Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long được khánh thành tháng 5/2000, sau ba năm xây dựng, xóa cảnh lụy phà, rút ngắn thời gian về Sài Gòn. Ngày cầu thông xe là ngày hội lớn đối với hơn 16 triệu dân miền Tây. Người dân khắp nơi cũng đổ về tham quan công trình “chưa từng có” ở vùng sông nước. Đây là cầu văng dây đầu tiên tại Việt Nam và có kiểu dáng kiến trúc độc đáo, hiện đại, lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Công trình dài 1,5 km, rộng gần 24 m, độ cao thông thuyền 37,5 m, nằm trên quốc lộ 1A – trục giao thông chính về Đồng bằng sông Cửu Long, cách TP HCM 125 km về hướng Tây Nam. Tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Australia tài trợ 66% và phía Việt Nam là 34%. Quá trình thi công cũng ghi dấu sự hợp tác giữa các chuyên gia, kỹ sư và công nhân của hai nước.
Trước đó, năm 1950, Mỹ từng có ý định xây dựng cầu vượt sông Tiền nhưng thất bại. Giữa thập niên 1960, một công ty của Nhật Bản đã hoàn thành thiết kế đồ án và được lựa chọn nhưng dự án bị hủy do khó khăn về tài chính.
Sau 20 năm sử dụng, với dân số vùng tăng lên gần 22 triệu (hơn 1/5 cả nước) hiện nay, mật độ giao thông trên tuyến quốc lộ 1 ngày càng cao, khiến cây cầu “biểu tượng” một thời của miền Tây thường bị tắc nghẽn mỗi dịp lễ, Tết. Quý 1 năm nay, cầu Mỹ Thuận 2 với vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng sẽ được khởi công, dự kiến hoàn thành sau ba năm.
Cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, được thông xe 11 năm trước, trong niềm vui vỡ òa của hàng triệu người dân ốc đảo xứ dừa – quê hương Đồng Khởi.
Cầu dài 8,3 km bao gồm cả đường dẫn (phần cầu chính dài hơn 2,8 km), rộng 12 -15 m, nằm trên quốc lộ 60, vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng (trong đó 58% vốn ngân sách nhà nước và 42% BOT). Chiều cao thông thuyền 37,5 m, đảm bảo cho tàu có tải trọng 10.000 tấn đi qua. Đây là cầu dây văng đầu tiên do các kỹ sư trong nước thiết kế, xây dựng.
Công trình có vai trò quan trọng để các địa phương trên tuyến giao thông hành lang phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long phát triển, xóa thế độc đạo của quốc lộ 1A. Người dân từ Trà Vinh, Sóc Trăng đi theo quốc lộ 60, qua cầu Rạch Miễu đến TP HCM được rút ngắn quãng đường 60-70 km, nhanh hơn 1,5-2 tiếng.
Sau hơn mười năm đưa vào sử dụng, do cầu hẹp, lưu lượng xe lớn từ các tỉnh miền Tây đổ về đã khiến cầu trở thành điểm nóng kẹt xe. Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Bến Tre đang khẩn trương xúc tiến dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2, vốn đầu tư dự kiến gần 5.000 tỷ đồng,
Cầu Cần Thơ nối hai bờ sông Hậu, được xây dựng cách phà 3 km, là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á (550 m). Toàn bộ công trình dài 15 km, riêng cầu chính dài 2,7 km, rộng 23 m, độ tĩnh không thông thuyền 39 m. Cầu được đầu tư hơn 4.830 tỷ đồng từ nguồn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam.
Dự án được khởi công tháng 9/2004 và hoàn thành sau 6 năm. Từ đây, tuyến quốc lộ 1A – con đường Thiên lý từ ải Nam Quan tới xứ Cà Mau liền mạch. Cầu đã rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, hành khách đi lại miền Tây với TP HCM. Thời gian các xe từ các tỉnh, thành Nam sông Hậu về TP HCM được rút ngắn 30-40%.
Hiện các tuyến quốc lộ 1A, 91, 91B, 61C, đường Nam sông Hậu đều kết nối với cầu Cần Thơ để đi các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Từ đó, hệ thống giao thông đường bộ liên hoàn được hình thành gồm các trục ngang kết nối với các trục dọc quốc gia và các tuyến giao thông liên vùng.
Quá trình thi công cầu Cần Thơ để lại sự cố cầu đường nghiêm trọng nhất Việt Nam. Sáng 26/9/2007, hai đoạn nhịp dẫn phía bờ Vĩnh Long dài khoảng 87 m, rộng 24 m, cao 30 m vừa đổ bêtông bất ngờ sập làm chết 55 công nhân, 80 người bị thương.
Trước đó, những năm 1967-1968, người Mỹ từng tiến hành điều tra và lập các phương án, kế hoạch chi tiết để thiết kế cầu Cần Thơ vượt sông sông Hậu. Nhưng sau đó công trình không thực hiện được.
Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, nối thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8 km và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35 km.
Cầu dài hơn 2 km, phần chính là dây văng, nhịp chính dài 350 m, dầm bêtông cốt thép dự ứng lực, trụ tháp hình chữ H cao hơn 123 m. Mặt cầu rộng 24,5 m gồm bốn làn ôtô và hai làn xe thô sơ. Công trình hơn 3.000 tỷ đồng đưa vào khai thác cuối tháng 5/2018, sau gần 5 năm thi công, giúp phà Cao Lãnh cũng hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” sau gần 100 năm hoạt động.
Công trình thứ ba bắc qua sông Tiền đáp ứng mong mỏi bao đời của người dân Đồng Tháp và miền Tây. Khoảng cách từ Kiên Giang, An Giang về TP HCM rút ngắn hàng chục km, tiết kiệm gần hai tiếng.
“Cả trăm năm qua, người dân nơi đây mong mỏi có cây cầu này, nay được thành hiện thực. Chúng tôi rất mừng, mong chờ ngày khánh thành để được đi trên cầu này cho thỏa lòng mong ước”, ông Trần Ngọc Thành (62 tuổi, nhà ở sát chân cầu Cao Lãnh) phấn khởi nói trong ngày cầu thông xe.
Cầu Vàm Cống được thông xe ngày 19/5/2019, sau 6 năm thi công. Công trình 5.700 tỷ đồng nối quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Đây là cầu thứ hai bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ.
Công trình dài 2,97 km, được thiết kế dây văng, nhịp chính dài 450 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m, hai trụ tháp cao hơn 143 m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5 m bao gồm 4 làn ôtô và 2 làn xe máy tách biệt. Đường dẫn vào cầu rộng 20,6 m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Cầu Vàm Cống khởi công ngày 10/9/2013, hợp long 29/9/2017, dự kiến thông xe cuối năm 2017. Tuy nhiên, ngày 4/11/2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29, các đơn vị tư vấn và nhà thầu phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt. Quá trình khắc phục hơn một năm mới hoàn tất, được hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá đủ điều kiện đưa vào sử dụng.
Cầu Vàm Cống khánh thành giúp thông tuyến N2 – góp phần thông suốt tuyến vận tải từ Bình Phước, Bình Dương và TP HCM về đến tận Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và tận mũi Cà Mau mà không phải qua quốc lộ 1A.
Cửu Long – Vnexpress