Luật sư cảm thông với cựu chủ tịch Nissan

Luật sư Takashi Takano tức giận nhưng cũng cảm thông với thân chủ Carlos Ghosn vì cho rằng hệ thống tư pháp Nhật khiến ông buộc phải chạy trốn.

“Ban đầu tôi rất tức giận, tôi cảm thấy bị phản bội”, luật sư của cựu chủ tịch Nissan Carlos Ghosn, Takashi Takano, hôm nay viết trên blog, khẳng định ông không được báo trước kế hoạch chạy trốn. 

Luật sư Takashi Takano tại Tokyo tháng 5/2019. Ảnh: AFP.
Luật sư Takashi Takano tại Tokyo tháng 5/2019. Ảnh: AFP.

“Nhưng nỗi tức giận đã chuyển sang một thứ cảm xúc khác khi tôi nhớ lại cách ông ấy bị hệ thống tư pháp nước ta đối xử”, Takano viết thêm. “Tôi có thể dễ dàng tưởng tượng rằng những người giàu có, quan hệ rộng khác có trải nghiệm như Ghosn thì họ sẽ làm điều tương tự hoặc ít nhất là xem xét làm như vậy”.

Nghi phạm ở Nhật có thể bị giữ trong vài tuần hoặc vài tháng trước khi xét xử, bị hạn chế tiếp cận luật sư và bị kết án trong khoảng 99% phiên tòa tại quốc gia này. Các nhóm nhân quyền như Tổ chức Ân xá Quốc tế chỉ trích hệ thống Nhật Bản “bắt nghi phạm làm con tin” nhằm khiến họ suy nhược tinh thần và buộc phải nhận tội.

Một luật sư khác của Ghosn, Junichiro Hironaka hôm nay cũng nói rằng các điều kiện tại ngoại hà khắc, đặc biệt là việc bị hạn chế tiếp xúc với vợ, dường như đã thúc đẩy tài phiệt này chạy trốn. “Ông ấy không biết khi nào có thể gặp vợ và không có khả năng thay đổi điều kiện tại ngoại”.

Tòa án ở Tokyo cấm Ghosn liên lạc với vợ, khiến đội ngũ luật sư của ông khiếu nại, mô tả biện pháp này là “tàn nhẫn”. Ông sau đó được phép nói chuyện với vợ qua cuộc gọi video nhưng không được gặp trực tiếp.

Ghosn, 65 tuổi, mang ba quốc tịch Pháp, Brazil và Lebanon. Ông bị giới chức Nhật bắt và bị Nissan sa thải vào tháng 11/2018 với cáo buộc khai man thu nhập và sử dụng sai mục đích tài sản của công ty. Ông được tại ngoại vào tháng 3/2019 nhưng bị bắt lại với cáo buộc chiếm dụng tiền của Nissan. Cuối tháng 4/2019, Ghosn nộp 8,9 triệu USD tiền bảo lãnh để được tại ngoại, nhưng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, gồm bị hệ thống camera ở bên ngoài nhà theo dõi 24/7, bị cấm ra nước ngoài và hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ.

Ghosn trốn khỏi nhà ở Tokyo, lên máy bay riêng từ sân bay Kansai ở tây Nhật Bản tới Istanbul rồi hạ cánh ở Beirut, thủ đô Lebanon ngày 30/12 và đoàn tụ với vợ. Một ngày sau, cựu chủ tịch Nissan ra tuyên bố nói rằng ông “không còn bị hệ thống tư pháp Nhật Bản lừa đảo giữ làm con tin nữa”.

Trong khi đó, truyền thông Nhật chỉ trích Ghosn là “hèn nhát”. Tờ Tokyo Shimbun viết rằng ông “vi phạm điều kiện tại ngoại và coi thường hệ thống tư pháp Nhật Bản”.

 Phương Vũ (Theo AFP) – Vnexpress