Bác sĩ 9 chuyên khoa phối hợp cứu bé sơ sinh

Siêu âm phát hiện thai nhi 22 tuần tuổi hoán vị đại động mạch, bác sĩ Đại học Y Dược lên kế hoạch phối hợp sinh, cấp cứu, phẫu thuật.

Sản phụ 24 tuổi, là giáo viên mầm non. Các bác sĩ tim mạch chẩn đoán thai nhi bị hoán vị đại động mạnh, một dạng hiếm gặp của tim bẩm sinh. Cụ thể, phổi biệt trí bên phải động mạnh chủ xuất phát từ tim phải bị hoán đổi vị trí với động mạnh phổi, khiến quá trình trộn lẫn oxy vào máu tại phổi không diễn ra như bình thường. Do đó máu đen (máu không có oxy) sẽ đi nuôi cơ thể thay vì máu đỏ, cơ thể sẽ bị thiếu oxy dẫn đến tử vong.

Sau nhiều lần hội chẩn, các bác sĩ nhận định đây là một ca bệnh khó, cần phối hợp nhiều chuyên khoa điều trị và xây dựng quá trình theo dõi chặt chẽ từ trước khi sinh đến sau khi sinh. Thai nhi được dự đoán lúc chào đời phải cấp cứu khẩn và trải qua một cuộc đại phẫu thuật, nếu không sẽ chết.

Bác sĩ một mặt cố nuôi thai nhi trong bụng mẹ đến đủ tuổi chào đời, một mặt chuẩn bị phương án phối hợp mổ.

Để thực hiện thành công cần có sự chuẩn bị từ sớm và phối hợp đa chuyên khoa sâu. Các nhóm tham gia hội chẩn gồm: Khoa Sản, Khoa Phẫu thuật tim mạch, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Gây mê-Hồi sức, Đơn vị Đơn nguyên sơ sinh, Đơn vị Hình ảnh tim mạch, Đơn vị Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh, Đơn vị Hồi sức Phẫu thuật Tim mạch, Đơn vị Can thiệp nội mạch. Cả quá trình từ khi tầm soát thai đến bước mổ chủ động để bé được cấp cứu đúng thời điểm và thực hiện phẫu thuật là một sự phối hợp chặt chẽ.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi siêu âm kiểm tra tim cho bé trước khi xuất viện (Ảnh: BVCC)
Phó Giáo sư Lê Minh Khôi siêu âm kiểm tra tim cho bé trước khi xuất viện. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Nhật Thăng – Trưởng Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết: “Đây là hiện tượng bất thường trong quá trình tạo hình tim của phôi thai, khiến động mạnh phổi và động mạch chủ “đổi chỗ” cho nhau. Do đó nhóm hội chẩn sản nhi quyết định mổ lấy thai chủ động khi thai kỳ được 38 tuần 5 ngày. Can thiệp sớm sau sinh là điều kiện tiên quyết để bé được cứu sống sau sinh và chịu đựng được cuộc mổ điều chỉnh sau đó”.

Chỉ 15 phút sau khi sinh xong, cắt rốn và ổn định hô hấp, em bé nặng 3,45 kg ngay lập tức được chuyển sang Phòng Can thiệp nội mạch để cấp cứu. Phó Giáo sư Lê Minh Khôi – Trưởng Đơn vị Hình ảnh tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM nhận định, đúng như tiên lượng từ thời kỳ bào thai, tình trạng bé khi siêu âm sau sinh cho thấy cần phải được can thiệp cấp cứu khẩn cấp do khả năng trộn máu trong tim rất kém. Thế nên mục tiêu điều trị đầu tiên là làm sao có trộn máu trong tim, để một phần máu đỏ có thể ra ngoài nuôi cơ thể, một phần máu đen được đưa lên phổi trao đổi khí nhằm duy trì sự sống cho em bé.

“Kỹ thuật cấp cứu cho bé là phá vách liên nhĩ bằng bóng qua da thông qua can thiệp dưới siêu âm tim và soi tia. Đây là bước chuẩn bị để bé có đủ sức trải qua một cuộc phẫu thuật chuyển gốc động mạch lớn tiếp theo”, bác sĩ Khôi chia sẻ.

Ngày 29/11, khi bé được 8 ngày tuổi các cơ quan cơ thể đã phát triển đủ để bổ trợ lẫn nhau, Thạc sĩ, bác sĩ Cao Đằng Khang – Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cùng êkíp tiến hành phẫu thuật chuyển gốc động mạch cho bé. Công tác gây mê hồi sức và chạy máy tuần hoàn máu bên ngoài cho trẻ ít cân cũng là một thử thách lớn trong quá trình phẫu thuật.

Hiện tình trạng sức khỏe của bé đã phục hồi ổn định, có thể tự uống sữa và xuất viện. Hôm 25/12, bé tái khám với tình trạng sức khỏe tiến triển tốt. Bác sĩ tiên lượng bé sẽ phát triển bình thường như các trẻ khác, có thể chơi các thể thao, vận động bình thường, chỉ cần tránh tham gia thi đấu các môn thể thao có tính chất đối kháng.

Cứu sống bé sơ sinh bị hoán vị đại động mạch
Quá trình cấp cứu và phẫu thuật cho bé. Video: Lê Cầm (dữ liệu bệnh viện cung cấp).

Lê Cầm – Vnexpress