Nguyên tắc nuôi dạy con của người Do Thái

Lười biếng hay không làm gì cả ngày không bao giờ có trong suy nghĩ của trẻ Do Thái bởi các em được dạy làm việc chăm chỉ, biết quản lý thời gian.

1. Không gán ghép những từ tiêu cực cho con

Cha mẹ Do Thái không bao giờ gán ghép những từ mang nghĩa tiêu cực cho con cái như “Con là người xấu/Con là đồ lười”. Thay vào đó, họ sẽ nói rằng: “Một đứa trẻ ngoan ngoãn như con tại sao lại gây ra hành vi đáng tiếc như vậy?”.

Người Do Thái ý thức và nắm bắt rất rõ những khuyết điểm, hành động xấu của con, nhưng trước mặt người ngoài và trước mặt trẻ, họ không chỉ trích như vậy mà sẽ tìm cách uyển chuyển hơn để truyền đạt. Ngoài ra, họ sẽ khéo léo uốn nắn, dạy dỗ lại con cái mà không để người ngoài can thiệp.

2. Khen ngợi trẻ ngay khi có thể

Những bà mẹ Do Thái luôn khen ngợi con, ngay từ khi trẻ được sinh ra và chưa hiểu ngôn ngữ của cha mẹ. Mọi động tác của trẻ như biết nói hoặc biết vẽ đều sẽ nhận được những lời khen ngợi từ cha mẹ. Đặc biệt, trẻ em Do Thái thường được khen ngợi ở chốn đông người để các em có thể cảm nhận sự hiện diện và vị trí của mình trong xã hội.

Nếu thành tích của trẻ ấn tượng hơn, các em sẽ nhận được sự vỗ tay, chúc mừng từ tất cả thành viên trong gia đình. Người Do Thái tin rằng việc được khuyến khích sẽ nâng cao lòng tự trọng, thúc đẩy tinh thần và cung cách làm việc của trẻ.

3. Chịu trách nhiệm với hành vi của bản thân

Tinh thần trách nhiệm là điều người Do Thái rất coi trọng và họ dạy con từ rất sớm thông qua việc làm gương cho con. Trước mặt con, cha mẹ Do Thái luôn hành động thận trọng và tỏ ra nghiêm túc với mọi hoạt động, quyết định.

Ảnh: Depositphotos
Ảnh: Depositphotos

4. Yêu thương và tôn trọng gia đình

Trong truyền thống của người Do Thái, nền tảng của mọi gia đình xuất phát từ ba trụ cột, người cha, người mẹ và con cái. Ngay từ nhỏ, trẻ em Do Thái được dạy phải quan sát và chú ý đến thái độ, hành vi cha mẹ đối xử với nhau.

Nếu trẻ biết rằng cha mẹ mình sống với nhau vì tình yêu và lan tỏa tình yêu này sang con cái, các em sẽ thấm nhuần giá trị của sự tôn trọng, yêu thương và chăm sóc người thân, mở rộng ra là mối quan hệ bạn bè, cộng đồng. Từ đó, các em cảm thấy được bảo vệ, phát triển thành con người khỏe mạnh và nhận thức phải đối xử tốt với mọi người xung quanh.

5. Học cách làm cha mẹ

Người Do Thái phải học cách làm cha mẹ trước khi có con. Trong lịch sử, các nhà hiền triết người Do Thái đã phát triển hệ thống giáo dục dành riêng cho cha mẹ và gia đình và bất kỳ người Do Thái nào cũng phải học.

Người con gái hoặc con trai sau khi kết hôn được dạy rằng giờ đây không còn sống cho chính mình mà phải gánh vác trách nhiệm làm cha, làm mẹ và sống vì người thân, gia đình.

Việc học cách làm cha mẹ rất quan trọng trong văn hóa người Do Thái. Họ tin rằng nếu cá nhân coi việc làm cha mẹ là gánh nặng, là điều khó khăn thì sẽ không bao giờ thành công trong việc nuôi dạy con.

6. Dạy trẻ cách quản lý thời gian

Trẻ em Do Thái được dạy rằng phải làm việc chăm chỉ và biết cách quản lý thời gian hợp lý để mọi việc không chồng chéo lên nhau. Cha mẹ Do Thái cho con học rất nhiều bộ môn cùng lúc với khối lượng thời gian lớn như đàn violin, tiếng Anh, Toán học.

Nhiều em sinh ra trong gia đình kinh doanh buôn bán có thể tham gia làm việc cùng cha mẹ từ rất sớm. Thông qua những hoạt động trải nghiệm lớn và liên tục như vậy, các em phải học cách quản lý thời gian, sắp xếp công việc và luôn tự nhủ phải làm việc chăm chỉ.

7. Chấp nhận rủi ro

“Hãy tiến về phía trước” là câu nói quen thuộc mà cha mẹ Do Thái dành cho con  mình. Câu nói này đồng nghĩa với việc trẻ phải tự làm mọi việc một mình, luôn phát triển bản thân thay vì giậm chân tại chỗ và tự giành được thành công. Cha mẹ Do Thái tin rằng để trẻ học về sự tự tin, thất bại và chiến thắng, họ phải cho phép con mạo hiểm bước ra khỏi vùng an toàn, khám phá thế giới và tự xoay sở với vấn đề riêng.

Trong quá trình này, cha mẹ Do Thái không mặc kệ con, họ lưu tâm đến từng hoạt động của trẻ và đưa ra lời khen ngợi, khuyến khích kịp thời. Điều này giúp trẻ kiên trì theo đuổi mục tiêu và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Tú Anh (Theo Forum Daily, The Jewish Woman) – Vnexpress