Trúc Anh: ‘Tôi chủ động trong tình yêu’

Trúc Anh – Hà Lan của “Mắt biếc” – thích mẫu đàn ông trầm tính, hiền lành giống Ngạn nhưng cũng chê sự nhút nhát của nhân vật.

– Đóng chính phim “Mắt biếc”, chị thấy bản thân tương đồng, khác biệt với nhân vật Hà Lan ra sao?

– Hà Lan và tôi giống nhau khoảng 70-80%. Tôi cũng trầm tính, ít khi bày tỏ quan điểm trực tiếp với người khác. Chúng tôi còn giống nhau ở chỗ rất chắc chắn về tình cảm của mình. Nếu đã yêu, tôi sẽ yêu lâu và khó quên người kia. Nhưng nếu không yêu, tôi sẽ không cho anh ấy cơ hội. Điểm khác là tôi không thích mẫu “bad boy” (trai hư) như kiểu nhân vật Dũng. Nếu nhận ra người mình yêu không tốt, lăng nhăng, tôi sẽ nhanh chóng rời khỏi mối quan hệ chứ không lưu luyến như nhân vật mình đóng.

Mắt biếc tung trailer chính
Trailer “Mắt biếc”.

– Mẫu chàng trai nào thu hút chị?

– Tôi thích bạn trai hiền lành, trầm tính, chung thủy, có duyên, quan tâm đến tôi, có thể làm tôi cười, không cần quá đẹp trai. Hình mẫu này có một số nét giống Ngạn nhưng tôi lại không thích sự nhút nhát của anh ấy. Tính cách đó rất dễ gây tổn thương cho người con gái của họ.

Về phần mình, tôi rất chủ động trong tình cảm, một phần vì con trai ít khi tiếp cận tôi do cứ nghĩ tôi có người yêu rồi (cười). Nếu đã thấy người hợp, tôi sẽ chủ động “tấn công” luôn vì với tôi, tình cảm không nên vòng vo. Nhưng ở tuổi 21, tôi chưa từng yêu sâu đậm, cũng chưa thể tự nhận là hiểu rõ về tình yêu. Với những người đã quen, tôi chỉ dám nói là chúng tôi trên mức tình bạn. 

– Chị gặp thử thách nào khi đóng nhân vật trải qua nhiều giai đoạn cuộc đời, có nhiều cung bậc cảm xúc?

– Tôi gặp áp lực khi thể hiện một nhân vật hư cấu nhưng lại nổi tiếng với nhiều người từng đọc qua tác phẩm gốc của Nguyễn Nhật Ánh. Khi ra trường quay, tôi mang theo cuốn Mắt biếc, thỉnh thoảng giở ra để tìm lại cảm xúc day dứt trong truyện. Nhân vật Hà Lan sống ở thập niên 1960 – 1970 với lối cư xử khác ngày nay. Cô ấy đôi khi không tâm sự thẳng thừng với người đối diện, luôn giữ lại một chút tâm tư cho mình.

Giai đoạn nhân vật đứng tuổi là một thử thách lớn do tuổi đời tôi còn quá trẻ. Tôi trao đổi với ê-kíp trong đoàn và mẹ – người đi theo suốt quá trình quay – để học kinh nghiệm, cách cư xử của người lớn tuổi. Mỗi khi hóa trang xong, tôi thường đứng lâu trước gương để tưởng tượng mình ở vào độ tuổi giống nhân vật.

Một trở ngại khác là tôi cận đến bảy độ. Chỉ trong các cảnh cần nhìn chi tiết nhỏ (như may đồ), tôi mới đeo kính sát tròng. Ở các cảnh di chuyển, tôi phải xác định những điểm, cột mốc của đồ vật để đi đúng đường. Trong một số đoạn tình cảm với Trần Nghĩa (vai Ngạn), tôi không nhìn rõ mặt anh ấy. Tôi chuẩn bị cảm xúc bằng cách xem các MV của anh trước đó, rồi tưởng tượng khuôn mặt anh Nghĩa khi diễn cảnh khóc.

Trúc Anh trong buổi ra mắt Mắt biếc ở Hà Nội. Ảnh: Galaxy.
Trúc Anh trong buổi ra mắt “Mắt biếc” ở Hà Nội. Ảnh: Galaxy.

– Chị nghĩ gì về cái kết của phim?

