Tại ngôi nhà thuê thuộc khu dân cư cao cấp ở Tokyo, Nhật Bản vào một ngày tháng 12/2019, cựu chủ tịch tập đoàn Nissan Carlos Ghosn thảo luận với John Lesher, nhà sản xuất phim Hollywood từng đoạt giải Oscar danh giá với bộ phim “Birdman” về một bộ phim kể lại cuộc đời ông, người đã vươn lên thành một ông trùm ngành ôtô tầm cỡ quốc tế, cũng như cuộc chiến của ông với “áp bức chính trị”.
Ông trùm ngành công nghiệp ôtô một thời cho rằng mình đang bị giới chức Nhật giam cầm một cách bất công và phải đấu tranh để chứng minh sự vô tội, nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay.
Chủ đề “kịch bản” mà Ghosn đưa ra với Lesher là sự chuộc lỗi, với “nhân vật phản diện” là hệ thống tư pháp Nhật Bản. Nguồn tin cho biết cuộc trò chuyện này không đi quá sâu vào các vấn đề. Tuy nhiên, không ai ngờ rằng Ghosn đang chuẩn bị thực hiện một kế hoạch khiến tất cả phải bàng hoàng.
Cựu chủ tịch Nissan, người sắp đối mặt với một phiên tòa vào tháng 4 do bị cáo buộc khai man thu nhập và tư lợi, đã đào tẩu khỏi Nhật và nhập cảnh Lebanon hôm 30/12, bất chấp việc ông bị giám sát chặt chẽ ở Tokyo chờ ngày ra tòa. “Tôi sẽ không còn bị hệ thống tư pháp Nhật Bản lừa đảo giữ làm con tin nữa. Đó là một hệ thống gán tội, phân biệt đối xử và từ chối các quyền cơ bản của con người”, Ghosn cho biết hôm 31/12.
Theo bình luận viên Ben Dooley của NY Times, cuộc đào tẩu của cựu chủ tịch Nissan hội tụ tất cả yếu tố của một bộ phim mang phong cách Hollywood, gồm một máy bay tư nhân đưa “nhân vật chính” chạy trốn, nhiều cuốn hộ chiếu, những tin đồn về các thế lực mờ ám và lời phủ nhận liên quan của những người có quyền lực.
Ghosn xuất cảnh từ thành phố Osaka, Nhật Bản vào tối 29/12 bằng máy bay riêng, quá cảnh tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đến Beirut, Lebanon vào rạng sáng ngày 30/12 và đoàn tụ với vợ Carole. Ngay cả phi công cũng không biết Ghosn có mặt trên máy bay.
Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã bắt 7 người, gồm 4 phi công để điều tra sự việc. Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) cũng gửi thông báo đỏ cho Lebanon, yêu cầu bắt cựu chủ tịch Nissan, người mang ba quốc tịch Pháp, Lebanon và Brazil.
Giới chức Nhật tiếp tục im lặng và nỗ lực tìm kiếm câu trả lời về vụ đào tẩu. Đội ngũ luật sư của Ghosn cho biết họ đang giữ cả ba cuốn hộ chiếu của ông, nhưng các nguồn tin giấu tên tiết lộ một thẩm phán đã cho phép Ghosn mang theo một bản sao hộ chiếu Pháp.
Hiện chưa rõ chính xác từ khi nào Ghosn bắt đầu lên kế hoạch bỏ trốn. Tuy nhiên, ông được cho là đã suy ngẫm về cách kết thúc “cuộc chiến” với hệ thống tư pháp Nhật Bản trong những tháng cuối cùng ở Tokyo, khi sắp xếp buổi trò chuyện với nhà sản xuất phim Lesher và vài người khác. Nguồn tin cho biết trong các cuộc thảo luận, Ghosn tự hỏi rằng liệu “một bộ phim” có thể khiến ông được cảm thông hơn không.
Ghosn muốn tìm hiểu cách những người có hoàn cảnh tương tự ông chống trả, ngay cả khi họ thất bại. Hồi tháng 7, ông đã gặp Jake Adelstein, một nhà báo Mỹ phụ trách các bài viết về hệ thống tư pháp hình sự Nhật Bản, để thảo luận về triển vọng trong phiên tòa của mình.
Adelstein gần đây xuất bản một cuốn sách về Mark Karpeles, cựu giám đốc điều hành của sàn giao dịch tiền điện tử Mt. Gox, người đã trải qua hơn 5 năm đối phó với hệ thống pháp lý của Nhật Bản sau khi bị buộc tội làm sai lệch dữ liệu, biển thủ và gây mất lòng tin. Hồi tháng 3, Karpeles bị tuyên có tội với cáo buộc đầu tiên và nhận bản án hai năm rưỡi tù treo.
Nhà báo Mỹ cho biết Ghosn dồn dập hỏi ông về vụ xử cựu CEO người Pháp, cố tìm kiếm sự tương đồng với trường hợp của bản thân và tìm hiểu cách tiếp cận của các công tố viên Nhật. “Tôi bảo ông ấy rằng họ không hề quan tâm đến tư pháp mà chỉ muốn chiến thắng”, Adelstein kể lại.
“Tù treo là phán quyết tốt nhất mà ông ấy có thể nhận được”, nhà báo nói thêm, cảnh báo rằng trong trường hợp xấu nhất, cựu chủ tịch Nissan có thể bị mắc kẹt ở Nhật Bản trong suốt quãng đời còn lại. Nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết Ghosn đã bị thuyết phục rằng ông không bao giờ được xét xử công bằng tại Nhật Bản, nơi có tỷ lệ kết án lên tới 99%.
