Kết nối với chúng tôi:

Pháp luật

Vụ cướp ngân hàng không dấu vết

Đã đăng

 ngày

 
Với hầm tiền có hai lớp cửa an ninh, giám đốc ngân hàng tự tin nơi đây sẽ không bị cướp nhưng điều đó đã xảy ra.

Sáng sớm ngày 21/9/1991, khi đặc vụ FBI có mặt tại chi nhánh ngân hàng thành phố San Antonio, bang Texas, tên cướp đã cao chạy xa bay. Cuộc tẩu thoát của tên cướp nhanh tới mức khách hàng chờ bên ngoài ngân hàng không hay biết có chuyện đã xảy ra cho tới khi còi xe cảnh sát hú vang xung quanh.

FBI tỏa ra khắp nơi tìm nhân chứng và lục thùng rác để tìm súng hoặc mặt nạ kẻ cướp có thể đã vứt đi nhưng không thấy gì. Trong ngân hàng, lực lượng chức năng cũng không tìm được dấu vết của tên cướp vì nơi đây không có bảo vệ hay camera giám sát.

Với số tiền bị mất 250.000 USD, sự việc trở thành một trong những vụ cướp lớn nhất trong lịch sử thành phố San Antonio. Thông thường, kẻ cướp chỉ lấy được không quá 2.000 USD.

Đặc vụ FBI thấy lạ khi kẻ cướp nhắm vào nơi đây do chi nhánh ngân hàng được thiết kế theo kiểu “drive-thru”: hầm tiền được đặt ngầm dưới đất, trên bề mặt là quầy phục vụ với kính chống đạn đặt bên cạnh lối xe chạy để khách hàng có thể thực hiện giao dịch mà không phải xuống ôtô.

Mô hình thiết kế drive-thru năm 1959 của ngân hàng Wells Fargo. Ảnh: Wells Fargo Corporate Archives.
Mô hình thiết kế “drive-thru”. Ảnh: Wells Fargo Corporate Archives.

Để tiếp cận hầm tiền, nghi phạm sẽ phải vượt qua hai lớp cửa chỉ nhân viên mới có chìa khóa. Ngoài ra, cánh cửa thứ hai sẽ không mở ra nếu cửa thứ nhất không đóng lại. Như vậy, kẻ cướp sẽ không thể đơn thuần chạy vào ngân hàng để cướp như ở những chi nhánh khác.

Cũng vì lý do này, giám đốc chi nhánh đã không chịu thuê bảo vệ hoặc lắp đặt camera giám sát vì cho rằng khả năng bị cướp là rất nhỏ. Thậm chí, chi nhánh này cũng không trang bị cho giao dịch viên cọc tiền có thuốc nhuộm, vốn là thiết bị chống cướp phổ biến.

Nhân chứng duy nhất của vụ cướp là hai nữ giao dịch viên làm việc sáng hôm đó: Kelly McGinnis (21 tuổi) và Lisa Silvas (19 tuổi). Kelly kể mở cánh cửa thứ nhất, rồi đi bộ khoảng 4,5 m qua hành lang an ninh để tới cửa thứ hai. Cửa thứ hai vừa mở, Kelly ngoái đầu nhìn thì thấy một gã đứng ngay sau Lisa.

Kẻ này chĩa súng vào đầu Kelly, quát và ra hiệu cho cô tắt chuông báo động đằng sau cánh cửa phía trước. Giọng hắn khàn khàn và có vẻ đã được ngụy trang.

Thấy đồng nghiệp co cứng người vì sợ hãi, Lisa sợ bị bắn nên lấy chùm chìa khóa từ tay Kelly và chạy tới chỗ công tắc vì chuông báo động sẽ kêu nếu công tắc không được gạt trong vòng 45 giây kể từ khi lớp cửa thứ nhất được mở.

Tên cướp sau đó dùng còng trói tay Kelly, sau đó lệnh cho Lisa mở hầm tiền. Hắn chỉ vào vật cộm lên sau lớp áo và dọa đây là máy nghe trộm radio cảnh sát, nếu người nào gạt công tắc bí mật và hắn nghe được bất cứ tin gì về ngân hàng này, cả hai sẽ chết.

