Tin tức
Tương ớt không chất bảo quản được Nhật Bản tin dùng
Nhật Bản là quốc gia có danh sách dài các gia vị và nước sốt truyền thống thường đưa vào món ăn, như shoyu (xì dầu Nhật), wasabi (mù tạt xanh), mirin (rượu gạo nấu ăn), sake, dầu vừng, tương miso…, mà không gồm tương ớt. Đồ ăn cay nồng không phổ biến trên bàn ăn Nhật như ẩm thực Thái Lan hay Hàn Quốc. Thế nhưng, có một loại sốt cay nước ngoài được họ hưởng ứng và thường cho vào spaghetti và pizza: tương ớt Tabasco.
Tabasco xuất hiện ở Nhật Bản khoảng sau Thế Chiến II và bắt đầu phổ biến khi đô vật chuyên nghiệp Antonio Inoki ký hợp đồng kinh doanh với công ty sản xuất đến từ Mỹ, McIlhenny. Tabasco, ngày nay là một trong những tương ớt nổi tiếng nhất thế giới, ghi nhận Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của mình (sau Mỹ), trong khi đây là thị trường khó tính và không quá chuộng tương ớt. Ước tính từ năm 2013, 100.000 chai được bán mỗi năm cho người Nhật.
Tabasco ra đời năm 1868 tại Mỹ, do gia đình McIlhenny làm ra. Họ kỷ niệm sinh nhật 150 tuổi của nước sốt trứ danh năm ngoái. Tabasco cũng là tên một giống ớt có nguồn gốc Mexico, với độ cay 3/5.
Ban đầu, ớt làm Tabasco được trồng toàn bộ trên đảo Avery, bang Louisiana. Nhưng sau này, do nhu cầu tăng mạnh, hòn đảo giữ chức năng tạo kho hạt giống để gieo trồng các vùng đất khác như Trung Mỹ. Ngày nay, khoảng 700.000 chai Tabasco được sản xuất mỗi ngày từ nhà máy trên đảo và trụ sở công ty vẫn nằm tại đó.
Theo truyền thống công ty, ớt được thu hoạch bằng tay, người hái đọ sắc ớt với một bảng màu đỏ để đảm bảo độ chín mọng, rồi mới đưa vào dây chuyền sản xuất. Chúng được nghiền thành bột, bổ sung muối, sau đó đưa vào thùng gỗ sồi và ủ trong tới 3 năm, tương tự cách làm rượu whisky. Hỗn hợp ra lò trộn với giấm và được khuấy trong một tháng. Cuối cùng, công ty lọc hạt và vỏ còn lẫn, đóng chai nước sốt thành phẩm.
Lúc mới ra đời, tương ớt Tabasco là một mặt hàng xa xỉ, phần lớn người tiêu dùng không có tiền để mua. Nhưng ngày nay, giá một chai Tabasco 60 ml còn khoảng 4 USD (hơn 60.000 đồng).
20 năm sau khi được giới thiệu ở Mỹ, Tabasco được phổ biến đến châu Âu và châu Á. Hiện tại, tương ớt này có mặt tại 185 trong số 195 nước và vùng lãnh thổ, đóng nhãn 22 ngôn ngữ khác nhau (không có tiếng Việt). Những chai Tabasco từng hiện diện rộng rãi ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, do binh lính Mỹ được phát miễn phí.
Đây là tương ớt được Hoàng gia Anh bảo hộ. Nữ hoàng Elizabeth II trao chứng chỉ cho sản phẩm Tabasco năm 2009, sau kết luận nó nằm trong bếp Cung điện Buckingham ít nhất 5 năm. Sao nữ có người còn mang bên mình tương ớt đóng chai kiểu nước hoa này, và để trong bóp cá nhân.
Tương ớt Tabasco nổi tiếng với công thức chưa thay đổi 150 năm qua, chỉ gồm 3 thành phần: giấm chưng cất (79%), ớt đỏ (19%) và muối (2%). Không có chất bảo quản và phụ gia tạo màu. Các thành phần được ghi theo đúng thứ tự hàm lượng nhiều đến ít, cách nhiều công ty sản xuất thực phẩm không làm vì muốn đưa các thành phần gây chú ý với người tiêu dùng lên trước.
Có hai lý do Tabasco không sở hữu danh sách dài phụ gia, chẳng hạn các muối axit được dùng làm chất bảo quản phổ biến. Thứ nhất, mỗi thành phần của nó, với hàm lượng đáng kể, tự thân đã là chất bảo quản tự nhiên. Ớt, giấm và muối đều có thể đóng vai trò này. Thứ hai, vì chỉ có ba thành phần mà không được trộn nhiều thứ, chai tương ớt không có gì nhiều để phải bảo quản.
Ngoài ra, Tabasco không sử dụng các chất tạo độ dày. Tương ớt đến từ bang Louisiana được xếp vào loại thân mỏng, đậm hương vị giấm, thay vì ngọt.
Thanh Tùng (Theo Today, Nikkei, Pepper Scale) – Ngoisao.net