà không tham vấn hay thông báo trước cho Quốc hội. Nó đẩy lực lượng Mỹ ở Trung Đông vào một cuộc xung đột tiềm tàng, thậm chí là một cuộc chiến tranh với Iran mà quốc hội chưa cho phép, phe Dân chủ lập luận.

Mỹ liên tục đẩy căng thẳng với Iran dâng cao kể từ khi Trump lên nắm quyền hồi năm 2017. Một trong những quyết định gây tranh cãi nhất là đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Tehran.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ngày 5/1 thông báo Hạ viện dự kiến bỏ phiếu về việc kích hoạt Nghị quyết Quyền lực Chiến tranh nhằm giới hạn khả năng Trump hành động chống lại Iran.

“Tuần trước, chính quyền Trump đã tiến hành một cuộc không kích khiêu khích và không tương xứng nhằm vào quan chức quân sự cấp cao Iran”, bà Pelosi tuyên bố. “Hành động này gây nguy hiểm cho các quân nhân, nhà ngoại giao của chúng ta cùng những người khác bằng cách mạo hiểm leo thang căng thẳng với Iran”.

Tại Thượng viện Mỹ, nghị quyết được dự đoán sẽ đối mặt một cuộc chiến khó khăn, nhưng thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine cho hay ông sẽ yêu cầu phe Cộng hòa bỏ phiếu.

“Chúng ta không nên để xảy ra chiến tranh với Iran dựa trên một quyết định của Tổng thống mà không thông qua tham vấn quốc hội”, Kaine nói. “Chúng ta không thể để Tổng thống tự đưa ra quyết định”.

Ngay cả nếu nghị quyết được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện, nó vẫn có khả năng bị Trump phủ quyết.

Sau vụ khủng bố 11/9/2001, quốc hội Mỹ đã cho phép sử dụng lực lượng quân sự ở Afghanistan và trên toàn cầu nhằm chống lại al-Qaeda.

Năm 2002, quốc hội phê chuẩn để tổng thống George W Bush phát động chiến dịch quân sự ở Iraq với lý do tổng thống Iraq lúc bấy  giờ Saddam Hussein đang chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Lý do trên về sau được chứng minh là sai.

Bắt đầu từ tháng 6/2014, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đã liên tục thông báo cho quốc hội về các cuộc tấn công và triển khai quân chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.

Obama và Trump đều viện dẫn ủy quyền từ quốc hội năm 2001 và 2002 để tiến hành các chiến dịch quân sự chống IS. Những năm gần đây, quốc hội Mỹ không ít lần tranh cãi về việc liệu chúng có nên được thay thế bởi những lệnh ủy quyền mới với phạm vi hẹp hơn hay không.

Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera) – Vnexpress