Giữa hầm có hai chiếc két lớn cao khoảng 1m2, được khóa bằng chìa khóa và núm số quay. Tên cướp yêu cầu mở két bên trái rồi vứt cho Lisa chiếc túi rác để đựng tiền vào nhưng bỏ qua chiếc két thứ hai vì nghe nhân viên nói trong đó đựng tiền xu.

Tên cướp sau đó ra lệnh mở những ngăn đựng tiền cá nhân mà giao dịch viên dùng trong ngày. Lấy được tiền, hắn ra lệnh cho hai nữ nhân viên ở trong hầm tiền, không được rời hiện trường. Toàn bộ vụ cướp kết thúc trong chưa đầy 5 phút. Chờ tên cướp đi khỏi, Kelly mới bấm nút báo động còn Lisa quay số 911. Cả hai sau đó cùng gọi điện cho bạn trai.

Theo hai nhân chứng, kẻ này mặc đồng phục và đeo găng tay của nhân viên bảo trì, đeo mặt nạ hình mặt người và đội chiếc mũ len che kín đầu, tay cầm khẩu súng nòng bạc. Hai cô cho rằng hắn có thể đã kịp lẻn nhanh qua trước khi cánh cửa thứ nhất đóng lại.

Dựa vào lời khai nhân chứng, FBI nhận định có nhiều dấu hiệu cho thấy kẻ cướp có tay trong. Hắn biết nhiều về quy trình làm việc của giao dịch viên, hệ thống báo động, và sơ đồ ngân hàng. Tên cướp thậm chí không đoái hoài tới chiếc két thứ ba trong hầm vì dường như biết nhân viên làm thứ bảy không có chìa khóa mở. 

Vài ngày sau, FBI phát hiện nhân viên chi nhánh cần thẻ từ để mở cổng vào bãi đỗ xe của ngân hàng, mỗi lượt ra vào đều được ghi lại trên máy tính. Họ thấy rằng thẻ của Lisa đã được sử dụng vào 8h20 sáng hôm đó, 30 phút trước vụ cướp.

Lisa Silvas. Ảnh: Texas Monthly.
Lisa Silvas. Ảnh: Texas Monthly.

Tuy nhiên, Lisa khai rằng sáng hôm đó không đỗ xe trong bãi dành cho nhân viên mà đỗ tại nơi của khách hàng. Điều tra viên đặt nghi vấn có thể có người đã dùng thẻ của Lisa để đỗ xe đào tẩu, vòng qua tòa nhà cướp rồi chạy trốn qua cửa sau của bãi đỗ xe để không bị nhìn thấy.

Rà soát diễn biến sau vụ cướp, FBI thấy rằng khi được gọi, bạn trai của Kelly tới hiện trường ngay, còn bạn trai của Lisa không thể liên lạc được vì “vừa làm xong ca tối và đang ngủ”, theo lời khai của Lisa. Phải tới trưa, anh ta mới tới ngân hàng gặp bạn gái. FBI cho rằng đây là điểm đáng ngờ vì nếu thật sự lo lắng cho Lisa, bạn trai sẽ tới ngay.

Bạn trai của Lisa tên Jack Nealy (28 tuổi), là cảnh sát thành phố San Antonio. Trùng hợp, loại còng mà tên cướp sử dụng cũng là loại cảnh sát thành phố thường dùng. Mỗi cảnh sát viên cũng được phát thiết bị dò sóng radio.

Điều tra theo hướng này, FBI càng thấy nhiều điểm đáng ngờ vì tại sao tên cướp phải ngụy trang giọng nói nếu không phải sợ bị người quen nhận ra. Theo mô tả của hai nhân chứng, tên cướp có chiều cao và cân nặng tương đương Jack. Lisa cũng có vẻ rất chủ động khi lấy chùm chìa khóa của Kelly để tắt chuông báo và nhắc đồng nghiệp mở đúng ngăn kéo. Chỉ có Lisa mới không bị còng tay như Kelly.

