Nằm cách xa vùng bờ biển trù phú và thủ đô Bắc Kinh, trung tâm công nghiệp kim loại rộng lớn ở phía nam Trung Quốc bùng nổ và đáp ứng nhu cầu sản xuất linh phụ kiện của toàn cầu, từ pin điện thoại, động cơ điện tới máy bay phản lực. Ngành sản xuất kim loại thường và kim loại màu, như nhôm, đồng, chì, kẽm, phát triển chóng mặt khi Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới. Tổng sản lượng sản xuất năm 2018 là 57 triệu tấn, gấp 9,5 lần so với năm 1998, theo Hiệp hội Công nghiệp kim loại màu Trung Quốc.
Nhưng nhiều cộng đồng nghèo ở Quảng Tây, tỉnh xa xôi hẻo lánh phía nam Trung Quốc, phải trả giá đắt cho sự phát triển này. Tai nạn hầm mỏ, đất nông nghiệp bị ô nhiễm, bị dị tật do nhiễm độc kim loại, thiếu nước sạch là những thứ đang khiến người dân nơi đây “chết mòn”.
Cuối tháng 10, mỏ thiếc Qingda 2, cách thị trấn Đại Xưởng ở tỉnh Quảng Tây hơn 16 km, bị sập khiến 13 công nhân thiệt mạng. Meng là người may mắn thoát chết trong vụ tai nạn đó.
Xem tai nạn này là chuyện “không thể tránh khỏi”, người cha 35 tuổi có hai đứa con nhỏ đang cân nhắc xin một chân làm bảo vệ, nhưng vẫn thích làm việc ở mỏ hơn. “Không có lựa chọn nào khác nếu bạn muốn có thu nhập cao hơn ở đây”, Meng nói.
Thị trấn với 30.000 cư dân luôn phải sống trong sự ám ảnh chết chóc của ngành công nghiệp luyện kim. Năm 2000, hồ chứa chất thải bị vỡ cuốn trôi một ngôi làng, khiến 28 người chết. Vụ tai nạn nghiêm trọng nhất ở Đại Xưởng xảy ra một năm sau đó, khi 81 thợ mỏ thiệt mạng vì lũ lụt. Công tố viên cho biết mỏ khai thác này đóng góp 1/3 doanh thu thuế cho địa phương và chủ của nó, người giàu nhất Quảng Tây, chia 15% cổ phần công ty cho giới chức địa phương.
Rủi ro cũng hiện hữu bên ngoài hầm mỏ. Quá trình luyện kim nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt có thể giải phóng nhiều chất độc hại vào khí quyển như chì, cadmium và arsenic.
Nghiên cứu được Học viện Kỹ thuật nghề Quảng Tây và Đại học Nam Ninh công bố hồi tháng 6/2019 cho thấy nồng nộ kim loại nặng trong các mẫu bụi trên bề mặt đường ở Đại Xưởng vượt xa mức an toàn quốc gia: arsenic vượt 111 lần, cadmium 55 lần và chì 2,45 lần. Nồng độ kim loại nặng trong nhà chỉ thấp hơn một chút.
Wei Chun, nông dân sống gần quốc lộ 210, cho biết cách đây 10 năm, 20/25 đứa trẻ trong làng có nồng độ chì trong máu vượt ngưỡng an toàn. Wei cho biết chính quyền địa phương nhiều năm qua đền bù cho các hộ gia đình có con nhiễm độc chì bằng cách cung cấp 30 quả trứng gà và vài lít sữa mỗi tháng.
Tại Tanghuang, một ngôi làng khác ở Đại Xưởng, cây dẻ không còn ra quả, trong khi cây tỳ bà và loài cây dây leo đều bị héo úa sau những cơn mưa mùa hè. Hồ nước giữa làng giờ có nồng độ chì cao gấp 8 lần so với mức khuyến nghị an toàn của Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), theo kết quả xét nghiệm tại một phòng thí nghiệm độc lập.
Không giống như Mỹ hay Australia, nhiều khu vực ô nhiễm ở Trung Quốc nằm giữa trung tâm nông nghiệp phía nam đất nước, đặt ra nhiều thách thức với nhà chức trách. Thập kỷ qua chứng kiến nhiều khủng hoảng liên quan tới việc phát hiện hàm lượng kim loại nặng cao trong gạo trồng gần nhà máy luyện kim.
Chen Nengchang thuộc Viện Sinh thái và Khoa học đất Quảng Đông cho biết Trung Quốc có nhiều khu vực đất nông nghiệp nằm xen lẫn khu khai thác mỏ. Nhưng thực tế, việc cải tạo đất nông nghiệp ô nhiễm thường được tiến hành rất chậm trễ.
Tại huyện Đại Tân, cách Đại Xưởng 4 tiếng lái xe về phía nam, Huang Guiqing tới một văn phòng phụ trách cải tạo đất và thở dài. “Mọi thứ mới dừng lại ở công tác chuẩn bị”, Huang nói. Trong một phòng khách trống trơn, Huang vật lộn với tập tài liệu bằng những ngón tay sưng phù, biến dạng. Cánh tay của Huang cũng trở nên dị dạng sau nhiều năm ăn rau củ và uống nước nhiễm cadmium.
Hơn 46 người khác trong làng của Huang bị nhiễm độc từ đầu thập niên 1970 khi nước thải từ một mỏ chì kẽm bị xả trộm vào con mương mà người dân lấy nước tưới tiêu cho cánh đồng trồng sắn và mía. Huang cho biết con mương giờ đục như nước tương.
