Đóng cửa bãi rác Đa Phước sau 5 năm

Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, sẽ đầy công suất thiết kế và bị đóng cửa năm 2024.

Thông tin được ông Nguyễn Toàn Thắng nói tại buổi họp báo chiều 3/1, khi trả lời VnExpress về việc xử lý mùi hôi từ bãi rác Đa Phước.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng. Ảnh: Hữu Nguyên
Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng. Ảnh: Hữu Nguyên.

Bãi rác lớn nhất thành phố đang xử lý khoảng 5.000 tấn rác mỗi ngày bằng công nghệ chôn lấp, do thành phố ký hợp đồng với Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS). Hiện, rác đã vượt độ cao quy chuẩn nên mùi hôi phát tán ra xung quanh vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa khô sang mùa mưa và khi thay đổi hướng gió.

Đơn vị xử lý đang dùng nhiều biện pháp để hạn chế mùi hôi như phun xịt chất khử mùi, sử dụng cánh quạt có hơi nước đẩy mùi; làm các nhà kính ở các ô đang chôn lấp rác… Việc xử lý được giám sát bởi Ban quản lý các khu xử lý chất thải rắn thành phố. 

Theo ông Thắng, việc chọn công nghệ chôn lấp là do thành phố trước đây quyết định. Lúc đó bãi rác cũng được đặt ở xa thành phố, nhưng sau này các khu dân cư mọc lên nhiều nên bị ảnh hưởng mùi hôi.

Núi rác Đa Phước hiện đã cao 27 mét. Ảnh: Hữu Nguyên
Núi rác Đa Phước hiện đã cao 27 mét. Ảnh: Hữu Nguyên.

Khu xử lý rác Đa Phước có tổng diện tích 600 ha, trong đó khu lõi bố trí các đơn vị xử lý rác khoảng 300 ha, diện tích còn lại được quy hoạch trồng cây xanh để hạn chế mùi hôi. Công tác giải phóng mặt bằng đang được triển khai để có quỹ đất trồng cây xanh. Do khâu bồi thường có nhiều vướng mắc nên bị chậm tiến độ. Việc này cũng khiến mùi hôi từ các khu xử lý rác bên trong bị lan tỏa nhiều hơn.

“VWS đã xử lý rác cho thành phố trong một thời gian dài, nhưng thời điểm này công nghệ chôn lấp không còn phù hợp, phải được điều chỉnh theo lộ trình. Nếu nói không bức xúc trước mùi hôi thì rất vô cảm, nhưng thành phố đang cố gắng giải quyết những vấn đề lịch sử để lại”, ông Thắng nói. 

Ngoài ra, thành phố cũng vừa khởi công 2 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện ở huyện Củ Chi.

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nằm tại xã Đa Phước (huyện Bình Chánh) trên diện tích 128 ha, tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD. Giai đoạn 1 của dự án (tổng vốn hơn 32 triệu USD) được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2007.

Bãi rác Đa Phước là nguyên nhân gây mùi hôi thối khiến cả khu Nam Sài Gòn (quận 7, 8 và huyện Nhà Bè) bị ảnh hưởng trong thời gian dài. Tháng 9/2016, thành phố cam kết cùng doanh nghiệp xử lý nhưng hơn 3 năm qua mùi hôi nồng nặc vẫn tấn công người dân, gây bức xúc.

Hữu Nguyên – Vnexpress