Ghosn còn tìm cách gặp Takafumi Horie, doanh nhân từng bị kết án hai năm rưỡi tù giam do vi phạm luật chứng khoán. Trong video đăng trên YouTube hôm 31/12, Horie cho biết Ghosn hẹn gặp ông hồi đầu tháng 1/2020 thông qua bên thứ ba. “Ông ấy muốn tham khảo ý kiến của tôi, nhưng không may bữa tối của chúng tôi đã bị hủy”, Horie nói.
Những diễn biến này làm dấy lên nghi ngờ về cách Nhật Bản xử lý vụ án của Ghosn. Ông bị bắt tại Tokyo hồi tháng 11/2018 và bị Nissan sa thải, do khai lương thấp hơn thực tế và chuyển 5 triệu USD từ quỹ của tập đoàn vào một tài khoản sinh lời cá nhân. Ghosn mất tổng cộng 13,8 triệu USD tiền bảo lãnh để được tại ngoại.
Cựu chủ tịch Nissan và các luật sư bào chữa cho ông cáo buộc vụ bắt là âm mưu lật đổ của các thế lực trong tập đoàn, nhằm ngăn ông dàn xếp vụ sáp nhập hãng ôtô Renault của Pháp với Nissan, một trong những “viên ngọc quý” của ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản.
Trước khi được tại ngoại, Ghosn phải đơn độc đối mặt với các cuộc thẩm vấn của công tố viên mà không có sự hiện diện của luật sư, khác với cách Mỹ và nhiều quốc gia khác đối xử với những lãnh đạo doanh nghiệp dính cáo buộc phạm tội về tài chính. Junichiro Hironaka, trưởng nhóm luật sư của Ghosn, đã dành nhiều tháng để lên án hệ thống tư pháp như “bắt con tin” của Nhật Bản, hòng lôi kéo dư luận.
Theo bình luận viên Dooley, bất kể sự thật về những cáo buộc chống lại Ghosn ra sao, cựu chủ tịch Nissan vẫn nhận thấy bản thân bị rơi vào thế bất lợi nghiêm trọng trước khi phiên tòa diễn ra. Ông từng bị bắt và truy tố 4 lần, bị giam và thẩm vấn liên tục trong hơn 130 ngày, tới khi tại ngoại vẫn bị cấm gần như toàn bộ hoạt động tương tác với con trai và vợ.
Các luật sư của Ghosn cáo buộc Nissan có mối liên hệ mật thiết với công tố viên Nhật Bản. Nhiều tài liệu nội bộ cũng cho thấy trong tập đoàn xuất hiện những lo ngại về xung đột lợi ích sâu sắc, có khả năng ảnh hưởng đến kết quả điều tra. Tuy nhiên, Nissan khẳng định quá trình điều tra được tiến hành đúng nguyên tắc. Văn phòng công tố Tokyo cũng phủ nhận những chỉ trích về cách đối xử với Ghosn.
Bất chấp những thách thức, Ghosn từng liên tục khẳng định sẽ chứng minh sự vô tội trước tòa và dành phần lớn thời gian thảo luận với Hironaka trong những tháng trước khi đào tẩu, các nguồn tin cho hay. Theo lời kể của hàng xóm, những lúc rảnh rỗi, Ghosn thường mua đồ ở khu chợ địa phương hoặc ăn bánh sừng bò tại quán cà phê Pháp yêu thích nơi góc phố. Các con gái của ông thường xuyên đến thăm, thậm chí cùng ông du lịch tới tận cố đô Kyoto.
Tuy nhiên, Ghosn, người từng dễ dàng tới bất cứ đâu trên thế giới, dường như không thể chịu đựng những hạn chế khi tại ngoại. Mọi hoạt động của ông đều bị camera giám sát ghi lại, việc sử dụng điện thoại bị hạn chế và ông cũng không được phép dùng Internet bên ngoài văn phòng luật sư. Những tháng gần đây, tòa án chỉ cho ông gọi hai cuộc điện thoại ngắn với vợ và cũng bị luật sư giám sát.
Nguồn tin cho biết thái độ của Ghosn đã thay đổi mạnh mẽ vào ngày Giáng sinh, khi tòa án từ chối yêu cầu được đón kỳ nghỉ lễ bên vợ của ông. Thay vào đó, ông phải tham gia buổi tranh luận giữa đội ngũ luật sư của mình với các công tố viên về những chi tiết của phiên tòa. Tại đây, Ghosn được biết vụ án có thể được xét xử theo từng giai đoạn và kéo dài nhiều năm, khiến ông cho rằng Nhật Bản có ý ép buộc ông nhận tội hoặc giữ chân ông vô thời hạn.
“Dựa trên hoàn cảnh của Ghosn, dường như quyết định đào tẩu của ông ấy xuất phát từ cảm giác tuyệt vọng“, Nobuo Gohara, một cựu công tố viên, nhận định. Ghosn và các luật sư đang xem xét chuyển vụ án sang cho Lebanon xét xử thay vì Nhật Bản, các nguồn tin cho hay.
Cựu chủ tịch Nissan có lẽ đang hy vọng “bộ phim” về cuộc đời ông sẽ nhận được cái kết có hậu tại Lebanon.
Ánh Ngọc (Theo NY Times) – Vnexpress