Thành công nhờ năm bài học thời sinh viên

Kara Goldin ở San Francisco, Mỹ là triệu phú tự thân, điều hành công ty nước giải khát Hint Water. Cô tiết lộ thành công nhờ năm hoạt động thời sinh viên.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1989, tôi chuyển đến thành phố New York và tìm được công việc đầu tiên trong lĩnh vực xuất bản. Không giống như những người đồng trang lứa, lựa chọn các trường đại học danh tiếng như Harvard, Dartmouth hay Yale, tôi từ chối học trong khối Ivy League.

Hiện nay, tôi đã phát triển tương đối ổn định trong ngành công nghiệp thực phẩm đồ uống có tính cạnh tranh cao. Năm 2005, tôi cho ra mắt thương hiệu nước giải khát Hint Water, hiện có giá trị hàng triệu USD.

Nhìn lại quãng đường phát triển, tôi nhận ra mình có thể thành công vì trau dồi và học tập liên tục tại trường đại học. Tôi không khuyến khích sinh viên lao vào học mà quên trải nghiệm bốn năm thanh xuân đáng nhớ, nhưng tin rằng ưu tiên lớn nhất là tập trung vào nghề nghiệp và cách phát triển nó trong tương lai.

Dưới đây là năm hoạt động vô cùng giá trị tôi đã thực hiện tại trường đại học để giúp mình vươn xa.

1. Tham gia lớp học ngoài chuyên ngành

Trước khi vào đại học, sinh viên phải đăng ký lựa chọn một hoặc hai chuyên ngành cố định và cũng là định hướng nghề nghiệp tương lai. Nhiều trường cho phép sinh viên đến năm hai, năm ba mới quyết định chuyên ngành. 

Tôi cho rằng việc đăng ký học những môn ngoài chuyên ngành có giá trị rất lớn đối với sinh viên. Các môn học khác nhau dạy tôi cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ và học thêm nhiều kỹ năng mới cho nghề nghiệp tương lai.

Trong quá trình học thêm các môn khác, sinh viên có cơ hội khám phá những ngành học hoặc nghề nghiệp thích hợp với bản thân hơn hoặc lựa chọn con đường sự nghiệp mới. Điều này là hoàn toàn bình thường vì nghiên cứu cho thấy một phần ba sinh viên sẽ thay đổi định hướng nghề nghiệp trong ba năm ở trường đại học.

2. Tham gia câu lạc bộ

Có nhiều cách để trải nghiệm trước về nghề nghiệp lựa chọn trong tương lai. Trong đó, các câu lạc bộ tại trường học là môi trường thích hợp để thử sức, như câu lạc bộ tình nguyện, kinh doanh, chứng khoán…

Ngoài ra, sinh viên có thể làm thêm tại doanh nghiệp trong lĩnh vực yêu thích, ví dụ muốn trở thành nhà báo, các em có thể cộng tác cho các tờ báo hoặc đài truyền hình địa phương. Ngoài việc góp nhặt kinh nghiệm về nghề nghiệp tương lai, hồ sơ xin việc của các em cũng sẽ ấn tượng, nổi bật hơn những bạn chưa từng thử sức trong lĩnh vực đó.

Kara Goldin sở hữu công ty nước giải khát Hint Water. Ảnh: Robert Meares.
Kara Goldin sở hữu công ty nước giải khát Hint Water. Ảnh: Robert Meares.

3. Kiếm và tiết kiệm tiền từ khi đi học

Theo một khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), 65% thanh niên thế hệ tuổi 20-30 cảm thấy hối tiếc vì không làm thêm khi học đại học. Dù công việc là bồi bàn, bán hàng, thực tập sinh không lương cũng đều đem lại cho người trẻ những kinh nghiệm vô giá. Các em sẽ được làm việc với mọi lứa tuổi, xử lý vấn đề không bao giờ xuất hiện trong giáo trình đại học và nhận ra giá trị của đồng tiền kiếm được từ những giờ làm việc vất vả.

Khi các em nhận lương, đừng sai lầm tiêu hết số tiền đó cùng lúc. Hãy dành ra một khoản tiết kiệm để phục vụ cuộc sống tương lai. Chẳng hạn sau khi ra trường, các em phải làm thực tập sinh không lương vì chưa có kinh nghiệm. Số tiền tiết kiệm từ những năm đại học sẽ giúp các em sống sót.

Công việc đầu tiên của tôi là làm việc cho tờ tạp chí lớn, hoàn toàn không được trả lương nhưng tôi được dạy và trau dồi nhiều kinh nghiệm đáng quý. Khoản tiết kiệm nho nhỏ thời đại học đã giúp tôi vượt qua quãng thời gian đó và tích lũy nhiều kinh nghiệm, cơ hội việc làm giá trị.

4. Cập nhật tin tức mới nhất trong ngành

Hiểu rộng và sâu về lĩnh vực muốn làm việc trong tương lai là vô cùng cần thiết, có thể nói sẽ quyết định thành công của các em. Ngoài ra, việc am hiểu về công việc tương lai có thể giúp các em “ghi điểm” khi phỏng vấn với nhà tuyển dụng.

Mỗi tuần, các em nên dành ra khoảng thời gian nhỏ để tìm hiểu về lĩnh vực nghề nghiệp tương lai thông qua sách vở, tài liệu hoặc tin tức. Ví dụ, nếu quan tâm đến tài chính, đừng quên đọc qua những cuốn sách về hoạt động tài chính, cập nhật tình hình tài chính trong và ngoài nước, ghi nhớ những sự thay đổi trong ngành. Việc học không chỉ giúp các em tích lũy kiến thức chuyên môn mà sẽ không cảm thấy hối hận vì lãng phí thời gian.

5. Giữ liên hệ với cựu sinh viên

Cựu sinh viên thường thích gặp gỡ sinh viên đại học hoặc vừa tốt nghiệp để cập nhật tình hình trường học và thầy cô. Đó cũng là cách họ hoài niệm về quãng thời gian thanh xuân vui vẻ bên mái trường. Nhưng phần giá trị nhất trong những cuộc trò chuyện này là cựu sinh viên sẵn sàng tư vấn kinh nghiệm nghề nghiệp hoặc cung cấp cơ hội việc làm cho các em khóa dưới. Vì vậy, sinh viên không nên e ngại việc tiếp cận, giữ mối quan hệ với các anh chị khóa trên đã tốt nghiệp.

Sinh viên có thể tận dụng ngày khai giảng, bế giảng hoặc những dịp kỷ niệm của trường để gặp gỡ, làm quen với đông đảo cựu sinh viên theo cách tự nhiên.

Tú Anh (Theo CNBC) – Vnexpress