Tập trung vào Lisa và Jack, FBI được biết 9 ngày sau vụ cướp, hai người đã bí mật tới tòa án đăng ký kết hôn với lý do để Lisa được hưởng chế độ bảo hiểm sức khỏe cho người thân của cảnh sát, cũng như không muốn ai biết về kế hoạch tổ chức đám cưới linh đình. FBI nghi ngờ việc này có uẩn khúc vì theo pháp luật, vợ chồng không thể bị ép buộc làm chứng chống lại nhau trong trường hợp một trong hai người phạm tội.

Trong khi cuộc điều tra diễn ra, Jack và Lisa bảo bạn bè sẽ đi tới bang Florida chơi vài ngày, nhưng chứng cứ cho thấy hai người thực tế đi tới Quần đảo Cayman (quốc đảo nằm ở phía Tây vùng biển Caribê) – nơi nổi tiếng với quy định bảo mật thông tin cho chủ tài khoản ngân hàng.

Với hai nghi phạm chính, FBI cho rằng cần xoáy sâu vào mắt xích yếu hơn là Lisa. Ngoài ra, họ cũng cần tìm được số tiền mồi nhử – những tờ 100 USD có số sê-ri bị ghi lại để truy tìm trong trường hợp bị cướp. Ngăn kéo cá nhân của mỗi nhân viên đều có 20 tờ tiền mồi nhử. Tuy vậy, hy vọng này không cao vì Lisa biết rõ tờ nào bị đánh dấu và có thể đã tiêu hủy.

Khi bị thẩm vấn, Lisa tỏ ra bình tĩnh, không để lộ dấu hiệu gian dối. Kết quả thẩm vấn Jack cũng không khá hơn nhưng FBI đã có thể chắc chắn người này là cướp. Theo FBI, khi bị cáo buộc, Jack không tỏ vẻ ngạc nhiên và nói “nếu tôi làm gì sai, các ông có nghĩa vụ chứng minh”. Nghi phạm còn từ chối cho điều tra viên khám xe và nhà riêng.

Dù đã chắc chắn, FBI không có cách nào để chứng minh danh tính của kẻ cướp. Họ đổi hướng sang khai thác họ hàng và người thân của hai nghi phạm, trong đó có mẹ của Jack. Người mẹ nói gần đây con trai có tới thăm mình vào khoảng bốn ngày trước, nhưng không có hành vi cư xử khác thường.

FBI nghi ngờ số tiền chôn giấu trên mảnh đất của nhà người mẹ, nhưng không thể xin được lệnh khám vì không có căn cứ hợp lý. Đặc vụ FBI quyết định đánh bạc một phen và nói với mẹ Jack rằng biết rõ có tiền chôn tại đây, đừng hòng giấu giếm. Dù vậy, người mẹ vẫn khẳng định không có.

Tưởng thất bại, nhưng đòn tâm lý của FBI đã thành công. Ba ngày sau, ngày 12/10/1991, bố dượng của Jack liên lạc với cảnh sát để báo tìm thấy túi tiền trên đất nhà mình. Ông ta nói đi bộ loanh quanh thì thấy một chỗ có dấu hiệu mới bị đào xới, sau khi đào thì thấy chiếc túi vải màu xanh chứa gần 150.000 USD.

Lẫn trong túi tiền, cảnh sát tìm thấy xấp tiền mồi nhử được bọc ngoài bằng tờ giấy có ghi chữ “Tiền đi Mexico”. Sau khi gửi đi giám định, chuyên gia kết luận đây rất có thể là chữ viết tay của Lisa. FBI cho rằng Lisa và Jack đã nổi lòng tham và không đốt tiền mồi nhử, chờ tới được Mexico sẽ tiêu.

Bên cạnh số tiền, FBI cũng thấy nhiều miếng dán hình ngôi sao và chiếc móc khóa với dòng chữ “Ước nguyện dưới sao”. Những món đồ này có vân tay của Lisa và được xác định là kỷ vật từ dạ hội tốt nghiệp của trường cấp III nơi Lisa theo học. Như vậy, FBI nhận định đây là chứng cứ liên kết Lisa và Jack với vụ cướp. Cả hai lập tức bị bắt.

