Tạo ứng dụng dạy tiếng Anh cho trẻ bằng 100.000 USD tiết kiệm

Thấy nhu cầu cho con học tiếng Anh của phụ huynh Trung Quốc, vợ chồng Hsu và Hsieh cho ra đời ứng dụng có 1 triệu người dùng trong tháng đầu ra mắt.

Cặp vợ chồng người Trung Quốc Tony Hsieh và Cathy Hsu là hai đồng sáng lập Jiliguala, ứng dụng dạy tiếng Anh cho trẻ em có hơn 25 triệu người dùng đăng ký. Cả hai thành lập Jiliguala tại Thượng Hải năm 2014 khi phát hiện khoảng trống tại thị trường nước này về việc cung cấp các bài học tiếng Anh cho trẻ mầm non. 

Sau khi sinh con đầu lòng, Hsu và Hsieh phát hiện ra nhu cầu của nhiều phụ huynh Trung Quốc trong việc dạy tiếng Anh cho con từ những năm đầu đời.

Hai nhà sáng lập Jiliguala Tony Hsieh và Cathy Hsu. Ảnh: CNBC. 
Hai nhà sáng lập Jiliguala Tony Hsieh và Cathy Hsu. Ảnh: CNBC. 

Theo báo cáo của cổng thông tin trực tuyến Jippy, 76% phụ huynh Trung Quốc cho con học tiếng Anh trước sinh nhật 5 tuổi. Tuy nhiên, chi phí cho việc học này không nhỏ. Các bậc cha mẹ chi khoảng 20% thu nhập hàng năm cho giáo dục của con cái. Thậm chí, học phí tại các trường quốc tế có thể lên tới gần 30.000 USD/năm.

Hsu và Hsieh quyết định khởi nghiệp từ nhu cầu ngày càng lớn của phụ huynh Trung Quốc. Cả hai sử dụng 100.000 USD tiết kiệm để startup Jiliguala, ứng dụng giúp trẻ em từ 0 đến 8 tuổi tiếp xúc và học tiếng Anh dễ dàng hơn. Trước khi ra mắt ứng dụng thông qua video, trò chơi và bài hát tương tác, Hsu và Hsieh dành khoảng một năm theo học chương trình giảng dạy tại các trường ở Mỹ và Trung Quốc. 

Nhờ chiến lược tận dụng sự ảnh hưởng của mạng xã hội, Jiliguala đã phát triển nhanh chóng và có 1 triệu người dùng trong tháng đầu tiên ra mắt.

Cathy Hsu cho biết: “Chúng tôi có được một triệu người dùng đầu tiên ngay sau khi giới thiệu tính năng của ứng dụng trong các bài viết tại WeChat. Từ lâu chúng tôi đã nhận thấy nhiều phụ huynh chia sẻ mẹo nuôi dạy con cái trong các bài viết trên mạng xã hội này. Vì vậy, chúng tôi đã liên lạc với những đơn vị chuyên cung cấp nội dung và thuê họ viết về Jiliguala. Kết quả vượt xa mong đợi. Máy chủ của chúng tôi đã quá tải bởi lượng truy cập quá lớn”.

Phụ huynh có thể học cùng con thông qua ứng học trên điện thoại thông minh, máy vi tính. Ảnh: CNBC. 
Phụ huynh có thể học cùng con thông qua ứng học trên điện thoại thông minh, máy tính. Ảnh: CNBC. 

Hsu và Hsieh học được chiến lược tìm hiểu xu hướng thị trường và sức ảnh hưởng của mạng xã hội trong những ngày còn làm việc tại startup Slide, nhà phát triển ứng dụng của Mỹ được Facebook sử dụng và sau đó được Google mua lại.

Hsu cho hay: “Tại Jiliguala, chúng tôi có vài nhân viên dành phần lớn thời gian để tìm ra các xu hướng đang phổ biến bằng cách lướt và xem video ngắn trên ứng dụng như TikTok”. 

Sự ra đời của Jiliguala nhanh chóng được các bậc phụ huynh Trung Quốc đón nhận bởi những bài học gần gũi, sinh động với trẻ nhỏ. Mỗi bài học dài 15 phút, bắt đầu bằng một video ngắn được thiết kế tái hiện trải nghiệm thực tế, ví dụ việc đến cửa hàng mua đồ dùng.

Trong bài học trên, trẻ sẽ được giới thiệu các từ khóa và câu quan trọng. Sau đó, trẻ sẽ dùng ứng dụng để trả lời những câu hỏi và nhiệm vụ tương tác. Mỗi bài học được tổng kết lại trong một bài hát hoặc truyện ngắn để nhắc lại những ý tưởng chính. Phụ huynh sẽ nhận được báo cáo về tiến bộ của trẻ ở cuối mỗi bài học.

Trong 4 năm qua, Jiliguala đã huy động được 20 triệu USD từ nhà xuất bản Penguin Random House và quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital. Phí hàng năm của ứng dụng này là 76 USD. Ban đầu, Jiliguala được cung cấp miễn phí rồi chuyển sang mô hình trả phí từ năm 2017 sau khi bắt đầu sản xuất nội dung với diễn viên và đội ngũ 200 chuyên gia giáo dục, nhà tâm lý học trẻ em, nhà sản xuất video chuyên nghiệp.

Theo Hsu, cứ 6 trẻ Trung Quốc sẽ có một em sử dụng ứng dụng của Jiliguala để học tiếng Anh. Nữ sáng lập tin tưởng startup của vợ chồng cô sẽ tiếp tục phát triển bởi thị trường Trung Quốc còn rộng lớn và phụ huynh ngày càng chú trọng đến việc học của con.

“Trung Quốc là thị trường rộng lớn và cũng rất cạnh tranh. Nhưng chúng tôi không sợ có đối thủ cạnh tranh vì luôn tìm kiếm những xu hướng mới phù hợp với thị hiếu của người dùng”, Hsu khẳng định. 

Sơn Nam (Theo CNBC) – Ngoisao.net