‘Giữ lửa’ nghề làm hương

Tết Nguyên đán sắp đến cũng là lúc những thợ làm hương tại tỉnh Phúc Kiến tất bật suốt đêm, phủ hương liệu và bột màu lên các que tre.

Đây là thời điểm vô cùng quan trọng trong năm đối với người dân huyện Vĩnh Xuân ở miền núi phía đông nam tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, nơi cung cấp phần lớn hương cho thế giới. Tết Nguyên đán cận kề đồng nghĩa với việc rất nhiều người ở Đông Á sẽ thắp hương trên bàn thờ tổ tiên và trong các đền chùa dịp năm mới âm lịch.

Thị trấn Đạt Bộ ở huyện Vĩnh Xuân là một trong những nơi có nghề làm hương từ lâu đời, trong đó có xưởng gia truyền do Hong Zhongsen điều hành. 

“Nghề làm hương rất quan trọng với gia đình tôi. Nó không chỉ là một công việc, mà còn nhằm bảo tồn nghề thủ công và văn hóa truyền thống”, người đàn ông 31 tuổi nói khi đứng giữa những dãy que hương màu sắc rực rỡ.

Một thợ làm hương tại nhà máy 
Một thợ làm hương ở thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Sự thịnh vượng của thị trấn gắn liền với thành phố Tuyền Châu gần đó. Đây là con đường chính để đưa hương xuất khẩu ra nước ngoài suốt nhiều thế kỷ. Các thương nhân Arab được cho là đã mang hương đến với huyện Vĩnh Xuân, nơi các loại hương liệu thơm mà họ nhập khẩu vào được kết hợp với tre tại địa phương.

Vĩnh Xuân giờ đây có khoảng 300 nhà sản xuất hương, với hơn 30.000 nhân công. Người dân địa phương cho biết cứ ba que hương được bán tại Đông Nam Á thì có một que làm tại huyện này.

Quy trình sản xuất bao gồm tới 18 công đoạn khác nhau. Các que tre được bọc hương liệu thơm, sau đó phủ bột màu tím đậm, đỏ và vàng. Công đoạn phức tạp này khiến những người thợ làm hương trông như bị nhúng vào đống bột màu.

Hương sau đó được đem phơi khô dưới nắng, công đoạn khiến nhiều người lao động lo lắng bởi thời tiết tại khu vực dễ thay đổi. “Tôi cảm thấy thật may mắn khi thời tiết bây giờ khá tốt”, Liu Xiuzhen, 57 tuổi, bày tỏ sự vui mừng.

Sau những điều chỉnh suốt ba thế hệ, gia đình của Hong đã tìm ra công thức bí truyền, giúp sản phẩm của họ trở nên nổi tiếng. Thêm vào đó, nhu cầu dùng hương ngày càng tăng tại Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, những nơi có cộng đồng người Hoa đông đảo, hay đất nước Phật giáo như Thái Lan.

Hong cho biết các lô hàng đến châu Âu cũng đang tăng lên. Số hương gia đình anh sản xuất tăng gấp 4 lần trong vòng 15 năm qua, lên tới hàng triệu que hương mỗi ngày, đòi hỏi phải thúc đẩy tự động hóa để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, Hong vẫn thực hiện một số bước như nhuộm và sấy khô bằng phương pháp thủ công gia truyền để đảm bảo chất lượng.

“Hương Vĩnh Xuân là sản phẩm độc nhất, với mùi hương và kết cấu đặc biệt, tạo nên một thứ nghệ thuật đẹp đẽ. Một chút khác biệt trong sản xuất có thể thay đổi chất lượng tổng thể”, Hong cho hay, nói thêm rằng mỗi ngôi làng ở Vĩnh Xuân và Tuyền Châu đều có ít nhất một ngôi chùa Phật giáo.

“Hương dùng để bày tỏ lòng tôn kính với Đức Phật vẫn là sản phẩm chính của chúng tôi, bởi đây là di sản của tổ tiên”, Hong nói.

Ánh Ngọc (Theo AFP) – Vnexpress