Giấc mơ Mỹ sụp đổ của tỷ phú Forever 21

Ở thời kỳ đỉnh cao, tài sản của hai nhà sáng lập Forever 21, Do Won Chang và vợ Jin Sook, là 6 tỷ USD, nhưng giờ con số này chỉ còn 1,6 tỷ USD.

Hãng bán lẻ thời trang Forever 21 (F21) vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp sau thời gian kinh doanh ảm đạm và doanh số sụt giảm nghiêm trọng. Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân khiến F21 thất bại là do hãng đã làm mất đi cái “chất” vốn có khiến khách hàng trẻ quay lưng. Biểu tượng thời trang dành cho giới trẻ một thời này đã mất một lượng đáng kể người tiêu dùng vào tay những nhà bán lẻ khác, đặc biệt là cửa hàng trực tuyến. Nỗ lực của hãng được cho là quá muộn, không bắt kịp những thay đổi nhanh chóng của thị trường.

Cách đây vài năm, F21 từng là thương hiệu thời trang luôn có mặt trong tủ đồ của mọi cô gái mới lớn. Nhà sáng lập Do Won Chang cũng trở thành biểu tượng cho giấc mơ Mỹ của người nhập cư và là một trong những tỷ phú tự thân nổi tiếng nhất xứ cờ hoa.

Vợ chồng nhà sáng lập F21 ông Do Won Chang và bà Jin Sook từng xuất hiện trên trang bìa tạp chí Forbes năm 2017. Ảnh: Forbes. 
Vợ chồng nhà sáng lập F21, ông Do Won Chang và bà Jin Sook, xuất hiện trên bìa tạp chí Forbes năm 2017. Ảnh: Forbes.

Nhà sáng lập F21 từng khẳng định: “Forever 21 là niềm hy vọng và nguồn cảm hứng cho những ai đặt chân đến nước Mỹ mà không có gì trong tay, ngoại trừ một giấc mơ”.

Do Won Chang sinh năm 1954 tại một ngôi làng ngoại ô thành phố Seoul. Năm 1981, Do Won Chang cùng vợ, bà Jin Sook, tới California, Mỹ, tìm cơ hội đổi đời. Lúc đó, vợ chồng Chang không xu dính túi, không bằng cấp và tiếng Anh chỉ bập bẹ vài chữ. Họ đã làm việc 19 tiếng mỗi ngày và nhiều công việc để kiếm sống như giao cà phê, nhân viên trạm xăng, gác cổng.

Trong thời gian làm việc tại trạm xăng, Chang nhận thấy “những người lái xe đẹp nhất đều làm trong ngành thời trang”. Chang quyết định dùng số tiền dành dụm được trong 3 năm đến Mỹ để khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Năm 1984, hai vợ chồng Chang mở cửa hàng quần áo đầu tiên tại khu Highland Park, Los Angeles, với tên gọi “Fashion 21”, nhắm vào đối tượng khách hàng là người Mỹ gốc Hàn. Trong năm đầu tiên, doanh số cửa hàng này đã đạt mức 700.000 USD.

Sau thời gian kinh doanh hiệu quả, Do Won Chang quyết định đổi tên cửa hàng thành Forever 21. “Ban đầu, công ty có tên Fashion 21 nhưng được đổi thành Forever 21 vì khách hàng mục tiêu của chúng tôi là những người ở độ tuổi 20. Người già muốn trở lại tuổi 21 một lần nữa còn người trẻ thì muốn mình mãi mãi 21 tuổi”, Chang nói. 

Sau 5 năm thành lập, F21 có 11 cửa hàng bán lẻ tại Mỹ, Hàn Quốc, trở thành công ty tiên phong của ngành công nghiệp Fast Fashion (thời trang nhanh) toàn cầu. Năm 2009, hãng có khoảng 450 cửa hàng khắp thế giới và là thương hiệu được người tiêu dùng săn đón, xếp hàng dài chờ đợi mỗi khi khai trương một cửa hàng mới.

Ông Do Won Chang cùng hai con gái, những người thừa kế F21. Ảnh: BI. 
Ông Do Won Chang cùng hai con gái, những người thừa kế F21. Ảnh: BI. 

Năm 2015 là thời kỳ kinh doanh đỉnh cao của F21 với hơn 600 cửa hàng và doanh thu lên đến 4,4 tỷ USD. Khi đó, Forbes ước tính tổng tài sản ròng của vợ chồng nhà sáng lập Do Won Chang và Jin Sook khoảng 6,1 tỷ USD. Tình hình kinh doanh thuận lợi khiến hãng tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng và bán quần áo, phụ kiện cho nhiều đối tượng như phụ nữ trưởng thành, đàn ông chứ không chỉ dừng lại ở giới trẻ.

Tuy nhiên, vài năm gần gây, ngành thời trang nhanh đang có xu hướng chững lại và các thương hiệu nếu phát triển quá lớn chuỗi cửa hàng sẽ trở nên khó khăn trong thế giới phẳng. Kể từ 2018, các cửa hàng của F21 tại trung tâm thương mại thưa thớt khách. Doanh thu của hơn 800 cửa hàng chỉ còn 3 tỷ USD. Chính sách “rẻ, đẹp, mẫu mã thay đổi liên tục” của Forever 21 chưa đủ để cạnh tranh với những đối thủ như Zara, H&M, Topshop… Ngoài ra, chi phí mặt bằng cao, chính sách kém linh động của công ty cũng không thể cạnh tranh với các hãng thời trang nhỏ lẻ trên sàn thương mại điện tử. 

F21 đã thu hẹp nhiều cửa hàng có diện tích lớn và nhượng lại một số outlet tiêu thụ sản phẩm tồn kho và hàng giảm giá cho các nhà bán lẻ khác. Tháng 12 năm ngoái, tình hình kinh doanh ngày càng sa sút khiến công ty phải bán trụ sở tại Los Angeles với giá 166 triệu USD. 

Tuy nhiên nỗ lực cải thiện của hãng thời trang này không mang lại hiệu quả. Hãng buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản hôm 29/9 nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp. Đồng thời hãng cũng thông báo sẽ đóng hầu hết các cửa hàng tại châu Á, châu Âu và một số cửa hàng tại Mỹ.

Hiện tổng tài sản của ông Do Won Chang và vợ giảm xuống còn 1,6 tỷ USD (tương đương 800 triệu USD mỗi người), theo Forbes. Nhiều chuyên gia dự đoán, nếu tình hình cơ cấu doanh nghiệp sau khi nộp đơn phá sản không thành công, tổng tài sản của hai vợ chồng nhà sáng lập F21 có thể còn tiếp tục giảm. 

Sơn Nam (Theo BI, Bloomberg, Forbes) – Ngoisao.net