Chứng khoán giảm mạnh phiên đầu tuần

Diễn biến cùng chiều với các thị trường lớn thế giới, VN-Index giảm gần 1% với sắc đỏ lan rộng, lùi về ngưỡng 955 điểm.

VN-Index giảm ngay từ đầu phiên, giao dịch trong biên độ 3-5 điểm dưới tham chiếu. Cuối phiên sáng, chỉ số thu hẹp đà giảm về dưới 2 điểm, lực hồi bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, đến đầu phiên, trạng thái cân bằng bị phá vỡ khi lực cung cổ phiếu tăng nhanh, bên bán hạ giá quyết liệt trong khi lực cầu bắt đáy yếu ớt không đủ để chặn đà giảm của chỉ số. VN-Index nới rộng đà giảm và đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên.

Chốt phiên giao dịch 6/1, VN-Index giảm gần 1% xuống 955,79 điểm. VN30-Index mất 1,24% còn 872,34 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index mất 1,13% còn UPCOM-Index giảm 1,36%.

VN-Index giảm gần 1% trong phiên 6/1. Ảnh: VNDirect
VN-Index giảm gần 1% trong phiên 6/1. Ảnh: VNDirect

Trạng thái phiên giao dịch hôm nay, nhìn về tổng thể, do bên bán nắm quyền chi phối. Đến cuối phiên, sàn HoSE ghi nhận 251 mã giảm, trong khi chỉ có 90 mã tăng. Sự áp đảo của sắc đỏ cũng thể hiện bởi trạng thái chênh lệch trong nhóm VN30, với 26 cổ phiếu giảm nhưng chỉ có 3 mã tăng.

Dù chỉ số giảm mạnh về vùng hỗ trợ cứng, dòng tiền lớn vẫn chưa xuất hiện. Thanh khoản toàn sàn HoSE chỉ đạt hơn 3.400 tỷ đồng, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận chỉ còn hơn 2.200 tỷ, thấp hơn 15% so với những phiên cuối tuần trước.

Đến cuối phiên, một loạt mã bluechip lùi sâu về dưới tham chiếu. ROS tiếp tục nằm sàn, giảm xuống 14.100 đồng. VCB, VRE mất 2,7%, TCB giảm 2,5%, HDB, VPB, VHM giảm trên 2%.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí là điểm sáng hiếm hoi duy trì đà tăng, nhờ kỳ vọng vào đà tăng giá của dầu thô. GAS tăng 3,2%, trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm VN30. Những cổ phiếu “họ P” khác như PVD, PVS đều tăng mạnh trong bối cảnh thị trường chung đi xuống. PVD tăng 4,3%, trong khi PVS chốt phiên tăng gần 5%.

Căng thẳng Mỹ – Iran leo thang khiến giới phân tích lo ngại giá dầu có thể tăng vọt. Giá dầu thô Brent đã tăng 4% ngay sau thông tin về vụ không kích, lên ngưỡng 70 USD mỗi thùng. Nếu các cuộc giao tranh lan sang những khu vực sản xuất dầu trọng điểm phía nam Iraq, hoặc Iran quyết định thắt chặt kiểm soát hoạt động vận chuyển dầu qua nước này, giá “vàng đen” dự báo sẽ tăng lên 80 USD, thậm chí 150 USD.

Minh Sơn – Vnexpress