Jack Nealy trả lời phỏng vấn sau song sắt. Ảnh: Texas Monthly.
Jack Nealy trả lời phỏng vấn sau song sắt. Ảnh: Texas Monthly.

Tại tòa, luật sư của Lisa lập luận cô ta bị gài bẫy, trong khi luật sư của Jack cho rằng chính Kelly cùng bạn trai đã thực hiện vụ cướp. Dù vậy, Lisa và Jack vẫn bị kết án phạm tội và lần lượt bị phạt 12 năm 8 tháng tù và hơn 15 năm tù. Ngày hai người lãnh án cũng là ngày 14/2/1992 – ngày lễ Tình nhân.

Dù hai bị cáo đã bị kết án, nhà chức trách không có câu trả lời cho động cơ gây án. Dựa vào lịch sử tình ái của hai người, một điều tra viên đặt giả thuyết Lisa đã bỏ bạn trai do vấn đề tài chính, có thể Jack sợ lịch sử lặp lại nên đã thuyết phục Lisa cùng cướp tài sản để chu cấp cho gia đình và buộc giám đốc ngân hàng thuê Jack làm bảo vệ bán thời gian.

Một số chứng cứ ủng hộ giả thuyết này như Jack có lịch sử tín dụng không tốt nên không thể vay ngân hàng. Khi gặp Lisa, anh ta vừa ly hôn và phải trả tiền cấp dưỡng cho vợ cũ. Đồng nghiệp của Jack cho biết Jack luôn lo lắng vì tiền bạc, trong khi Lisa thích quần áo đẹp và đắt tiền.

Quốc Đạt (Theo Texas Monthly, US Court) – Vnexpress

Rate this post

Pháp luật

Cựu Chủ tịch Tổng công ty Thép Việt Nam: Tôi bị kết tội là hơi nặng

Đã đăng

 ngày

Bởi

Ông Mai Văn Tinh khai luôn làm việc vì lợi ích ngành thép nên kết tội ông trong vụ án tại Gang thép Thái Nguyên là “hơi nặng”.

Ngày thứ hai của phiên xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm tại dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, trả lời các cáo buộc của VKS về việc không chỉ đạo dừng, xem xét chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc khi phát hiện sai phạm, bị cáo Mai Văn Tinh, cựu chủ tịch Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), nói “không rõ vấn đề này” vì trước đó chỉ phụ trách mảng sản xuất kinh doanh.

Bị cáo Mai Văn Tinh. Ảnh: Phạm Dự
Bị cáo Mai Văn Tinh. Ảnh: Phạm Dự

Bị cáo khai, khi nhậm chức tháng 3/2007, dự án giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên đang trong giai đoạn rất bế tắc. Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu hợp đồng trọn gói giá trị hơn 160 triệu USD, ký kết trực tiếp với công ty con của VNS, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Nhưng 11 tháng sau, MCC chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu, rút hết người về nước nhiều lần đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và điều chỉnh tổng giá hợp đồng tăng thêm hơn 138 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng).

Với cương vụ chủ tịch HĐQT của VNS, bị cáo khai mong muốn triển khai vì đó là dự án trọng điểm của nhà nước. “Chính Công ty Gang thép Thái Nguyên, trước đó cũng do phía Trung Quốc xây dựng và lắp đặt nên không ai có ý kiến gì việc dừng dự án cả, chỉ bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn”.

VKSND Tối cao cáo buộc, sau khi đàm phán, VNS và công ty con TISCO đã chấp nhận đề nghị của phía nhà thầu Trung Quốc, chủ động lựa chọn nhà thầu phụ Việt Nam để thực hiện hạng mục C, tức phần xây lắp dự án. Tổng công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) là nhà thầu phụ được lựa chọn nhưng sau đó không đủ năng lực đã trả lại các phần việc cho TISCO.