– Tôi rất thích trích đoạn được viết thêm vào cuối phim Mắt biếc (khi Hà Lan chạy theo chuyến tàu đưa Ngạn vào miền Nam). Với tôi, tuyến về Hà Lan trong truyện còn hơi thiếu gì đó. Kết phim đem lại sự cảm thông cho nhân vật, mang lại cảm giác day dứt, lưu luyến khiến người ta nhớ về nó lâu hơn. Nó cũng gợi một số suy nghĩ về tương lai của nhân vật. Tôi hy vọng Hà Lan có thể gặp lại Ngạn trong Sài Gòn.

– Chị có điều gì hài lòng hoặc chưa về bộ phim?

– Tôi không dám nói ưng ý về diễn xuất, mà chỉ hài lòng vì vượt được giới hạn bản thân, làm những thứ trước đây nghĩ là không thể. Một cảnh của bản điện ảnh tôi thích là khi Hà Lan đẻ con, thể hiện nỗi đau của cô. Trích đoạn quay khá mệt khi tôi phải gồng mình, cố thể hiện hoàn cảnh của người con gái trẻ sinh nở trong cảnh tồi tàn. Do không có kinh nghiệm, tôi phải hỏi mẹ về cảm xúc, tìm một số phim xem để học hỏi biểu cảm. Khi xem lại, tôi thấy vui vì vượt qua được một cảnh khó. Ở một số cảnh, tôi chưa hài lòng với diễn xuất, tương tác của mình, như đoạn Hà Lan giãi bày tâm sự với Trà Long (khi lớn). Một phần vì tôi với diễn viên Khánh Vân thân thiết với nhau ngoài đời, lại cùng độ tuổi nên khó đóng vai mẹ con.

Trúc Anh trong một bài tập diễn xuất ở chương trình Gặp gỡ mùa thu tại Hội An. Cô chia sẻ muốn có những kiến thức chuyên môn để theo nghề diễn lâu dài. Ảnh: Nick M.
Trúc Anh trong một bài tập diễn xuất ở chương trình “Gặp gỡ mùa thu” tại Hội An. Cô chia sẻ muốn có những kiến thức chuyên môn để theo nghề diễn lâu dài. Ảnh: Nick M.

– “Mắt biếc” thắng lớn, dàn diễn viên cũng được khán giả biết đến nhiều hơn. Chị cảm nhận cuộc sống thay đổi thế nào?

– Tôi rất bất ngờ trước thành công của tác phẩm, không nghĩ phim nhận sự yêu thương nhiều như vậy. Nhưng tôi vẫn xác định mình là diễn viên trẻ, còn nhiều thứ phải học hỏi chứ không phải ngôi sao gì. Có một thay đổi là từ giờ tôi phải cẩn thận hơn, không được nghĩ gì nói đó hay viết tùy ý điều gì trên mạng xã hội như trước. Tôi ý thức mạng xã hội là con dao hai lưỡi, có thể đẩy mình vào tình thế khó khăn.

– Kế hoạch tương lai của chị là gì?

– Tôi muốn thành diễn viên chuyên nghiệp nhưng trước mắt sẽ học để tốt nghiệp ngành quản lý truyền thông ở đại học. Tôi có một số lời mời về phim ảnh nhưng chưa nhận lời. Tôi cũng chưa có kế hoạch gì cụ thể về hình tượng, thể loại phim muốn đóng. Tôi quan niệm cái duyên đưa mình đến đâu thì đến, khó tính trước. Như việc tôi được nhận vai Hà Lan, thật ra, ở buổi thử vai, ban đầu tôi được chỉ định đóng Trà Long. Còn nhân vật tôi thấy gần gũi nhất trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh là Việt An (Cô gái đến từ hôm qua). Tôi luôn nghĩ mình rất giống Việt An nhưng cuối cùng lại trở thành Hà Lan trên màn ảnh (cười).

Trúc Anh sinh năm 1998, đang học ngành quản lý truyền thông ở đại học Greenwich (Việt Nam), vượt gần 1.400 ứng viên để nhận vai Hà Lan trong Mắt biếc. Trước đó, cô từng đóng phim điện ảnh Ngốc ơi tuổi 17 và một số phim chiếu trên mạng. Sau khi Mắt biếc công chiếu, Trúc Anh được nhiều khán giả yêu mến và trang cá nhân của cô hiện có 126.000 người theo dõi.

Ân Nguyễn – Vnexpress