Các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông nhiều năm qua luôn cảnh báo nỗ lực của Iran nhằm trang bị vũ khí, tiền bạc cho các nhóm dân quân trong hoặc gần lãnh thổ của họ nhằm thúc đẩy lợi ích của Tehran.
Nhưng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani, người đứng sau mọi nỗ lực tăng cường ảnh hưởng ra nước ngoài của Iran ở khu vực, các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông lại tỏ ra im lặng một cách bất thường. Lãnh đạo các nước thân cận với Mỹ như Arab Saudi, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)… đều không có bất cứ phát ngôn nào cho thấy sự vui mừng khi quan chức quân sự hàng đầu Iran bị hạ sát.
Phản ứng thận trọng của các quốc gia Trung Đông cho thấy sự lo lắng của họ. Nhiều nước lo ngại rằng để tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ, Iran có thể quay sang nhắm mục tiêu vào các đồng minh của Washington trong khu vực để trả thù cho tướng Soleimani.
“Tất cả quốc gia trong khu vực đều lo lắng, bởi họ đang rơi vào tình thế không thể đoán định”, Taufiq Rahim, thành viên cấp cao của tổ chức New America chuyên nghiên cứu về chính trị ở vịnh Ba Tư, cho biết. “Họ không có cách nào sẵn sàng đối phó cho điều sắp diễn ra, bởi mọi thứ đều có thể trở thành mục tiêu”.
Ảnh hưởng đan xen của Mỹ và Iran tại Trung Đông khiến việc đánh giá mối đe dọa từ đòn báo thù của Tehran gặp nhiều khó khăn. Mỹ duy trì quan hệ bền chặt với Israel cũng như nhiều quốc gia Arab như Ai Cập, Arab Saudi và UAE.
Trong khi đó, Iran thông qua nỗ lực của tướng Soleimani trong nhiều thập kỷ qua đã xây dựng quan hệ gắn bó với chính phủ Syria và nhiều nhóm vũ trang ở Gaza, Lebanon, Iraq, Yemen. Nhiều nhóm trong số này nằm rất gần các đồng minh Mỹ cũng như căn cứ Mỹ tại Syria và Iraq.
Quy mô của mạng lưới này cho phép Iran có thể tấn công bất kỳ địa điểm nào ở Trung Đông dựa vào các lực lượng ủy nhiệm được nước này tài trợ.
Tình hình đặc biệt nhạy cảm với Arab Saudi và UAE, hai quốc gia có mối quan hệ khăng khít với Mỹ nhưng nằm đối diện với Iran qua vịnh Ba Tư. Các cơ sở dầu mỏ và thương mại của hai nước đều có thể trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với Iran.
Mối đe dọa này có thể thấy rõ trong mùa hè qua, khi hai nhà máy dầu của Arab Saudi bị tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái. Hai cơ sở dầu mỏ bị tổn thất nặng nề và phải tạm dừng hoạt động sau vụ tấn công. Quan chức Mỹ cáo buộc Iran chịu trách nhiệm, nhưng Trump từ bỏ phản ứng quân sự dù từng cam kết sử dụng sức mạnh Mỹ để đảm bảo nguồn dầu ở Vùng Vịnh.
Nhiều nước trong khu vực không ưa Iran vì nỗ lực xây dựng lực lượng dân quân dòng Shiite để thúc đẩy lợi ích của Tehran và làm suy yếu nhiều quốc gia Arab với đa số dân theo Hồi giáo dòng Sunni. Tuy nhiên, không ít lãnh đạo Vùng Vịnh thừa nhận rằng họ không thể hiện sự hân hoan sau cái chết của tướng Soleimani vì sợ chọc giận Iran.
“Arab Saudi và tất cả quốc gia Vùng Vịnh thân Mỹ đều im lặng. Họ không muốn đối đầu với Iran bởi tình thế khu vực hiện quá nhạy cảm và căng thẳng đến mức không ai muốn khuấy động thêm”, Khalid al-Dakhil, nhà xã hội học chính trị ở Arab Saudi, cho biết.
Trong khi cố gắng dự đoán bước tiếp theo của Iran, các đồng minh của Mỹ đang củng cố khả năng phòng vệ và tìm mọi cách bác bỏ mọi sự dính líu tới quyết định giết tướng Soleimani của Trump, thậm chí âm thầm tiếp cận trực tiếp Iran để tránh làm nổ ra xung đột.
Hoàng tử Khalid bin Salman, thứ trưởng quốc phòng Arab Saudi và là em trai Thái tử Mohammed bin Salman, đã bay tới Washington để tham vấn quan chức Mỹ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani tới Tehran gặp người đồng cấp Iran hôm 4/1.
Đối với nhiều quốc gia Vùng Vịnh, mối lo lắng lớn nhất hiện nay là liệu chính quyền Washington có cam kết hỗ trợ đồng minh nếu họ trở thành mục tiêu trả đũa của Iran hay không, theo Barbara Leaf, cựu đại sứ Mỹ ở UAE và hiện làm việc tại Viện Chính sách Cận Đông ở Washington.
“Lãnh đạo Vùng Vịnh muốn biết kế hoạch tiếp theo của Mỹ là gì? Mỹ sẵn sàng làm gì để bảo vệ đối tác Vùng Vịnh dễ bị tổn thương, nhóm bị Iran coi là đối tác của Mỹ trong cuộc chiến kinh tế nhắm vào Tehran”, Leaf nói.
Tại Iraq, nơi Mỹ đã tiêu tốn hàng tỷ USD và hàng nghìn binh sĩ thiệt mạng, rất ít người công khai cảm ơn Mỹ vì không kích hạ sát Soleimani. Thậm chí người Kurd và Sunni, dù thích Mỹ hơn Iran, vẫn giữ im lặng để tránh khiêu khích người Shiite. Đồng minh Mỹ tại Lebanon cũng im lặng để tránh kích động lực lượng thân Iran ở đó.
Ngay cả Israel, nơi xem tướng Soleimani là kẻ thù không đội trời chung, sự vui mừng được thể hiện rất hạn chế. Trong bài phát biểu hôm 5/1, Thủ tướng Netanyahu ca ngợi hành động của Mỹ và cho biết sát cánh bên đồng minh Washington, nhưng “phủi sạch” mọi sự liên quan tới vụ hạ sát tướng Soleimani, như một nỗ lực để tránh biến Israel thành mục tiêu trả thù của Iran.
Thanh Tâm (Theo NYTimes) – Vnexpress