Bộ Giáo dục và Đào tạo đối thoại bất thành với GS Hồ Ngọc Đại

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định không có ngoại lệ thẩm định sách giáo khoa mới, còn GS Hồ Ngọc Đại không đồng ý sửa sách Công nghệ giáo dục.

Sáng 3/1, tại trụ sở ở Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại, chủ biên sách Công nghệ giáo dục và PGS Nguyễn Kế Hào, đại diện Trung tâm Công nghệ giáo dục, đơn vị phát hành sách. 

GS Hồ Ngọc Đại trong buổi đối thoại với Bộ Giáo dục và Đào tạo, sáng 3/1. Ảnh: Thanh Hằng
GS Hồ Ngọc Đại trong buổi đối thoại với Bộ Giáo dục và Đào tạo, sáng 3/1. Ảnh: Thanh Hằng

GS Hồ Ngọc Đại nói mục đích duy nhất của ông là tìm mọi cách để sách Công nghệ giáo dục được sử dụng trong năm học mới. Ông không chê bai hay oán trách Hội đồng thẩm định đã loại sách của ông vì “họ chỉ làm theo trách nhiệm, tuy nhiên, điều quan trọng là trách nhiệm đó đúng hay sai”.

GS Đại cho rằng sách giáo khoa được biên soạn theo chương trình mới là sản phẩm dịch vụ, đặt tiền rồi làm chứ không phải công trình khoa học có tuổi đời hơn 40 năm như sách Công nghệ giáo dục. “Sách của tôi được nghiên cứu, thử nghiệm trong nhiều năm để trở thành một công trình khoa học hoàn thiện nên tôi không chỉnh sửa thêm bất cứ điều gì”, GS Đại nói.

Ông nhấn mạnh chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ là nội dung, còn sách Công nghệ giáo dục là lý tưởng, “mà lý tưởng thì không thay đổi”.

Tiếp lời GS Đại, PGS Nguyễn Kế Hào dẫn thực tế sách Công nghệ giáo dục môn tiếng Việt được sử dụng tại 48 tỉnh thành với hơn 900.000 học sinh sử dụng, nhận được phản hồi rất tích cực. “Trẻ em học tiếng Việt công nghệ giáo dục nhanh, chắc, không tái mù chữ và không nói ngọng”, ông Hào nói.

PGS Hào kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đối thoại với các địa phương để xem sách Công nghệ giáo dục mang lại hiệu quả thế nào, chứ “không phải đối thoại trong phòng như này”. Ông cho rằng Hội đồng thẩm định sách giáo khoa chưa đổi mới tư duy, đánh giá của hội đồng chỉ là bước một.

Dẫn lời GS Trần Ngọc Thêm, PGS Hào cho rằng “sách của GS Đại cần được thẩm định theo cách khác và Hội đồng thẩm định phải đổi mới tư duy”.

Video GS Hồ Ngọc Đại
GS Hồ Ngọc Đại phát biểu tại buổi đối thoại sáng 3/1. Video: Thanh Hằng

Đáp lại ý kiến của hai đại diện Trung tâm Công nghệ giáo dục, GS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Toán, khẳng định Hội đồng đã đưa ra những ý kiến, nhận xét xác đáng, nghiêm túc, linh hoạt các tiêu chí và không chịu sức ép nào.

Lý giải một phần nguyên nhân khiến sách Toán 1 trong bộ Công nghệ giáo dục bị loại, GS Kiều cho biết nội dung được học ở lớp 6 và 8 theo chương trình mới thì sách Công nghệ giáo dục đưa vào bậc tiểu học. Sách của GS Đại không phù hợp với chương trình mới chứ không phải chất lượng kém.

“Một tiêu chuẩn dù đổi mới cách nào, theo hình thức nào cũng phải tuân thủ, đó là chương trình nào thì sách đó. Người làm sách cần xem xét mục tiêu, kết quả cần đạt của chương trình rồi xây dựng nội dung cho sách”, ông Kiều nói.

Ông lấy dẫn chứng việc sách giáo khoa môn Toán của cố PGS Đỗ Đình Hoan đã phục vụ cho hàng chục triệu học sinh trong nhiều năm, nhưng hiện nay không được sử dụng vì không phù hợp với những tiêu chí của chương trình mới. “Khi có một chương trình mới thì cần những bộ sách giáo khoa mới, đó là nguyên tắc. Đổi mới là việc tất yếu phải chấp nhận”, GS Kiều nói.

GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn tiếng Việt, cho rằng sách giáo khoa là sản phẩm của xã hội nên cần được thẩm định theo tiêu chí chung của xã hội. “Đây là cuộc chơi chung, cơ hội chia đều cho những người viết sách. Nếu có ngoại lệ cho sách của GS Hồ Ngọc Đại, điều đó không công bằng cho các tác giả khác”, ông Sử nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định không có ngoại lệ cho sách của GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Thanh Hằng
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định ‘không có ngoại lệ’ cho sách của GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Thanh Hằng

Chủ trì buổi đối thoại, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, bày tỏ trân trọng những đóng góp của GS Hồ Ngọc Đại cho giáo dục, mong muốn GS Đại và cộng sự điều chỉnh bộ sách Công nghệ giáo dục phù hợp với chương trình mới để Hội đồng thẩm định lại và áp dụng vào các năm học sau.

“Còn về việc linh hoạt hay có ngoại lệ cho sách của GS Hồ Ngọc Đại, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể giải quyết”, ông Độ nói.

GS Hồ Ngọc Đại và PGS Nguyễn Kế Hào không đồng tình với quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và từ chối đề nghị chỉnh sửa bộ sách. “Sách của tôi mới là đúng, là mới, là điều tương lai cần”, GS Đại nói, khép lại hai tiếng rưỡi đối thoại trong không khí căng thẳng.

Sách Công nghệ Giáo dục là sản phẩm của một nhóm nghiên cứu do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên, hoàn thành năm 1978, sau đó được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho phép thí điểm tại trường thực nghiệm. Năm 2006, sách Công nghệ giáo dục lại được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho dùng ở các vùng khó khăn là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Năm 2017 và 2018, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, tài liệu được thẩm định lại, cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 được thông qua. Sách được biên soạn, điều chỉnh và sửa đổi sau khi có góp ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý để tiếp tục triển khai.

Ngày 12/9/2019, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết ba cuốn sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại (gồm Toán, Tiếng Việt và Đạo đức) không vượt qua vòng thẩm định.

Ngày 23/9/2019, PGS Nguyễn Kế Hào thay mặt Trung tâm Công nghệ giáo dục gửi kiến nghị tới Thủ tướng và Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo về kết quả thẩm định.

Thanh Hằng – Vnexpress