“Mở cổng ra, thằng khốn”, một phiến quân hét lớn và chĩa khẩu AK vào đầu người lính gác bên ngoài cổng chính lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi, Libya. Người lính Libya không còn cách nào ngoài chấp hành mệnh lệnh và mở cửa, trước khi hàng loạt tay súng tràn vào khu lãnh sự, bắt đầu cuộc tập kích chớp nhoáng lúc 21h40 ngày 11/9/2012.
Các tay súng nhanh chóng tỏa ra khắp khu nhà và mở cổng phía đông bắc, cho phép 4 chiếc xe chở hơn thêm phiến quân vào trong. Hàng loạt xe bán tải mang súng máy 12,7 mm và 14,5 mm chiếm vị trí có lợi ở phía đông và tây lãnh sự quán để đối phó với các lực lượng ứng cứu.
Một phiến quân nổ súng, trong khi một tay súng quăng lựu đạn vào khu nhà, dấu hiệu cho thấy cuộc tấn công đã bắt đầu. Một đặc vụ Mỹ chứng kiến nhóm phiến quân tràn vào, còn lính gác Libya và lực lượng dân quân địa phương bỏ chạy để bảo toàn mạng sống.
Đặc vụ này lập tức báo động đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tripoli và Lực lượng Phản ứng Nhanh (QRF) đóng tại căn cứ bí mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cách đó hơn 1,5 km. “Benghazhi đang bị tập kích, tấn công khủng bố”, thông điệp ngắn gọn cho biết.
Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens khi đó đang ở tại phòng an toàn, địa điểm được gia cố nằm sâu trong khu lãnh sự. Tuy nhiên, những kẻ tấn công chỉ mất 15 phút để lọt vào khu nhà chính và bắt đầu phóng hỏa.
Lời khai của những người sống sót cho thấy nhóm phiến quân được huấn luyện bài bản. Chúng chia thành nhiều nhóm nhỏ, di chuyển một cách có chiến thuật và sử dụng ám hiệu bằng tay để liên lạc với nhau.
“Những kẻ tấn công có mệnh lệnh rõ ràng cùng thông tin tình báo hoàn hảo. Chúng biết mọi vị trí và phương án tiếp cận khu vực nghỉ ngơi của đại sứ, cũng như cách vô hiệu hóa lực lượng an ninh và lính gác địa phương trong đêm đó”, cây bút Fred Burton của Vanity Fair nhận xét.
Đại sứ Stevens, sĩ quan liên lạc Sean Smith và một đặc vụ an ninh phải rời căn phòng để tránh bị ngạt khói. Màn khói đen dày đặc khiến ba người bị lạc nhau. Trong lúc đó, nhân viên an ninh Mỹ và Libya bị kẹt giữa ngọn lửa dữ dội và làn đạn của phiến quân, không thể xử lý tình huống ngày một phức tạp.
Đặc vụ đi cùng Stevens thoát khỏi khu nhà đang cháy và tìm người trợ giúp, nhưng không kịp cứu Smith. Sĩ quan liên lạc này thiệt mạng vì ngạt khói, còn đại sứ Stevens cũng bị lạc trong làn khói đen mù mịt.
45 phút sau khi cuộc tấn công bắt đầu, lực lượng Mỹ tìm cách chiếm lại khu nhà chính nhưng bị đẩy lùi bởi hỏa lực mạnh của phiến quân, buộc họ trú ẩn tại một dãy nhà phụ gần đó. Nỗ lực tấn công thứ hai diễn ra lúc 23h20 và thành công, các tay súng Hồi giáo bị đánh bật khỏi vị trí.
Tuy nhiên, trận đánh vẫn chưa kết thúc khi cuộc đấu súng chuyển hướng sang khu nhà trú ẩn. “Thêm hai đặc vụ Mỹ thiệt mạng và hai người bị thương trong giai đoạn này”, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Lực lượng an ninh Mỹ và Libya chỉ giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn lãnh sự quán lúc 2h30 ngày 12/9, hơn 4 tiếng kể từ khi tiếng súng đầu tiên phát ra. Dù vậy, họ vẫn không thể xác định vị trí và tình trạng của đại sứ Stevens.
Phía Mỹ không biết rằng đại sứ Stevens đã được một nhóm người Libya tìm thấy và giải cứu khỏi căn phòng ngập khói trong tình trạng bất tỉnh. Ông được đưa tới Trung tâm Y tế Benghazi lúc 1h trên một ôtô cá nhân, bởi thời điểm đó không có xe cứu thương sẵn sàng.
Bác sĩ Ziad Abu Zeid thực hiện thủ thuật hô hấp nhân tạo trong suốt 90 phút, trước khi kết luận đại sứ Stevens tử vong vì ngạt khói và không có chấn thương nào khác. Thi thể đại sứ Mỹ sau đó được chuyển tới sân bay Benghazi và bàn giao cho phía Mỹ, trước khi được đưa tới căn cứ Ramstein ở Đức và về nước cùng thi thể ba người thiệt mạng trước đó.
Báo cáo do Hạ viện Mỹ công bố năm 2013 cho thấy lực lượng hỗ trợ sơ tán nhân viên lãnh sự quán Mỹ đêm 11/9/2012 không phải của Mỹ hay chính phủ Libya, mà chính là đơn vị bí mật với thành phần gồm các cựu sĩ quan dưới thời cựu tổng thống Muammar Gaddafi, người đã bị quân đội Mỹ lật đổ trước đó không lâu.
Dường như một sĩ quan CIA đã liên lạc với nhóm cựu sĩ quan này, trước khi họ điều một đoàn xe với hỏa lực mạnh để đưa nhân viên ngoại giao Mỹ tới sân bay an toàn. “Hành động của họ đã cứu mạng hơn 20 người. Nói cách khác, những cá nhân từng bị Mỹ lật đổ lại chính là những người Libya duy nhất hỗ trợ nhân viên Mỹ trong cuộc tấn công ở Benghazi”, báo cáo có đoạn viết.
“Chính phủ Libya, vốn được Bộ Ngoại giao Mỹ o bế một cách không mệt mỏi, cũng như lực lượng dân quân được giao nhiệm vụ bảo vệ khu nhà đều không thể sơ tán các công dân Mỹ đang gặp hiểm nguy”, báo cáo cho hay.
Dù phe Cộng hòa và Dân chủ vẫn còn tranh cãi về chi tiết trong báo cáo, một điều không thể tranh cãi chính là lực lượng Mỹ gần Libya đã không được triển khai tới giải cứu lãnh sự quán tại Benghazi vào đêm đó. Các đơn vị quân đội Mỹ chỉ xuất hiện tại Libya vào trưa 12/9, hơn 13 tiếng sau khi cuộc tấn công bắt đầu, bất chấp mệnh lệnh từ tổng thống Barack Obama và bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta.
“Một nhóm chống khủng bố của lính thủy đánh bộ Mỹ phải chờ gần 3 giờ tại Rota, Tây Ban Nha và thay quân phục chiến đấu tới 4 lần. Họ thậm chí còn bàn về việc nên mang vũ khí cá nhân hay không. Lực lượng này mất gần 18 tiếng để lên đường tới Libya”, một nhân chứng nhớ lại.
Vũ Anh (Theo CNN) – Vnexpress