Thế hệ “cao niên trẻ” là cách người Nhật Bản thường dùng để gọi tên nhóm người trong độ tuổi 65-75. Họ là nhóm người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh (baby-boomer) khi các nước phát triển ghi nhận tỷ lệ sinh cao đột biến trong khoảng thời gian sau Thế chiến II, đặc biệt giai đoạn 1955-1960.
Tuổi nghỉ hưu truyền thống là 65, nhưng trong giai đoạn 2020-2025, độ tuổi này sẽ tăng lên. Dự kiến số lượng hưu trí trong những năm tới tăng cao, trừ khi họ không nghỉ hưu. Bằng cách tiếp tục làm việc, cống hiến cho xã hội, các baby-boomer trong vỏ bọc mới của thế hệ “cao niên trẻ” sẽ tiếp tục thay đổi thế giới như cách họ làm trong quá khứ.
Nhóm người “cao niên trẻ” ngày càng nhiều hơn, khỏe mạnh và giàu có hơn so với các thế hệ người cao tuổi trước đây. Các nước giàu ước tính có 134 triệu người trong độ tuổi 65-74 vào năm 2020 (chiếm 11% dân số), tăng từ 99 triệu người (tức 8%) năm 2000. Tốc độ này tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm tuổi trưởng thành nào.
Sức khỏe thường giảm khi tuổi tác tăng, nhưng thế hệ “cao niên trẻ” đang chống lại quy luật này tốt hơn bất kỳ nhóm tuổi nào. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuổi thọ của nhóm này ở các nước phát triển tăng thêm 3,7 trong giai đoạn 2000-2015, trong đó có 3,2 năm sống khỏe mạnh. Họ cũng là nhóm người giàu có hơn: từ năm 1989 đến 2013, khối tài sản của các gia đình có người trụ cột trên 62 tuổi ở Mỹ tăng 40% lên 210.000 USD, trong khi các nhóm tuổi khác lại giảm.
Tất nhiên, nhóm “cao niên trẻ” cũng bận rộn hơn. Chỉ hơn 1/5 số người trong độ tuổi 65-69 ở các nước giàu còn làm việc trong năm 2016, nhưng con số này đang tăng nhanh. Làm việc là một trong những yếu tố giúp con người sống khỏe lâu hơn. Một nghiên cứu của Đức từng chỉ ra tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu giúp làm chậm quá trình suy giảm nhận thức do tuổi già và có khả năng nhận thức bằng người trẻ hơn 1,5 tuổi.
Thế hệ “cao niên trẻ” không đơn giản là một nhóm người cao tuổi. Họ là những người dám thách thức các quan điểm truyền thống về thời gian nghỉ ngơi và quây quần bên con cháu của nhiều người nghỉ hưu. Họ cũng góp phần làm thay đổi thị trường tài chính, dịch vụ và tiêu dùng.
Những người trên 60 tuổi là một trong những nhóm khách hàng tiềm năng và quan trọng của ngành hàng không và du lịch, bởi họ thường chi mạnh tay cho các chuyến nghỉ dưỡng ở nước ngoài hơn người trẻ. Thế hệ “cao niên trẻ” cũng tạo ra nhiều thay đổi trong giáo dục. Khoa Giáo dục thường xuyên (khoa dành cho sinh viên là người lớn tuổi hoặc đã nghỉ hưu) của Đại học Harvard, Mỹ có số lượng sinh viên là người lớn tuổi nhiều hơn số sinh viên khác trong trường là một minh chứng. Ngoài ra, nhiều công ty bảo hiểm giờ chủ động cung cấp giải pháp tài chính giúp khách hàng quản lý quỹ lương hưu hiệu quả hơn.
Sự xuất hiện của thế hệ “cao niên trẻ” mang tới lợi ích cho chính họ và sự phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều chủ doanh nghiệp và đơn vị tuyển dụng nhân sự cho rằng người cao tuổi có năng suất làm việc kém hơn. Nhưng theo nghiên cứu do các công ty sản xuất xe tải và bảo hiểm ở Đức thực hiện, công nhân cao tuổi có năng suất làm việc cao hơn mặt bằng chung, và nhóm công nhân gồm nhiều thế hệ làm việc hiệu quả nhất. Xã hội sẽ phát triển hơn nếu mọi người kéo dài thời gian làm việc và cần chăm sóc y tế ít hơn, bởi chi tiêu công cho y tế và lương hưu được cắt giảm.
Nhưng trước khi viễn cảnh tốt đẹp trên xảy ra, có ba vấn đề quan trọng cần thay đổi. Đầu tiên và quan trọng nhất là thái độ của cộng đồng đối với người cao tuổi, đặc biệt là quan niệm người trên 60 tuổi nên nghỉ hưu. Nhiều công ty phân biệt đối xử với nhân viên lớn tuổi bằng cách chỉ đào tạo người trẻ hoặc hạn chế việc làm bán thời gian và chia sẻ công việc. Nhóm người “cao niên trẻ” cũng đòi hỏi các công ty có môi trường làm việc thân thiện hơn, từ đó thay đổi thái độ về sự lão hóa.
Một thay đổi khác là về các chính sách của chính phủ. Tuổi nghỉ hưu ở nhiều nước giàu vẫn thấp hơn mức mà nhiều người mong muốn, trong khi độ tuổi mà mọi người thực sự rời thị trường lao động thậm chí thấp hơn. Nhiều chính sách khiến việc nghỉ hưu trở thành sự thay đổi đột ngột với nhiều người, trong khi nên được thay đổi một cách từ từ.
Cuối cùng là sự thay đổi trong chi tiêu y tế để phù hợp với số lượng lớn người “cao niên trẻ” khỏe mạnh hiện nay. Hầu hết các bệnh tuổi già có thể tránh bằng các biện pháp phòng ngừa và thay đổi lối sống, nhưng thực tế ngân sách y tế của hầu hết quốc gia chỉ dành 2-3% cho việc phòng ngừa bệnh. Ngân sách này cần được tăng thêm, bởi tới năm 2030, nhóm “cao niên trẻ” sẽ bước vào giai đoạn sức khỏe suy giảm mà rất ít quốc gia phát triển sẵn sàng ứng phó.
Thanh Tâm (Theo Economist) – Vnexpress