Trả lời về trách nhiệm khi lựa chọn nhà thầu phụ không đủ năng lực, ông Tinh khai “nghe theo giới thiệu” của cơ quan chủ quản của VNS là Bộ Công Thương. “Theo tôi khi đó VINAINCON là nhầu tốt nhất, hiệu quả nhất rồi. Hơn nữa, thẩm quyền chọn nhà thầu phụ không thuộc về chúng tôi mà của tổng thầu MCC”, bị cáo khai.

Nhận “có sai sót, làm việc chưa cặn kẽ sâu sát và quá tin tưởng anh em cấp dưới” nhưng ông Tinh khẳng định “chưa từng làm gì mà không được cấp trên cho phép” trong mọi quyết định tháo gỡ vướng mắc cho dự án này. “VKS quy kết tội cho tôi như vậy là hơi nặng”, ông nói.

Trong vụ án, ông Tinh bị cáo buộc là người chỉ đạo thực hiện các hành vi phạm tội khi đã không chỉ đạo xem xét chấm dứt gói thầu với MCC; ký các văn bản đề nghị Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chi phí phần lắp đặt của dự án; chủ trương chấp nhận nhà thầu phụ VINAINCON không đủ năng lực; phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án, dù biết rõ đây là hợp đồng trọn gói.

Các hành vi của ông Tinh dẫn đến việc TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư, không ràng buộc được các nhà thầu về tiến độ dự án. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chậm tiến độ, phát sinh lãi vay, tăng chi phí đầu tư, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.

Tại phiên tòa hôm nay, đại diện TISCO cho biết, hợp đồng với nhà thầu MCC vẫn chưa chấm dứt. Từ 29/3, TISCO đã tái đàm phán để MCC tiếp tục hoàn thiện dự án.

Cũng theo vị này, thiệt hại của TISCO trong vụ án lớn hơn nhiều con số cáo buộc 830 tỷ đồng. “Số tiền lãi thực tế phải căn cứ hợp đồng tín dụng và thời gian đáo hạn vẫn còn, nghĩa là TISCO vẫn đang vay thông thường và phải trả lãi”.

Đại diện Bộ Công Thương cũng phủ nhận việc Bộ giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ cho dự án. Trong khi đó, ông Hoàng Chí Cường, cựu Tổng giám đốc VINAINCON, không có mặt theo triệu tập. Ông uỷ quyền cho một nữ nhân viên tới tòa song không được HĐXX chấp nhận.

HĐXX cũng triệu tập hai cựu thứ trưởng Bộ Xây dựng song đều vắng mặt.

Các đại diện VKSND Tối cao thực hiện hiện quyền công tố tại phiên toà. Ảnh: Phạm Dự
Các đại diện VKSND Tối cao thực hiện hiện quyền công tố tại phiên toà. Ảnh: Phạm Dự

Cáo trạng xác định, năm 2005, Chính phủ chủ trương đầu tư Dự án mở rộng sản xuất nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, tổng vốn hơn 3.800 tỷ đồng. TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là HĐQT của VNS.

Ngày 12/7/2007, Tổng Giám đốc TISCO Trần Trọng Mừng, ký một hợp đồng trọn gói, không thay đổi, có giá trị hơn 160 triệu USD với đơn vị trúng thầu,Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Sau 11 tháng khởi công, MCC chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu, rút hết người về nước, nhiều lần đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và điều chỉnh tổng giá hợp đồng tăng thêm hơn 138 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng).

VKSND Tối cao cáo buộc, biết rõ việc MCC vi phạm hợp đồng, đề nghị các điều khoản vô căn cứ, lãnh đạo TISCO vẫn ký văn bản gửi VNS xin chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng.

Cáo trạng nêu, sai phạm của 19 bị cáo gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước với tổng số tiền lên tới hơn 830 tỷ đồng, dự án sau 14 năm vẫn chưa hoàn thành.

Thanh Lam – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Pháp luật

Hai đầu nậu xăng ở Sài Gòn và Long An bị bắt

Đã đăng

 ngày

Bởi

Lê Hùng Phong và Đỗ Văn Ba bị Công an Đồng Nai bắt về hành vi Buôn lậu do liên quan đường dây làm 200 triệu lít xăng giả, ngày 29/3.