Năm 2000, giới chức địa phương tới đây kiểm tra và phát hiện nồng độ cadmium trong đất cao gấp 30 lần mức cho phép. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không có hành động gì ngoài cho mỗi gia đình 15 kg gạo, dân trong làng cho biết. Mỏ khai thác bị phá sản năm 2002, nhưng phải tới 2015, giới chức địa phương mới phản hồi khiếu nại của người dân.
Trong công văn gửi người dân, chính quyền địa phương thừa nhận họ đã lơ là trước thảm họa này, nhưng cho rằng họ lực bất tòng tâm. “Khu vực ô nhiễm quá rộng và chi phí cải tạo đất quá lớn, trong khi nguồn tài chính của Đại Tân có hạn”, giới chức địa phương viết và ước tính chi phí khoảng 33 triệu USD.
Công văn đặt ra thời hạn cải tạo đất là cuối năm 2017, sau đó lùi tới cuối 2018. “Có lẽ họ sẽ bắt đầu năm 2020”, Wei Tianlai, 68 tuổi, sống ở Đại Tân, cho biết. Chính quyền không trả lời thắc mắc hay bình luận về vấn đề này.
Nhiều câu chuyện tương tự xảy ra trên khắp Trung Quốc, nơi giới chức địa phương vật lộn với nền kinh tế tăng trưởng chậm và mức nợ công tăng vọt. “Có nhiều áp lực về chi tiêu công. Chúng tôi đang cố gắng làm hết khả năng để giải quyết các khoản nợ phát sinh”, Chen Youjian, nhà khoa học tại công ty xử lý môi trường BCEG ở Bắc Kinh, cho hay.
Quan chức Trung Quốc bắt đầu đề xuất khai thác quặng nhôm ở Quảng Tây như một ngành “hái ra tiền” với lãnh đạo Đặng Tiểu Bình năm 1986. Hai thập kỷ sau, tập đoàn Xinfa, công ty sản xuất nhôm ở phía bắc Trung Quốc, đầu tư 2,4 tỷ USD vào huyện Tĩnh Tây, giáp với Đại Tân.
“Có thể nhìn thấy nơi này từ trên vũ trụ”, Huang Qi nói khi sải bước qua con đập tại một thung lũng nhỏ đầy bùn đỏ. Đó là hồ chứa bôxít (quặng nhôm) từng được Xinfa khai thác và đóng cửa do tranh chấp với người dân địa phương trong 10 năm qua.
Trong 18 tháng qua, chất thải ba lần tràn ra từ các hồ chứa như vậy, làm ngập đường làng, gây ô nhiễm dòng nước ngầm và khiến hồ nước ngọt trong làng không thể sử dụng. Hồi tháng 6, hàng chục hộ dân bao vây một cơ sở của Xinfa trong ba ngày để đòi nước sạch trước khi bị cảnh sát giải tán.
Chen Wenxi, nhà bảo vệ môi trường ở Bắc Kinh, đại diện cho dân làng đệ đơn kiện Xinfa hồi tháng 8/2018 để đòi 2,8 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại. Phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 6 diễn ra trong 15 phút. Chen cố gắng tiếp cận hồ sơ về tác động môi trường do Xinfa gây ra, nhưng chính phủ từ chối với lý do chúng là bí mật nhà nước.
“Luôn có thành kiến và các yếu tố chính trị tồn tại khi một bên có quá nhiều tiền trong khi bên còn lại quá nghèo”, Chen nói. Xinfa được xem là doanh nghiệp quan trọng trong kế hoạch phát triển 5 năm của Tĩnh Tây. Huang Lituo, phó ban tuyên giáo Tĩnh Tây, thừa nhận một số tai nạn “không thể tránh khỏi” liên quan tới Xinfa và cho biết chính quyền địa phương chịu trách nhiệm xử lý hậu quả.
Xinfa bị phạt 15.000 USD vì thăm dò khoáng sản bất hợp pháp trong nhiều tháng qua. Ngoài ra, chính quyền địa phương yêu cầu công ty chuyển nước sạch tới cho cộng đồng trong khu vực.
Nhưng ảnh hưởng của Xinfa tới địa phương là không thể phủ nhận. Năm ngoái, công ty này nộp thuế hơn 100 triệu USD, nhiều hơn bất cứ nguồn thu nào khác của địa phương. “Nếu không có Xinfa, chúng tôi không thể thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng trường học và cơ sở y tế”, Huang cho biết.
Huang Hua, sống ở Tĩnh Tây, thấy cay đắng khi phải sống phụ thuộc công ty này. “Chúng tôi chiến đấu để giành nước sạch với Xinfa, nhưng nếu họ đi, chúng tôi có thể sẽ chết khát”, Huang nói.
Huang Hua nhìn qua cửa ô tô, hướng mắt về phía những máy xúc Caterpillar đang biến sườn núi tươi xanh thành nhiều khoảnh đất màu rỉ sắt. “Tôi hy vọng Chủ tịch Tập Cận Bình nhìn thấy cảnh tượng này”, Huang nói. “Nhưng núi thì cao, hoàng đế lại ở xa”, câu thành ngữ ám chỉ chính quyền trung ương thường ít quan tâm tới các vấn đề ở địa phương.
Thanh Tâm (Theo Washington Post) – Vnexpress