Ngày 31/12, giá thịt lợn hơi giảm gần 10.000 đồng so với tuần trước, nhưng vẫn cao, tại miền Bắc 86.000-88.000 đồng, miền Nam 87.000 đồng một kg.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá lợn tăng cao do khủng hoảng nguồn cung, dịch tả lợn châu Phi làm giảm 13,5% sản lượng thịt lợn so với năm 2018. Các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ trong vùng dịch cơ bản là không còn lợn, nguồn lợn thịt chủ yếu ở công ty, trang trại và hộ chăn nuôi lớn.
Tuy nhiên, người chăn nuôi lớn không muốn xuất bán lẻ do e ngại người mua có thể đem dịch vào cơ sở chăn nuôi, dẫn đến những hộ giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được với nguồn cung thịt lợn. Hộ giết mổ phải mua của thương lái, làm cho giá lợn thịt ở một số khu vực tăng cao.
Ông Dương cho rằng giá lợn tăng cao còn do yếu tố tâm lý lo lắng thị trường trong nước thiếu nguồn cung. Người chăn nuôi có tư tưởng găm hàng, nuôi lợn lên đến 170-180 kg một con thay vì 90-110 kg như thông thường để chờ tăng giá. Việc này đã tạo ra tình trạng khan hiếm nguồn cung tại một số địa phương.
Phản hồi về ý kiến một bộ phận đang thao túng, đẩy giá lợn lên cao, ông Dương nói: “Không ai có khả năng thao túng được giá lợn. Vì muốn thao túng giá, đơn vị sản xuất phải có nguồn chiếm 25-30% thị phần. Thực tế, đơn vị cung cấp lợn thịt nhiều nhất hiện nay như Công ty CP nguồn cung chỉ chiếm 8-9%”.
Ông Đỗ Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục, Hà Nam, một trong những địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất miền Bắc với 147.000 con, cho biết đến tháng 12 số đầu lợn của huyện giảm 1/3, còn 58.000 con sau dịch. Trong đó, lợn thịt từ 133.000 giảm còn 53.000 con.
“Giá tăng do nguồn cung thiếu trong khi nhu cầu cao. Thực tế tại địa phương, chỉ còn số ít hộ dám tiếp tục nuôi. Họ liều và phải tính toán nhanh”, ông Thắng nói và cho rằng không có chuyện găm lợn chờ giá lên cao. Vì lợn đạt đủ trọng lượng 120-130 kg người chăn nuôi phải xuất. Găm lợn rất nguy hiểm, dịch có thể tái phát bất cứ lúc nào.
10 năm trong nghề buôn lợn, anh Lê Hữu Phước (xã An Nội, Bình Lục, Hà Nam) cho biết chưa bao giờ đi mua lợn khó khăn như thế. Lợn nuôi trong dân cơ bản đã chết dịch hết, chủ yếu còn trong các công ty, trang trại lớn, mua lẻ rất khó. Anh Phước cho rằng các lái buôn không thể thao túng giá vì vốn ít và quá trình vận chuyển lợn cũng bị hao hụt cân, “không ai dại mà găm hàng”.
Trong cuộc họp bàn giải pháp ổn định giá thịt lợn ngày 30/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, đến cuối tháng 12, cả nước chỉ còn dưới 40.000 con lợn bị tiêu hủy. Đàn lợn giống vẫn còn 109.000 con và đến tháng 7 các tỉnh đã chỉ đạo tái đàn.
“Lợn tái đàn đang tăng, sản phẩm thịt thay thế như bò, gà, cá vẫn dồi dào, tăng 760.000 tấn so với 2018 sẽ phần nào bù đắp thiếu hụt thịt lợn”, ông Tiến nói và cho biết thêm từ tháng 1/2020 sẽ bắt đầu cung ứng thịt lợn từ tái đàn và tiếp tục nhập khẩu mặt hàng này để đáp ứng nhu cầu người dân.
Từ tháng 6, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay. Thời điểm cuối tháng 12, giá thịt lợn hơi tăng cao nhất lên tới 95.000 đồng/kg.
Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước ngày 26/12, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nguồn cung thịt lợn đến Tết Nguyên đán 2020 sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn, khiến giá mặt hàng này tăng cao. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt lợn.
Bộ Tài chính cũng đang đề xuất giảm mức thuế nhập khẩu đối với thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh, trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng từ 25% xuống 22%.
Tất Định – Võ Hải – Thanh Lam – Vnexpress