Tân á khoa mê trí tuệ nhân tạo

Hoàng Trung Hiếu, 23 tuổi, sinh viên duy nhất được chọn là Công dân trẻ tiêu biểu với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI).

Hiếu là một trong 8 sinh viên được UBND TP HCM trao bằng khen với thành tích xuất sắc, đạt nhiều giải thưởng trong lĩnh vực AI cuối tháng 12/2019. Cậu đồng thời tốt nghiệp á khoa chương trình cử nhân tài năng khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM). “Những phần thưởng này là động lực cho các dự định sắp tới của em”, Hiếu nói.

Quê Nha Trang (Khánh Hoà), Hiếu từ nhỏ đã ham mê đồ công nghệ. Cậu thích lắp ráp mô hình ôtô, thích tháo các phụ kiện máy móc rồi lắp lại như cũ.

Được tiếp xúc máy tính từ khá sớm, Hiếu hứng thú ngay với “cỗ máy” này, hằng ngày mày mò tìm tòi cách sử dụng. Đến năm học cấp hai, khi được ba mẹ cho đi học lớp tin học ở đầu ngõ, cậu bắt đầu có những khái niệm đầu tiên về lập trình. Hiếu dần hiểu rằng, không gì có thể mang lại sản phẩm nhanh chóng, ít tốn tiền bạc, nhân lực bằng chiếc máy tính và kiến thức về lập trình.

Hoàng Trung Hiếu tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh: Mạnh Tùng.
Hoàng Trung Hiếu tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh: Mạnh Tùng.

Hiếu tham gia đội tuyển Tin học bậc THCS đi thi tỉnh, sau đó đậu vào lớp chuyên Tin trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Từ một người rụt rè ít nói, cậu được gặp những người thầy tốt ở trường chuyên, hướng cho cậu vào các cuộc thi khoa học máy tính, sân chơi công nghệ thông tin. Gặp gỡ và làm việc chung với nhiều người, Hiếu thêm sự mạnh dạn.

Hai năm cuối cấp, cậu liên tiếp đạt giải ba và nhì cuộc thi Khoa học máy tính quốc gia, giải ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia cho học sinh trung học, nhờ đó được tuyển vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên. “Đó là kỷ niệm đáng nhớ cũng như là dấu mốc để em chọn và gắn bó với khoa học máy tính sau này”, Hiếu kể.

Bước vào giảng đường đại học, Hiếu say mê nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Trường mới như một hệ sinh thái với những người thầy rất giỏi, những bạn học và những tiền bối tài năng. Họ giúp cậu nhiều về ý tưởng, tham gia hỗ trợ nhiều công đoạn trong nghiên cứu khoa học.

Năm nhất, Hiếu giành giải nhì cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo lần thứ hai, tiếp đó hoàn thành chương trình “Hạt giống viễn thông tương lai” tổ chức tại Đại học Huawei (Trung Quốc).

Đặc biệt với niềm say mê nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Hiếu tham gia thực hiện 7 bài báo khoa học, trong đó có 4 bài cậu là tác giả chính được đăng tại các Hội nghị khoa học máy tính quốc tế. Riêng năm 2019, Hiếu bội thu báo cáo khoa học khi có ba công trình được chọn công bố trong các hội nghị hàng đầu thế giới.

Nghiên cứu đề xuất phương pháp mới trong phân loại ảnh nội soi đường ruột, hệ thống giúp sàng lọc và phát hiện các bệnh thường gặp, các điểm giải phẫu trong ảnh nội soi và hỗ trợ đưa ra đề xuất các hình ảnh có nguy cơ cao cho bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh được công bố tại hội nghị ACM Multimedia tại Pháp. Hệ thống này giúp bác sĩ làm việc hiệu quả hơn, tăng số bệnh nhân được điều tra.

“Đây là sản phẩm em tâm đắc nhất vì gần với hướng nghiên cứu chính em theo đuổi, cũng là một phần trong khoá luận tốt nghiệp đại học”, nam sinh cho biết.

Hiếu còn đề xuất phương pháp mới xử lý hình ảnh camera giao thông phục vụ thành phố thông minh, cụ thể ở bài toán tái định danh phương tiện giao thông và phát hiện sự kiện bất thường trong video giám sát giao thông. Ngoài ra, tân á khoa còn có một bài báo khoa học đề xuất phương pháp phân đoạn đối tượng trong video, cho phép tách tự động các phương tiện giao thông, người, đồ vật… từ video. Hai nghiên cứu này được công bố tại trong hội nghị CVPR, sự kiện tầm nhìn máy tính hàng năm được tổ chức tại Mỹ.

Cũng trong năm ngoái, Hiếu được tham dự chương trình thực tập đại học bang Illinois (Mỹ) với dự án về số hóa và phân tích các bệnh về thần kinh từ camera 3D và cảm biến gia tốc.

Những lần tham gia báo cáo khoa học quốc tế giúp cậu học hỏi nhiều về tác phong làm việc từ các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, sinh viên quốc tế. Cậu tự tin sinh viên Việt Nam không thua họ về trình độ lập trình, tư duy nghiên cứu nhưng sự năng động, tự tin và khả năng ngoại ngữ thì chưa bằng. “Làm việc trong môi trường đó phải nói chuyện với rất nhiều người, phải chuyên nghiệp và nỗ lực hơn rất nhiều”, Hiếu chia sẻ kinh nghiệm.

Hiếu (thứ hai trừ phải qua) là đại điện sinh viên tiêu biểu trong nghiên cứu AI gặp gỡ lãnh đạo TP HCM tháng 12/2019. Ảnh: Nhật Linh
Hiếu (thứ hai trừ phải qua) là đại điện sinh viên tiêu biểu trong nghiên cứu AI gặp gỡ lãnh đạo TP HCM tháng 12/2019. Ảnh: Nhật Linh

Ngoài việc học, suốt bốn năm đại học, Hiếu có sở thích “săn” các chuyến giao lưu sinh viên quốc tế. Nhờ đó, cậu được đi “du lịch” miễn phí đến Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore.

Tân á khoa chia sẻ, hướng nghiên cứu chuyên sâu trong tương lai của cậu là xử lý hình ảnh y khoa bằng AI. Hiếu đang bận rộn một số dự án dở dang tại phòng nghiên cứu ở Đại học Khoa học Tự nhiên, đồng thời “săn” học bổng tiến sĩ ngành AI tại một số đại học quốc tế. Cậu mong muốn TP HCM tạo môi trường, cơ chế hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này, có thể mạnh dạn đặt ra đầu bài cho sinh viên nghiên cứu sát với nhu cầu thực tế.

“Em rất thích quan điểm về ý nghĩa của đam mê và thành công trong một bộ phim nổi tiếng, rằng hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn. Em nghĩ với bạn trẻ, đam mê chính là động lực quan trọng nhất, dẫn họ trên con đường phát triển bản thân”, Hiếu quan niệm.