Ngày 27/12, tại vườn giống macca ở xã Dlie Ya, huyện Krông Năng, Hiệp hội macca Việt Nam tổ chức hội thảo Phát triển và nâng cao chất lượng cây giống macca.
Mở đầu, bà Đào Thị Lan Hoa, Viện khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, macca là cây trồng mới, thích hợp với sự phát triển ở một số địa phương trên địa bàn Tây Nguyên. Trên địa bàn tỉnh hiện ước tính có 750 ha, trong đó diện tích trồng xen canh cây cà phê chiếm đa số khoảng 600 ha, còn lại diện tích trồng thuần.
Phân bố ở các huyện Ea H’leo, Ea Kar, Krông Bông, Krông Păk, Krông, TP Buôn Ma Thuột…riêng huyện Krông Năng chiếm 300 ha. Đăk Lăk có điều kiện khí hậu sinh thái phù hợp, cây macca được xem là loài dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năng suất quả tươi bình quân hàng năm đạt 2,5 – 3 tấn mỗi ha.
Do nhu cầu trong nước và quốc tế gia tăng, nên giá macca khá cao (trên 100.000 đồng một kg) và ổn định trong những năm gần đây. Tiềm năng phát triển đến 2030 tại khu vực Tây Nguyên là 2.200 ha trông thuần, 24.250 ha trồng xen canh.
Để có diện tích trên, phải có cây giống khi xuất vườn đạt tiêu chuẩn sinh trưởng và phát triển tốt. Gần 20 năm qua, Viện khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên là đơn vị trực tiếp nghiên cứu, thu thập, đánh giá nguồn gen, chọn tạo, nhân giống…
Trong năm nay, tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu, xác định được 22 loài sâu bệnh hại cây macca trong vườn ươm, chủ yếu xuất hiện trong giai đoạn cây thực sinh (trước khi ghép).
Trong đó hai loài bọ xít muỗi, bọ trĩ là nguy hại nhất. Để phòng trừ những loại sâu gây hại chính cần bón phân đầy đủ, cân đối theo giai đoạn sinh trưởng; tưới nước bằng hệ thống phun mưa phù hợp và bổ sung các vi sinh vật có lợi, cân bằng hệ vi sinh cho đất.
Bà Hoa đề nghị, cơ quan chuyên trách phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá định kỳ để cây giống cung cấp cho người dân đảm bảo chất lượng, có khả năng chống chịu được sâu bệnh hại trong điều kiện biến đổi khí hậu.
“Khi thấy cây trồng có biểu hiện sâu bệnh, thì người dân có thể trực tiếp gọi điện hoặc chụp hình cây trồng gửi qua facebook, zalo cho tôi, tôi sẽ hướng dẫn bà con cách phòng trừ”, bà Hoa khẳng định.
Ông Dương Minh Tâm, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Dương Gia Đăk Lăk đánh giá, khâu chọn giống rất quan trọng, chiếm đến 90 % thành công. Bước đầu tiên hạt giống không bị non và tránh vấn đề hạt bị nấm bệnh. Hạt gieo mầm từ 10 – 12 tháng xong cắt ghéo với cây hom (đầu dòng, năng suất cao) và 18 tháng sau có thể cung cấp giống cho người dân. Ưu điểm của cây macca cắt ghép là ba năm đã cho thu bói, giảm một nửa thời gian so với cây thực sinh; sản lượng trái trên 90%.
Ông Tâm cho biết, để đảm bảo cây giống cho người dân, hiện nay các đơn vị cắt ghép giống macca phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn có rất nhiều nhà vườn cắt ghép không đảm bảo chất lượng, giá thành rẻ, không có sự kiểm định của cơ quan chức năng nên nông dân dễ gặp rủi ro.
“Tại sao người dân không chịu bỏ thêm 10.000 – 20.000 để có những cây ghép đảm bảo, tránh hậu quả cây không ra trái hoặc năng suất thấp. Đỡ tốn thời gian, công sức và tiền bạc”, ông Tâm, cho hay.
Cuối buổi, nông dân trẻ Nguyễn Năng Quân, ở xã Ea Toh, huyện Krông Năng tỏ ra khá rụt rè trước gần 100 người là các nhà khoa học, doanh nghiệp, cá nhân…. Anh thật thà kể, hơn 10 năm trước, gia đình trồng hơn 2 ha cà phê và tiêu. Đến lúc chuẩn bị thu hoạch, cây tiêu chết dần, giá cà phê cũng bấp bênh. Được sự giới thiệu của người bạn, năm 2011, anh quyết định vay mượn gần 30 triệu đồng, mua 300 cây giống macca (70 ngàn đồng/cây) ở trong huyện.
Tuy nhiên, sau ba năm vườn macca của anh chỉ có 12 cây ra quả, số còn lại vẫn ra hoa rất nhiều nhưng không đậu quả. Suốt tám năm qua, anh chỉ thu được 700 kg hạt.
“Tôi khuyên bà con nên tìm đến những vườn nhân giống có uy tín, đừng ham rẻ mà mua phải những cây giống không đảm bảo chất lượng. Đến lúc thu hoạch cây không cho quả lại hối hận không kịp”, anh Quân nói và cho biết, những cây không ra quả anh đã chặt bỏ, dự định sắp tới sẽ mua thêm cây giống macca để trồng thay thế.
Theo thống kê của Cục Hải quan, tổng sản lượng macca nhập khẩu vào Việt Nam năm 2019 khoảng 29.000 tấn. Trong đó, 26.000 tấn tạm nhập tái xuất chủ yếu thông qua đường biển ở hai cảng Hải Phòng và Cát Lái, còn lại lưu lượng dịch chuyển với nhiều hình thức khác nhau tại Việt Nam.
Tổng sản lượng macca có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam khoảng 600 – 650 tấn, 10 -15 % được thu mua làm giống, trong năm nay. Thị trường tiêu thụ nội địa tập trung ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc…
Trần Hóa – Vnexpress