Đạo diễn Thanh Hiệp – người thân thiết với ông – cho biết họa sĩ mất vì tuổi cao sức yếu. “Ông luôn trăn trở về sàn diễn nói chung và cảnh trí sân khấu nói riêng. Ông từng nói nhiều vở diễn hiện nay chạy theo công nghệ, chuộng màn ảnh LED, khiến sân khấu bị phá nát, trong khi thiết kế mỹ thuật là một ngôn ngữ độc đáo của sàn diễn. Ông dành cả đời cho công trình nghiên cứu ngôn ngữ Hán – Việt – Nôm”, đạo diễn cho biết.
Nghệ sĩ cải lương Bình Tinh cho biết cô ngưỡng mộ họa sĩ Hoài Nam vì ông là tấm gương sáng tạo không ngừng. Ông là một trong những cây cổ thụ của sân khấu cải lương với hơn 60 năm theo nghề, hàng ngàn mẫu cảnh trí. “Năm 2017, khi tôi vào thăm, ông đã khá yếu, không nói chuyện được nhiều. Tôi chỉ biết nắm tay, hôn trán ông để tỏ lòng kính ngưỡng”, cô nói. Năm 2015, đạo diễn Thanh Hiệp, vợ chồng nghệ sĩ Bình Tinh, Nhật Minh vào Viện dưỡng lão nghệ sĩ tổ chức lễ mừng thọ cho ông.
Những năm cuối đời, họa sĩ Hoài Nam do tuổi già sức yếu phải nằm liệt giường. Khi khách đến thăm, ánh mắt ông vẫn hấp háy lộ vẻ vui mừng. Không vợ con, họa sĩ được một người quen vì cảm mến tài năng của ông mà túc trực chăm sóc mỗi ngày như người thân.
Họa sĩ Hoài Nam tên đầy đủ là Đặng Hoài Nam, sinh năm 1930. Năm 1947, ông theo học Cao Đẳng Mỹ thuật Gia Định. Nhờ tài thiết kế và vẽ phông màn, ông được nhiều bầu gánh lớn cưng chiều, coi như “của quý” của đoàn hát. Từ năm 1958, ông còn thiết kế hình ảnh cho các phim Xa lộ không đèn, Bàn thờ tổ của cô đào, Nghêu Sò Ốc Hến, Hồi chuông Thiên Mụ... Sau 60 năm làm việc cho các đoàn sân khấu, ông vào sống ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8), viết bộ sách Giải mã Hán – Việt – Nôm theo phương pháp họa tự và sáng tác thơ.
Mai Nhật – Vnexpress