Hai người này điều hành Công ty TNHH thương mại Huỳnh Khang (TP HCM) và doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Bình Long (tỉnh Long An).

Động thái này được Công an Đồng Nai đưa ra sau khi phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công an TP HCM, Công an Long An bao vây 6 điểm kinh doanh xăng dầu, trụ sở làm việc của Phong và Ba hôm 28/3.

Lực lượng chức năng thu giữ nhiều tài liệu, hóa đơn chứng từ và các chứng cứ liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TP HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (64 tuổi, quê Vĩnh Long) cầm đầu.

Cảnh sát khám xét một cây xăng trong chuyên án xăng giả tại TP HCM chiều 28/3. Ảnh: Thái Hà
Cảnh sát khám xét một cây xăng trong chuyên án xăng giả tại TP HCM chiều 28/3. Ảnh: Thái Hà.

Chuyên án 920G được Công an Đồng Nai lập cuối năm 2020 từ những phản ánh xăng kém chất lượng từ người dân. Với sự hỗ trợ của Cục cảnh sát Hình sự, hơn 500 cán bộ chiến sĩ từ nhiều hướng bất ngờ ập vào ụ nổi giữa sông Hậu, bắt quả tang nhiều người đang pha chế xăng giả tối 6/2.

Cùng lúc, 13 địa điểm khác ở Đồng Nai, TP HCM, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… cũng bị khám xét, hàng loạt người liên quan bị bắt.

Điều tra bước đầu xác định có hơn 200 triệu lít xăng giả được đưa ra thị trường từ tháng 8/2020 đến ngày 6/2.

Hiện, Công an Đồng Nai đã khởi tố 42 người về các tội Buôn lậu; Sản xuất buôn bán hàng giả; Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Trong đó, Ngô Văn Thụy (cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) bị điều tra hành vi Nhận hối lộ.

Tang vật thu giữ gồm: 10 tàu thủy, sáu xe bồn, 2,7 triệu lít xăng, 120 tỷ đồng, cùng nhiều tài sản có giá trị khác.

Phước Tuấn – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Pháp luật

Luật sư đề nghị trả tự do cho bà Diệp Bạch Dương

Đã đăng

 ngày

Bởi

Bảo vệ bà Diệp Bạch Dương, luật sư cho rằng thân chủ không gian dối khi hoán đổi cũng như chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, đề nghị tòa trả tự do.

Ngày 22/3, là người đầu tiên trong 6 luật sư bảo vệ bà Dương Thị Bạch Diệp (73 tuổi, tức Diệp Bạch Dương, Giám đốc công ty cùng tên), ông Phan Trung Hoài cho rằng, cáo trạng của VKSND Tối cao buộc tội bị cáo lừa đảo chiếm đoạt nhà đất 185 Hai Bà Trưng (trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ) là không có cơ sở.

Bà Diệp bị cho là dùng khu đất 57 Cao Thắng (đã thế chấp nhân hàng) để hoán đổi căn 185 Hai Bà Trưng, sau đó tiếp tục đem trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam (đã sáp nhập Sacombank) vay 160 tỷ đồng. Việc này khiến Nhà nước mất quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với tài sản 185 Hai Bà Trưng, thiệt hại hơn 186 tỷ đồng.

Luật sư Phan Trung Hoài bảo vệ bà Diệp, ngày 22/3. Ảnh: Hữu Khoa.
Luật sư Phan Trung Hoài bảo vệ bà Diệp, ngày 22/3. Ảnh: Hữu Khoa.

Đưa ra các căn cứ cho quan điểm của mình, luật sư Hoài nói, nhu cầu hoán đổi là có thật, đến từ hai phía, hai bên (bà Diệp và TP HCM) cùng có lợi. Từ quá trình hình thành chủ trương, triển khai thực hiện đến việc bàn giao tài sản đã kéo dài hơn 5 năm, với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng và được sự chấp thuận của Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân – lãnh đạo cao nhất lúc đó.

