Vấn đề duyệt phim điện ảnh nói chung, cụ thể là trường hợp phim Ròm (Trần Thanh Huy đạo diễn), được truyền thông quan tâm ở họp báo tổng kết quý bốn năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hà Nội.
Đại diện Cục không cho biết về thời gian cụ thể đưa ra kết quả thẩm định mới. Trước đó, tác phẩm của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy bị phạt 40 triệu đồng với lý do tự ý tham gia Liên hoan phim Quốc tế Busan và bị yêu cầu tiêu hủy tang vật (bản phim gửi tham gia liên hoan).
Ngày 4/9/2019, Công ty Cổ phần Sản xuất Phim Hoan Khuê (HKFilm) – đơn vị thực hiện phim Ròm – xin cấp giấy phép phổ biến. Đến ngày 11/9, hội đồng mới thẩm định và đánh giá nội dung tác phẩm nhưng trước đó, công ty đã gửi tác phẩm đến Liên hoan phim Quốc tế Busan ở Hàn Quốc. Theo Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2009, tác phẩm dự thi phải có giấy phép phổ biến (tức đã qua kiểm duyệt) của cơ quan quản lý Nhà nước hoặc có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh – truyền hình. Dù thi “chui”, ngày 12/10, tác phẩm đoạt giải cao nhất tại LHP Busan, đồng nhận giải với phim Haifa Street (của Iraq và Qatar).
Ông Nguyễn Thái Bình – Chánh văn phòng Bộ – nói: “Trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện Luật Điện ảnh cho phù hợp tình hình thực tiễn, Bộ sẽ tham mưu để có những quy định xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với những hành vi cố tình vi phạm pháp luật như trường hợp phim Ròm. Chúng ta cần lên tiếng mạnh mẽ, tạo áp lực, cảnh tỉnh các đơn vị sản xuất để họ có định hướng, hành động đúng đắn, tuân thủ quy định”.
Chuyện cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam cũng được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, đại diện Bộ không có câu trả lời rõ ràng. Ông Nguyễn Thái Bình nói: “Hãng phim đã cổ phần hóa, hoạt động theo luật doanh nghiệp. Hiện giờ chúng tôi chưa nhận được báo cáo nào từ đơn vị. Bộ đang tập trung thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, giải quyết dứt điểm việc Vivaso thoái vốn khỏi hãng. Sau khi hoàn tất, chúng tôi sẽ xử lý các cá nhân liên quan đến sai phạm trong quá trình cổ phần hóa và báo cáo”.
Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị vào tháng 6 cùng năm. Hãng hiện mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Tháng 9/2018, thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa hãng có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp. Sau kết quả này, công ty vận tải thủy Vivaso – đơn vị giữ 65% cổ phần hãng phim – xin thoái vốn. Một năm qua, nghệ sĩ hãng nhiều lần căng băng rôn yêu cầu cơ quan chức năng sớm giải quyết vấn đề bị cắt lương, bảo hiểm, đồng thời yêu cầu Vivaso rút vốn khỏi hãng.
Trong buổi họp, cơ quan lãnh đạo cũng tổ chức bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2019. Trong đó, lĩnh vực văn hóa có một số hoạt động nổi bật như: ban hành Luật thư viện 2019, công diễn vở Hồ Thiên Nga do nghệ sĩ Việt biểu diễn, tôn vinh 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương, thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Hà Thu – Vnexpress