Chết cũng trở thành xa xỉ

Không ai thoát được cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài gần hai thập kỷ ở Argentina, thậm chí cả những người đã chết.

Ông Juan Tapia, chủ của Cocheria Tacuari, một nhà tang lễ đã hoạt động 60 năm nay ở thủ đô Buenos Aires, cho hay giá mua, thuê và duy trì những ngôi mộ đắt đỏ đến mức nhiều người Argentina đành chọn hoả táng người thân.

“Đây là vấn đề kinh tế. Mọi người không có đủ tiền để trả dịch vụ. Các thành viên gia đình giúp đỡ nhau, hỏi vay tiền, một số người trả bằng những tờ đôla Mỹ mà họ tiết kiệm được hoặc cất dưới đệm”, ông kể.

Những người làm dịch vụ hậu sự như ông buộc phải giảm giá liên tục vì mọi người không còn đủ khả năng tài chính như cách đây vài năm. “Để có chi phí tổ chức một đám tang, gia đình họ phải nhịn ăn cả tháng”, Tapia nói.

Ông Juan Tapia phủi bụi trên những quan tài bày bán tại nhà tang lễ Cocheria Tacuari ở Buenos Aires. Ảnh: AFP
Ông Juan Tapia phủi bụi trên những quan tài bày bán tại nhà tang lễ Cocheria Tacuari ở Buenos Aires. Ảnh: AFP

Argentina, quốc gia từng nằm trong số những nước giàu nhất thế giới đầu thế kỷ 20, đang chìm trong khủng hoảng kinh tế. Suy thoái diễn ra sau sự sụp đổ của đồng peso cách đây 18 tháng, đẩy lạm phát và thất nghiệp tăng cao. Nợ nước ngoài của Argentina hiện chiếm tới 90% GDP và 40% trong số 44 triệu dân của nước này đang sống trong đói nghèo. 

Tân Tổng thống Argentina Alberto Fernandez tuần trước cho hay cuộc khủng hoảng hiện nay nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng xảy ra vào năm 2001. Ông đã tuyên bố một loạt biện pháp khẩn cấp bao gồm tăng thuế đối với mua ngoại tệ, xuất khẩu nông nghiệp và xe hơi, thề sẽ đưa kinh tế Argentina trở lại bình ổn.

Dịch vụ rẻ nhất của nhà tang lễ Cocheria Tacuari là hoả táng với giá 25.000 peso (415 USD), cao gần gấp đôi mức lương tối thiểu 16.875 peso một tháng của người Argentina.

Các dịch vụ đắt đỏ hơn có thể lên tới 180.000 peso (3.000 USD) nhưng rất ít người quan tâm. “Gần 90% đề nghị hoả táng. Những người trẻ không muốn những ngôi mộ hay các hốc chứa hài cốt”, Tapia nói.

Ước tính của ông không khác những số liệu chính thức. Năm 2018, 78,5% người chết ở Buenos Aires được hoả táng, tỷ lệ cao nhất trong thập kỷ qua.

“Để thuê một hốc trong nghĩa trang, bạn phải trả một khoản tiền lớn hàng năm và nhiều người không muốn, không đủ khả năng làm điều đó, vì thế họ chọn hoả táng”, Tapia nói thêm.

Giá thuê hốc tại các nghĩa trang công cộng ở Buenos Aires, bao gồm phí bảo trì, là 400 – 2.000 peso (33 USD) một tháng. Ở các nghĩa trang tư nhân, mỗi vị trí có mức giá tối thiểu 55.000 peso (920 USD) với phí bảo trì hàng tháng từ 500 peso (hơn 8 USD). 

Trong khi đó, việc hoả táng không phát sinh những chi phí dài hạn. Vì thế, các thi thể thường được đưa thẳng từ bệnh viện đến đài hoả thiêu bằng những quan tài gỗ đơn giản.

Theo Jorge Bonacorsi, chủ tịch liên đoàn dịch vụ tang lễ Argentina, chi phí không phải là thứ duy nhất khiến người dân từ chối chôn cất kiểu truyền thống. Hoả táng cũng là xu thế đang gia tăng của toàn cầu.

Cách đây ba tháng, Patricia Alvarez, một phiên dịch viên và thợ trang điểm người Anh, quảng cáo trên mạng về một hốc giữ hài cốt mà gia đình cô đã mua ở nghĩa trang công cộng Chacarita tại Buenos Aires.

“Tôi đang bán nó vì giữ lại chẳng để làm gì”, cô nói. “Nó không tốn nhiều, 500 peso một tháng, nhưng dần dần, nó gây bực bội khi thêm vào một loạt chi phí khác mà tôi đang phải trả”.

Những hốc giữ hài cốt xuống cấp, lộ cả xương bên trong tại nghĩa trang Chacarita, Buenos Aires. Ảnh: AFP
Những hốc giữ hài cốt xuống cấp, lộ cả xương bên trong tại nghĩa trang Chacarita, Buenos Aires. Ảnh: AFP

Hốc giữ hài cốt của Alvarez vẫn còn tốt nhưng những hốc khác trong nghĩa trang đã xuống cấp, được dán thông báo yêu cầu chủ nhân hoặc người thuê “hãy đến gặp ban quản lý”.

Nhiều ngôi mộ bị bỏ hoang, cỏ mục um tùm. Có những hốc đã bị hư hỏng hoàn toàn, để lộ cả những mảnh xương bên trong.

Đứng cạnh mộ mẹ, đeo găng tay và cầm kéo cắt tỉa, Maria quyết định ngừng trả phí bảo trì cho nghĩa trang.

“Tôi không nghĩ mình sẽ trả thêm 1.500 peso một tháng nữa để cắt cỏ, nhiều quá rồi!”, cô nói. “Với số tiền này, tốt nhất là tôi tự đến làm”.

Anh Ngọc (Theo AFP) – Vnexpress