Theo luật sư, bà Diệp không gian dối trong việc cung cấp bản chính giấy chứng nhận quyền sử hữu nhà 57 Cao Thắng khi làm thủ tục hoán đổi trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ. Bởi hồ sơ vụ án thể hiện, công ty bà Diệp bị coi là thế chấp căn nhà “có đăng ký giao dịch đảm bảo với Văn phòng đăng ký đất đai Sở Tài nguyên – Môi trường” nên thông tin này là công khai, do cơ quan Nhà nước quản lý và nắm được. Như vậy, các cơ quan liên quan đến quá trình hoán đổi như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên – Môi trường, UBND TP HCM bắt buộc phải nắm rõ cơ sở dữ liệu về căn 57 Cao Thắng vì quản lý trực tiếp về đất đai và xây dựng, cả về pháp lý lẫn thực tế.

“Suốt quá trình thực hiện hoán đổi, trong các cuộc họp để thống nhất hoán đổi, Trung tâm Ca nhạc nhẹ và các ban ngành liên quan, lãnh đạo của UBND thành phố không ai hỏi bà Diệp về việc tài sản 57 Cao Thắng đã thế chấp hay chưa”, luật sư Hoài nói.

Ngoài ra, tại các cuộc họp do Sở Tài chính chủ trì, không có cơ quan chức năng nào thực hiện việc thẩm định tính pháp lý của tài sản mang ra hoán đổi; không có người nào yêu cầu bà Diệp xuất trình bản chính giấy tờ căn nhà, trong khi các thành viên đều được xem hồ sơ.

Trên thực tế, bà Diệp đã bàn giao nhà và cơ sở vật chất. Trung tâm Ca nhạc nhẹ đã và đang sử dụng tài sản từ thời điểm bàn giao cho đến nay với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Việc bà Diệp không bàn giao bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng là vì “chưa có quyết định chính thức của UBND thành phố”, chưa tiến hành bàn giao về mặt pháp lý.

Đối với việc cáo trạng quy buộc bà Diệp đã chiếm đoạt nhà 185 Hai Bà Trưng, có giá trị hơn 186 tỷ đồng (theo kết quả định giá năm 2010, lúc hoán đổi), luật sư cũng cho là không có căn cứ. Bởi giá trị tài sản này được hiểu là giá trị quyền sử dụng đất, trong khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Theo đó, đến nay Nhà nước chưa có thiệt hại gì khi công ty bà Diệp có quyền sử dụng tài sản này (đã cầm cho Ngân hàng Phương Nam – đã sáp nhập Sacombank). Nếu Nhà nước thấy giao đất cho bà Diệp là sai thì có quyền thu hồi, đồng thời trả lại các khoản tiền và tài sản đã nhận từ công ty bà Diệp.

Tại tòa, bà Diệp cũng đề nghị hủy bỏ việc hoán đổi, hai bên có trách nhiệm hoàn trả lại những gì đã nhận của nhau, trên cơ sở giải quyết các quan hệ dân sự liên quan các hợp đồng tín dụng đã ký với Agribank và Ngân hàng Phương Nam.

“HĐXX cần xem xét thận trọng, xác định sự thật khách quan, tuyên bố bà Dương Thị Bạch Diệp không phạm tội, trả tự do cho bà tại phiên tòa, khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định”, ông Hoài nêu quan điểm bảo vệ thân chủ.

Bà Diệp tự bào chữa, chiều 22/3. Ảnh: Hữu Khoa.
Bà Diệp tự bào chữa, chiều 22/3. Ảnh: Hữu Khoa.

Trước đó, đại diện VKS cho rằng có đủ căn cứ xác định bà Diệp phạm tội như cáo buộc và đề nghị mức án tù chung thân.

Liên quan đến vụ án, cựu Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài và 8 đồng phạm bị đề nghị từ 3 năm tù treo đến 6 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Chiều nay, các luật sư của bà Diệp tiếp tục nêu quan điểm bào chữa.

Hải Duyên – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp
Advertisement

Facebook

Advertisement

Tin Nổi bật

    Paste your advertisement code here.